Bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Chậm tiến độ, do đâu?

GD&TĐ - Đâu là nguyên nhân và cần giải pháp nào để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ?

Cô trò Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Thời hạn để các địa phương hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT là trước ngày 30/11/2023. Tuy nhiên, hiện vẫn còn địa phương chưa hoàn thành việc này. Đâu là nguyên nhân và cần giải pháp nào để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ?

Chủ yếu chậm trường hợp bổ nhiệm lại

Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023. Tuy nhiên, tiến độ triển khai không theo kế hoạch nên ngày 18/12/2023, Bộ GD&ĐT đã gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 7065/BGDĐT-NGCBQLGD để đôn đốc hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo nội dung văn bản, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT trước ngày 30/12/2023.

Đồng thời, xem xét, quyết định thời điểm bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho giáo viên.

Tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho những giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Trong đó, quan tâm việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên trung học phổ thông để bảo đảm tương đồng về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giữa các cấp học.

Thời gian qua, các địa phương đã khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông. Hầu hết địa phương đã hoàn thành phương án và ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Một số trường hợp giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, theo ông Vũ Minh Đức, chủ yếu thuộc trường hợp phải bổ nhiệm lại.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 12 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, kể từ ngày 3/11/2015 đến ngày Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông được bổ nhiệm vào hạng cao hơn sau khi hết thời gian tập sự, hoặc sau khi đạt trình độ đào tạo cao hơn trình độ quy định nhưng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn khác cũng như chưa trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền tổ chức thì phải thực hiện bổ nhiệm lại vào đúng hạng theo quy định (bao gồm cả trường hợp tuyển dụng trước ngày 3/11/2015 và hoàn thành thời gian tập sự theo quy định sau ngày 3/11/2015).

Đối với những trường hợp này, địa phương cần thời gian rà soát lại các quy định có liên quan từ thời điểm giáo viên được tuyển dụng và quá trình công tác, các thành tích trong hoạt động nghề nghiệp để đề xuất phương án bổ nhiệm phù hợp, đúng quy định.

Để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho giáo viên, ông Vũ Minh Đức cho hay, nếu địa phương xác định thời điểm được bổ nhiệm trước ngày ban hành quyết định bổ nhiệm thì giáo viên sẽ được truy lĩnh chế độ (nếu có) theo quy định.

cham tien do do dau (1).jpg
Cô trò Trường Tiểu học -THCS A Xing, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: NTCC

Đẩy nhanh tiến độ

Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Bám sát các quy định, phòng GD&ĐT Than Uyên đã chủ động tham mưu đề nghị UBND huyện bổ nhiệm hạng III mới cho giáo viên và đề nghị trình UBND tỉnh bổ nhiệm hạng II mới.

Từ năm 2021 đến nay, phòng thực hiện 3 lần kiểm tra, rà soát hồ sơ những giáo viên đủ điều kiện để bổ nhiệm hạng chức danh từ hạng cũ sang hạng mới. Cụ thể, số lượng cán bộ, giáo viên đã được bổ nhiệm là 1.229 người; trong đó số được bổ nhiệm hạng III mới là 894, hạng II mới 335.

Số giáo viên còn lại chưa bổ nhiệm hạng chức danh theo hạng mới, theo ông Đoàn Văn Đạt là do chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định; một số đang đi học nâng chuẩn. Hằng năm, phòng GD&ĐT tiếp tục yêu cầu các trường rà soát các thầy cô đủ điều kiện để đề nghị UBND huyện bổ nhiệm hạng chức danh, bảo đảm chế độ và quyền lợi cho nhà giáo.

“Trong quá trình tham mưu thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo theo hạng mới, huyện Than Uyên không gặp phải khó khăn, vướng mắc gì. Tuy nhiên, bảo đảm chế độ cho nhà giáo, phòng GD&ĐT vẫn chủ động tuyên truyền để thầy cô chủ động tham gia học để đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Cùng đó, thường xuyên rà soát những giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn của hạng chức danh để tham mưu đề nghị UBND huyện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo”, ông Đoàn Văn Đạt chia sẻ.

Tại Đắk Nông, theo thông tin từ ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở GD&ĐT, từ tháng 3/2024, địa phương này giao việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho các huyện. Sở GD&ĐT được giao triển khai với khối THPT. Vì số lượng hồ sơ rất lớn nên việc rà soát được tiến hành cẩn thận, không thể làm nhanh, vội nhằm bảo đảm quyền lợi của giáo viên.

Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp với giáo viên THPT. Riêng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, hiện còn khoảng 300 thầy cô chưa được bổ nhiệm. Số này hầu hết rơi vào trường hợp chưa đủ thời gian. Các huyện đã có kế hoạch để bổ nhiệm hết số còn lại, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho đội ngũ.

Về yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khi xét thăng hạng, Bộ GD&ĐT hướng dẫn: Khi thực hiện chuyển hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đúng với cấp học đang giảng dạy, hoặc thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm mới thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm được chuyển.

Sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề, thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.