Bộ não hoạt động thế nào nếu mất đi một nửa

GD&TĐ - Bộ não có thể thay đổi và thích nghi rất kỳ diệu, một khả năng đặc biệt được chỉ ra rõ ràng trong một nghiên cứu mới về những người bị cắt bỏ một nửa não.

Bộ não con người.
Bộ não con người.

Nghiên cứu được công bố vào ngày 19/11, trên tạp chí Cell Reports, tập trung vào một nhóm nhỏ những trẻ em phải phẫu thuật cắt bán cầu não. Sau phẫu thuật, nhiều đứa trẻ có thể đi lại, nói chuyện, đọc và làm việc hằng ngày.

Khoảng 20% bệnh nhân sau phẫu thuật vẫn tìm được việc làm khi trưởng thành như bao người bình thường. Một số bệnh nhân phục hồi rất tốt sau phẫu thuật vì sự tái tổ chức ở nửa còn lại của não.

Bộ não giống như nhựa dẻo. Nó có thể liên tục hình thành các mạng hoặc kết nối mới giữa các tế bào não; tự bù đắp cho sự mất mát đáng kể của cấu trúc não bộ và các mạng lưới thần kinh còn lại có thể hỗ trợ nhận thức.

Ví dụ, nếu chúng ta càng luyện tập guitar nhiều hơn, càng nhiều mạng lưới não chịu trách nhiệm về năng lực âm nhạc sẽ tăng cường.

Một trong những cách tốt nhất để hiểu tính dẻo này là nghiên cứu về những bệnh nhân bị cắt bỏ một phần bộ não. Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California đã phân tích não của sáu người trưởng thành ở độ tuổi 20 - 30, những người trải qua phẫu thuật cắt bỏ một bán cầu ngay từ nhỏ để chữa trị các cơn động kinh.

Các tác giả cũng phân tích bộ não của sáu người vẫn có đầy đủ cả 2 bán cầu. Tất cả những người tham gia đều trải qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), một kỹ thuật đo hoạt động của não bằng cách theo dõi lưu lượng máu.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt xem xét các mạng lưới thần kinh trong não có liên quan đến các chức năng hằng ngày như tầm nhìn, chuyển động, cảm xúc và nhận thức. Sau đó, họ so sánh kết quả quét não với 1.500 hình ảnh não được công bố trong cơ sở dữ liệu có tên là Dự án Siêu cấu trúc bộ não.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, trong số những bệnh nhân chỉ có một bán cầu não, các vùng não liên quan đến cùng một mạng lưới như thị lực hoạt động cùng nhau tốt không kém gì những bệnh nhân khỏe mạnh với bộ não còn nguyên vẹn.

Hơn nữa, các tác giả nhận thấy rằng, kết nối giữa các phần của các mạng lưới khác nhau thực sự mạnh hơn ở những bệnh nhân bị cắt bỏ bán cầu. Theo cách này, có vẻ như bộ não có thể bù đắp cho sự mất cấu trúc não, các tác giả cho biết.

Nhiều người trong số những bệnh nhân này có chức năng não bộ hoạt động ở mức cao, với các kỹ năng ngôn ngữ nguyên vẹn. “Khi đưa lên máy quét, chúng tôi đã có những trao đổi, giống như hàng trăm cá nhân khác mà tôi đã quét.

Những hình ảnh MRI trên máy tính chỉ hiển thị một nửa bộ não, tôi vẫn lấy làm lạ rằng những hình ảnh đó đến từ cùng một người mà tôi vừa thấy nói chuyện và đi lại và đã dành thời gian của mình để tham gia nghiên cứu” - theo Dorit Kliemann, nhà thần kinh học nhận thức tại Viện Công nghệ California và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu.

Có nhiều trường hợp khác trong tài liệu ghi lại khả năng tuyệt vời của bộ não để thích nghi với tình huống bất ngờ. Ví dụ, một cậu bé bị cắt bỏ một phần ba bán cầu não phải, bao gồm phần não chịu trách nhiệm về thị giác.

Nhưng vài năm sau phẫu thuật, các nhà khoa học thần kinh phát hiện phần não bên trái của cậu bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ thị giác bên trái bị mất.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, một nhóm nhỏ phụ nữ có thể ngửi mặc dù thiếu khứu giác, khu vực phía trước não xử lý thông tin về mùi. Mặc dù không rõ điều này xảy ra như thế nào, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể một phần khác trong não của họ đã đảm nhận nhiệm vụ xử lý mùi, theo một báo cáo khác của Live Science.

Các tác giả của nghiên cứu mới hy vọng có thể hiểu rõ hơn về cách não tự tổ chức lại sau chấn thương hoặc đột quỵ và làm thế nào một số vùng có thể bù đắp cho những vùng bị hư hỏng hoặc mất. Ngoài ra, phẫu thuật cắt bán cầu não được thực hiện tốt nhất với bệnh nhân ở độ tuổi rất nhỏ, trước khi lên 4 hoặc 5. Trẻ em có thể lấy lại chức năng bình thường khi lớn lên.
Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.