Bố mẹ nên làm gì để con có thể chia sẻ mọi bí mật của mình?

GD&TĐ - Khi có niềm tin, chính con sẽ là người kể cho cha mẹ nghe mọi bí mật của mình. 

Cha mẹ nên gần gũi để trẻ thoải mái bày tỏ suy nghĩ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên gần gũi để trẻ thoải mái bày tỏ suy nghĩ. Ảnh minh họa.

Do đó, nếu trẻ đã muốn điều gì đó là của riêng mình thì cha mẹ cần tôn trọng.

Khi con trẻ mất niềm tin!

Là một đứa bé có nhiều cảm xúc không muốn bộc lộ ra bên ngoài, con chọn cách viết nhật ký để chia sẻ mọi nỗi niềm.

Với con, nhật ký không chỉ là nơi cất giữ giùm mình những bí mật, mà còn là một người bạn duy nhất có thể lắng nghe và tôn trọng tuyệt đối bí mật đó, đủ để không tiết lộ ra bên ngoài, với bất kỳ ai. Nhưng rồi một lần con phát hiện niềm tin của mình bị phản bội.

Khi bí mật của con bị người lớn biết được, dù chả có gì ghê gớm, kiểu như chuyện “Hôm nay mình đã rất buồn vì bạn thân nhất phải chuyển trường”, hay “Ước gì trên đời có cỗ máy thời gian để có thể tự do quay lại quá khứ hoặc đến tương lai”, nhưng cảm giác bị người khác nhìn thấu những suy nghĩ ngớ ngẩn trong đầu mình, thực sự chẳng phải là điều dễ chịu chút nào.

Lúc đó con đã nghĩ, lỗi không phải của quyển nhật ký, hay của người xem trộm nó, mà là của con. Lẽ ra, con không nên nghĩ rằng nhật ký là nơi để mình trút hết mọi nỗi niềm. Kể từ đó, con không viết nhật ký nữa, con cất mọi bí mật vào sâu tận đáy lòng mình. Với niềm tin giản đơn rằng đó là nơi an toàn nhất.

Năm học lớp 9, lần đầu tiên con có bạn trai gửi thư tình. Cảm giác vừa thinh thích nên không thể vứt nó đi, vừa sợ hãi lo bị phát hiện nên con phải cố gắng tìm một nơi an toàn để giấu. Cuối cùng, con đành cất sâu bức thư vào ngăn kéo của chiếc tủ áo và khóa nó lại. Lúc đó, một đứa trẻ thì không thể ngờ được rằng người lớn luôn có những chìa khóa dự phòng.

Bức thư của con bị lôi ra ánh sáng, và những tình cảm đáng yêu trong trẻo kia bị xát muối.

“Học không lo học. Mới tí tuổi đầu đã bày đặt yêu với đương…”, mẹ đã nói rất nhiều lần kể từ khi phát hiện ra bức thư đó. Sau lần đó, con trở nên ít nói và trầm tính hẳn.

Cùng với niềm tin vào người lớn bị tước đi, con cảm thấy mình thật khó gần gũi với chính những người thân của mình, huống gì là tâm sự hay tìm một lời khuyên từ họ. Dù trong suốt hành trình khôn lớn, con luôn chông chênh trước những quyết định quan trọng của cuộc đời, nhưng tiếc là con không thể tìm được sự trợ giúp về tinh thần từ người thân.

Con đã cảm thấy tổn thương khi quyền riêng tư của mình bị xâm phạm, sẽ thấy mình không còn được tôn trọng khi những bí mật và thế giới nội tâm của mình bị lột trần trước mặt người khác. Điều đó đã ảnh hưởng đến tinh thần của con với ý nghĩ mình bị nghi ngờ, giám sát, mất niềm tin, dẫn đến những mối quan hệ rạn nứt và một khoảng cách không mong muốn tạo ra với chính người thân.

Con hiểu rằng, bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng muốn nhân danh tình yêu thương để việc xem nhật ký, đọc lén tin nhắn trong điện thoại, điều tra nội dung chat, email… là con đường ngắn nhất để tìm hiểu những vấn đề của con mình.

Thế nhưng, con chỉ muốn nói rằng, khi chúng ta có niềm tin vào nhau thì chính con sẽ là người kể cho mẹ nghe mọi bí mật của mình, không phải là quyển nhật ký, hay những tin nhắn trong chiếc điện thoại gợi nhiều tò mò kia.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đừng tò mò khiến con tổn thương

Chia sẻ về tâm sự trên của một bạn trẻ, cô Nguyễn Thị Mai Hoa (Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có xu hướng thể hiện cái tôi của bản thân mình. Luôn mong muốn những người xung quanh tôn trọng mình.

Đặc biệt, từ tuổi thứ mười trở đi, trẻ thường có sở thích viết nhật ký, viết ra tất cả những nguyện vọng, mong muốn, những chuyện riêng tư của mình. Điều đó cũng thể hiện rằng, trẻ muốn giữ những điều bí mật đó. Do vậy, khi con biết bố mẹ “xâm phạm” vào thế giới riêng tư, trẻ sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm, tổn thương ghê gớm và có những hành vi bùng nổ khác.

Vậy nên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về những điều trẻ muốn giữ bí mật và tôn trọng chúng.

“Trẻ sẽ không dễ dàng gì quên được chuyện bạn đã đọc trộm nhật ký của con. Sau chuyện đó, trẻ có thể sẽ không chia sẻ những chuyện mà trẻ gặp phải, trở nên trầm tính, đề phòng, thu mình lại, thậm chí sống khép kín, khó hiểu”, cô Hoa nói.

Cũng có những trẻ khi phát hiện ra bố hay mẹ đọc trộm nhật ký sẽ phản ứng lại bằng cách đốt, xé nhật ký đi và không bao giờ viết nữa. Như vậy, tâm hồn trẻ đã rất tổn thương.

Trẻ phải từ bỏ một thói quen trẻ yêu thích. Chỉ vì một vài phút hiếu kỳ của người lớn đã dập tắt đi niềm đam mê đó ở trẻ. Trẻ sẽ thấy không hài lòng về cách bố hay mẹ đã làm với mình, có những cách phản ứng mạnh mẽ hơn như chống đối, nảy sinh nhiều mâu thuẫn với bố mẹ.

Cô Hoa chia sẻ, nhiều trẻ tâm sự rằng rất bất ngờ khi điều bí mật của mình chỉ nói cho cha hoặc mẹ nghe thì bỗng một ngày dường như cả thế giới đều biết. Ví dụ như khi con ghé tai mẹ thì thầm rồi mẹ lại cười phá lên kể lại cho cả nhà biết. Điều này khiến trẻ hụt hẫng và mất niềm tin hoàn toàn khi chính người thân, người mà mình tin tưởng nhất lại làm “lộ” thông tin. Mặc dù với người lớn, việc làm đó hết sức đơn giản, chẳng có gì to tát.

“Ở mỗi độ tuổi trẻ đều có sự thay đổi về mặt tâm sinh lý. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên gần gũi, trò chuyện cởi mở với trẻ. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ là những người đáng tin, sẵn sàng chia sẻ những chuyện ở trường lớp của mình.

Người lớn muốn con tin tưởng, tôn trọng, gần gũi, chia sẻ thì hãy cũng hay làm điều đó với con. Hãy để trẻ được sống trong thế giới riêng của trẻ. Điều này cũng sẽ khiến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái tốt đẹp hơn”, cô Hoa nhấn mạnh.

>>> Mời quý độc giả đón xem Bài 3: Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.