Giáo dục con cái tôn trọng quyền riêng tư của người khác

Có những hành vi xảy ra hằng ngày rất tự nhiên và gần gũi mà con cái chúng ta thường hay mắc phải. Nhưng trẻ không hề biết nó vi phạm vào những qui định của luật pháp. Trong đó có việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Giáo dục con cái tôn trọng quyền riêng tư của người khác

Thông thường nói đến giáo dục con cái, mọi người hay chú trọng giáo dục đạo đức cho con chứ ít ai nghĩ đến chuyện dạy con những hiểu biết về luật pháp. Vì thế trẻ nhỏ vẫn thường vi phạm các lỗi mà các em hoàn toàn không biết nó thuộc về luật.  

Một hôm Loan đến nhà bạn chơi, em thấy cuốn sổ bìa cứng có in hình thật đẹp để trên bàn học nên tò mò mở ra xem. Em thấy ghi trang đầu chữ “Nhật ký” nên thích thú đọc. Bạn em thấy được bèn giật lấy và tỏ thái độ giận dỗi. Loan ra về mà không hiểu vì sao bạn giận.

Hôm khác, Loan và bạn cùng lớp tham quan ngoại khóa ở ngoại thành. Đến nơi, em mượn di động của bạn gọi về nhà báo với mẹ vài việc cần. Gọi điện xong, thấy trong máy có mấy tin nhắn chưa mở, Loan táy máy mở ra xem. Bạn lại giận em nữa?

Giáo dục con cái tôn trọng quyền riêng tư của người khác ảnh 1

Quyền riêng tư của cá nhân là quyền bất khả xâm phạm. Ảnh: internet.

Loan đang ở nhà một mình thì bác bưu tá gõ cửa đưa lá thư gửi cho anh trai. Loan mở ra xem thì thấy đó là thư của bạn gái anh với lời lẽ đầy tình cảm. Loan biết anh trai đã có bồ nên thích thú đọc hết rồi kể lại cho mẹ nghe.

Trong lớp, gia đình bạn Dung có chuyện không vui, ba và mẹ bạn cãi nhau và đòi ly dị, Dung buồn lắm nên khóc sưng mắt và tâm sự với bạn thân trong lớp.  Không ngờ, bạn đem chuyện gia đình Dung kể lại hết cho bạn bè nghe. Dung biết được nên rất xấu hổ và giận bạn. Em tự nhủ lần sau sẽ không bao giờ tâm sự với ai chuyện gì nữa.

Đồng thời với việc phải tôn trọng sự riêng tư của người khác thì đời sống riêng tư của cá nhân tức là những sự việc, quan hệ liên quan đến bản thân mà cá nhân muốn giữ cho riêng mình không nên kể cho người khác biết nếu bạn không muốn chia sẻ, bộc lộ ra ngoài.

Sự khép kín của đời sống riêng tư cá nhân xem như những lợi ích tinh thần của bản thân.

Mặt khác, cha mẹ cũng nên nhắc nhở con cái chú ý quyền riêng tư trong việc sử  dụng mạng internet như zalo, facebook… Cha mẹ cần cảnh báo con cái để không mắc lỗi phải khi sử dụng mạng như những chuyện sau đây: 

Khi đến nhà bạn chơi, Thanh thấy em của bạn khá xinh xắn bèn chụp nhiều ảnh về đăng lên facebook kèm những lời khen ngợi có cánh. Ba mẹ của bạn thấy được rất phiền vì Thanh chưa xin phép ai trong gia đình cả.

Nên nhớ “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu ai sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Em Liên sau trận cãi nhau với bạn đã đăng lên facebook lời thóa mạ, xúc phạm danh dự bạn. Bạn bè của em thấy vậy cũng hùa vào bênh em và có những bình luận không hay.

Cha mẹ cần giải thích cho con rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. (Bộ Luật Dân sự 2015)

Điều 12 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc quy định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân”.

Giáo dục con cái tôn trọng quyền riêng tư của người khác ảnh 2

Cha mẹ cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của con cái. Ảnh: Internet

Cha mẹ rất cần phải nhắc nhở cho con biết: “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.

Chính bản thân ba mẹ cũng cần phải làm gương cho con về việc này. Không nên nghĩ mình làm cha mẹ thì được quyền xem nhật ký, tin nhắn, thư từ… của con cái khi chưa có sự đồng ý.

Giáo dục con cái tôn trọng quyền riêng tư của người khác là việc vô cùng cần thiết. Điều này vừa thể hiện nếp sống văn minh, vừa tôn trọng pháp luật.

Theo Thegioitiepthi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ