Bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Quan trọng là quyết tâm thực hiện

GD&TĐ - Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi tiến hành quy trình bổ nhiệm, xếp lương giáo viên...

Cô trò Trường Mầm non Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG
Cô trò Trường Mầm non Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG

Từ thực tiễn, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi tiến hành quy trình bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Xem xét, quyết định thời điểm bổ nhiệm và xếp lương

Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 08) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

quan trong la y chi quyet tam (2).jpg
Ông Vũ Minh Đức.

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023, quy định: “Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành”.

Như vậy, thời hạn để các địa phương hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT là trước ngày 30/11/2023.

Tính đến thời điểm này, hầu hết địa phương đã hoàn thành phương án và ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Tuy nhiên, qua báo cáo của địa phương, bên cạnh những giáo viên đã đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và được ban hành quyết định bổ nhiệm, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (do chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện thời gian giữ hạng hoặc thuộc đối tượng phải xem xét bổ nhiệm lại...). Những trường hợp này tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét, bổ nhiệm khi đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Thực hiện Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 1/7/2024. Do đó, toàn bộ đội ngũ nhà giáo (bao gồm cả trường hợp đã và chưa được chuyển xếp chức danh nghề nghiệp mới) đều được điều chỉnh tăng khoảng 30% tiền lương. Khi nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mới thì tiếp tục được chuyển xếp sang bảng lương áp dụng với hạng chức danh nghề nghiệp mới đó.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 7065/BGDĐT-NGCBQLGD để đôn đốc địa phương hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương xem xét, quyết định thời điểm bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho giáo viên. Trường hợp địa phương xác định thời điểm giáo viên được bổ nhiệm trước ngày ban hành quyết định bổ nhiệm, giáo viên sẽ được truy lĩnh chế độ (nếu có) theo quy định.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh: Không để giáo viên thiệt thòi

quan trong la y chi quyet tam (3).jpg
Bà Tăng Thị Ngọc Mai.

Nhiều địa phương chưa thực hiện bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cho giáo viên mầm non, phổ thông, nhất là giáo viên hạng I, II theo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023.

Nếu chưa được bổ nhiệm, chuyển xếp lương, có thể thầy cô sẽ gặp nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp ở địa phương đã chuyển xếp lương theo các văn bản hiện hành nêu trên.

Theo tôi, Bộ Nội vụ cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BNV nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho những giáo viên chưa được bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới theo Thông tư 08 và truy lĩnh sau khi bổ nhiệm.

Thực tế cho thấy, đa số địa phương đã chủ động triển khai tốt các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa hoàn thành công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên theo quy định. Do đó, tôi cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, cần xem xét, quyết định thời điểm bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho giáo viên. Đồng thời, tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho những giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Trong đó, quan tâm việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THPT để bảo đảm tương đồng về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giữa các cấp học.

Ông Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Đề (Bến Tre): Vì quyền lợi của đội ngũ nhà giáo

quan trong la y chi quyet tam (4).jpg
Ông Võ Minh Dẫn.

Toàn huyện đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư 08 cho toàn bộ giáo viên từ mầm non đến THCS. Sau khi bổ nhiệm, xếp lương mới, chúng tôi nhận thấy, giáo viên mầm non, tiểu học và THCS có thay đổi lớn về lương. Chẳng hạn, với giáo viên tiểu học, THCS yêu cầu trình độ chuẩn là đại học (hệ số lương khởi điểm là 2,34).

Trước đây, có thể giáo viên hưởng lương theo trình độ trung cấp, cao đẳng nên hệ số là 1,86 hoặc 2,1. Hay như với giáo viên mầm non, trước đây yêu cầu trình độ chuẩn trung cấp nay là cao đẳng… vì thế, khi bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư 08, lương của đội ngũ này đều tăng lên.

Để làm được việc này, phòng GD&ĐT thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với phòng Nội vụ, sở Nội vụ để cùng tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của chúng tôi là, chưa biết phải hỏi, chưa rõ phải tìm hiểu và nghiên cứu chính sách, tuyệt đối không làm qua loa, làm cho xong. Tất cả vì quyền lợi chính đáng của đội ngũ nhà giáo.

Trong quá trình thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương mới theo hướng dẫn tại Thông tư 08 cho giáo viên, chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến phản hồi để có những điều chỉnh hợp tình, hợp lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các thầy, cô giáo. Chúng tôi không giấu dốt và vẫn tiếp tục lắng nghe phản hồi từ cơ sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nếu vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên để có hướng giải quyết thỏa đáng.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý chí quyết tâm thực hiện. Với phương châm: Khó đâu gỡ đấy, việc đầu tiên, chúng tôi bám sát hướng dẫn của các thông tư và Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 của Bộ GD&ĐT về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn, vướng mắc và những tình huống phát sinh trong thực tiễn, chúng tôi xin ý kiến cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở Nội vụ, sở GD&ĐT rà soát, tham mưu với lãnh đạo tỉnh để tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ