Theo trang Daily Mail, Jenna đột nhiên gặp sự cố sức khỏe với triệu chứng giống như đột quị mà cô từng gặp ở bệnh nhân trong quá trình thực tập tại Đại học Brenau ở Gainesville, Georgia.
Trên thực tế, Jenna bị co giật do một nhóm mạch máu bị dị dạng ở trong não, hay còn gọi là u máu thể hang (cavernoma). Các bác sĩ phát hiện khối u lành tính trong não của cô gái trẻ và đã cố gắng dùng thuốc điều trị nhưng không hiệu quả.
Vì vậy, để cô có thể tiếp tục sinh hoạt và học tập bình thường, nhóm chuyên gia đã đề nghị mổ mở não của Jenna Schardt để lấy khối mạch máu rối ra ngoài.
Vì khối u máu nằm ở vùng não kiểm soát khả năng nói của cô sinh viên nên họ đã phải vẽ bản đồ chính xác vị trí an toàn để phẫu thuật mà không ảnh hưởng nào đến khả năng giao tiếp của cô.
Và để làm được điều đó, họ cần phải quan sát cô trong trạng thái tỉnh táo và có thể trò chuyện với họ trong khi não bộ của cô bị mổ phanh. Họ cẩn thận chạm vào khu vực có khối u và chờ xem việc này ảnh hưởng thế nào đến khả năng nói của cô.
Jenna quyết định cô muốn mọi người đều có thể quan sát quá trình phẫu thuật của mình nên Trung tâm y tế Methodist Dallas đã phát trực tiếp ca mổ hôm 29/10.
Có đến hơn 1.000 người trên khắp thế giới đã theo dõi ca phẫu thuật sinh tử qua điện thoại và máy tính của họ. Ống kính quay cận chậm rãi vào khuôn mặt của Jenna - bộ phận duy nhất của cô không bị tấm vải phẫu thuật màu xanh che phủ. (Xem video dưới đây. Nguồn: Daily Mail)
Không giống như đa số bệnh nhân làm đại phẫu, Jenna không được đặt máy hỗ trợ thở. Chỉ có một đoạn ống màu xanh lá nằm bên dưới mũi cô, giúp đảm bảo cô có đủ ô-xy.
Đằng sau tấm vải, bị giấu khỏi tầm quan sát của ông kính, là bộ não của cô gái 25 tuổi. Một phần hộp sọ của cô đã được cắt rời để hai bác sĩ phẫu thuật thần kinh tiếp cận với não bộ.
Ít phút sau khi các máy quay bắt đầu hoạt động, đôi môi của Jenna nở nụ cười. Đôi mi của cô ấy chớp chớp. Cô liếc nhìn xung quanh mình. "Ồ, cô ấy còn tỉnh táo!", tiếng ai đó trong phòng phẫu thuật vang lên. Cô nhắm mắt lại trong giây lát. Khi tiếp tục mở mắt ra, trông cô chẳng hề lo lắng hay run sợ.
Trong khoảng 1,5 tiếng trước khi các chuyên viên gây mê từ từ đưa cô vào trạng thái bất tỉnh, đội bác sĩ phẫu thuật đã cẩn thận cắt bỏ mảnh sọ cần thiết, làm tê liệt hộp sọ cùng ba lớp mô bảo vệ - hay còn gọi là màng não – xung quanh não của cô.
Là trưởng khoa phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm y tế Phương pháp Dallas, Tiến sĩ Nimesh Patel giải thích trong quá trình phẫu thuật của Jenna, bản thân bộ não có rất ít thụ thể cảm nhận sự đau đớn, do đó, nó hầu như không tác động đến cảm giác, ngay cả khi bị dụng cụ kim loại chọc vào.
Hay nói cách khác, cô gái không cảm thấy khó chịu hay đau đớn gì nhiều, ngoại trừ việc phải cố định vùng đầu và khô miệng – tác dụng phụ của việc gây mê.
Khối u máu thể hang của cô nằm ở bán cầu não trái. Ngoài nguy cơ gây tổn thương khả năng nói của cô, ca phẫu thuật còn tiềm ẩn mối nguy hiểm vỡ mạch máu gây tổn hại thần kinh. Mọi sai sót dù chỉ 1mm cũng có thể hủy hoại cuộc sống của cô sinh viên ngành y yêu nghề.
Bác sĩ John hướng dẫn Jenna nhìn vào màn hình máy tính bảng và gọi tên hình ảnh cô nhìn thấy. Trước mỗi lần chuyển hình ảnh người xem có thể nghe thấy tiếng "pew" mô tả rằng các bác sĩ đang kích thích một vùng mới trong não cô.
"Bướm, rùa, chuối, cam, người đàn ông, số bốn, chiếc giày", Jenna nói sau mỗi tiếng "pew". Nếu cô bỏ lỡ, không thể nói hình ảnh nào, đó chính là dấu hiệu cho thấy họ không thể can thiệp vào vùng não đó.
Cuối cùng, họ cũng khoanh vùng được vùng não an toàn. Họ thông báo sắp sửa tiến hành cắt bỏ. Jenna đáp: "Thật tuyệt". Họ quyết định giữ cô tỉnh táo trong giai đoạn đầu cắt bỏ khối u máu sau đó mới gây mê từ từ.
Vài tiếng sau ca phẫu thuật, Jenna đã có thể tỉnh lại, mỉm cười và giơ ngón tay cái để ám chỉ cô vẫn khỏe với ống kính. Nếu ca phẫu thuật thành công như kế hoạch đã định, cô sẽ bình phục hoàn toàn và có thể hoàn thành chương trình học vào năm tới.