Bố mẹ cần làm gì để giúp con sửa tính lười?

GD&TĐ - Lười biếng không phải là một đức tính tốt, không chỉ gây bực bội cho cha mẹ mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Trẻ cần được khích lệ để tích cực làm việc, yêu lao động. Ảnh minh họa.
Trẻ cần được khích lệ để tích cực làm việc, yêu lao động. Ảnh minh họa.

Thế nhưng, trẻ lười biếng có thể do nhiều nguyên nhân khách quan.

>>>.Cách rèn thói quen làm việc nhà với 'đứa trẻ hay quên'

>>> Lập quy tắc và thời gian biểu để con không lười biếng

>>> Mẹ hối hận vì con 18 tuổi không biết làm việc nhà

Để thu hút sự chú ý

TS Nguyễn Thu Thủy - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, sự lười biếng ở trẻ có thể bắt nguồn từ việc bất đồng quan điểm giữa phụ huynh và con cái trước một vấn đề bất kỳ. Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu con làm việc nhưng theo cách la mắng hoặc chì chiết, trẻ thường nảy sinh thái độ chống đối hoặc phớt lờ chỉ để khiến bạn tức giận hơn.

Đôi khi, trẻ không muốn bị chê cười hoặc thiếu tự tin nên nảy sinh cảm giác lười biếng. Thực tế, nếu trẻ lười biếng hoặc mất động lực làm việc, nhiều phụ huynh bày tỏ thái độ thất vọng. Hoặc ví dụ như khi trẻ ghét học đàn nhưng cha mẹ yêu cầu giỏi đàn và tìm mọi cách khiến con chăm chỉ luyện tập sẽ khiến con lười biếng. Trường hợp này, nếu cha mẹ đối xử với con như một vấn đề cần phải giải quyết, các em sẽ từ chối hợp tác và tiếp tục chây lười.

Vì vậy, hãy để con biết bạn thực lòng quan tâm những hành động thường ngày của trẻ. Đầu tiên, hãy kết nối từ những vấn đề trẻ quan tâm như sở thích cá nhân, cuốn sách yêu thích, môn học yêu thích. Sau đó, cùng trẻ thảo luận vấn đề không thích hoặc thường trì hoãn thực hiện. Điều này giúp trẻ nhận ra cha mẹ luôn thực tâm quan tâm, tôn trọng ý kiến và sở thích của chúng. Từ đó, các em sẽ mở lòng hơn, chia sẻ những vấn đề cá nhân.

Hành động lười biếng cũng có thể giải thích bằng việc trẻ muốn thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người xung quanh, trong đó có gia đình hoặc thầy cô. Điều này có thể bắt nguồn từ việc các em bị mọi người phớt lờ, đánh giá thấp hoặc từ trục trặc trong mối quan hệ của cha mẹ.

Đôi khi, việc trẻ lười biếng có thể do ảnh hưởng từ bạn bè đồng trang lứa. Ví dụ, khi trẻ chơi cùng nhóm bạn lười biếng, thường xuyên quên làm bài tập về nhà, các em sẽ cho rằng việc quên làm bài tập về nhà là bình thường vì “bạn con cũng vậy”.

Trẻ em thường không tự quyết định được vấn đề của bản thân và soi chiếu từ hành động của mọi người xung quanh, đặc biệt từ phía những người thân cận.

Theo TS Nguyễn Thu Thủy, là bố mẹ nên nêu gương chăm chỉ làm việc, không bao giờ trễ hẹn. Khi nhận ra bạn bè của con có xu hướng lười biếng, đừng quên nhắc nhở con rằng có những bạn khác vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để làm việc và phát triển tốt hơn.

Bạn có thể lấy ví dụ về những người làm việc chăm chỉ, đặc biệt là người thân của gia đình nhằm giúp trẻ thay đổi cách đánh giá vấn đề.

Bên cạnh đó, hãy đặt niềm tin vào con. Chẳng hạn: “Bố mẹ tin tưởng vào khả năng của con. Bố mẹ chắc chắn con dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho các dự án, công việc của mình và con sẽ thành công”. Đối với một đứa trẻ, niềm tin hay sự công nhận từ phía người lớn có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực thúc đẩy các em phát triển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giúp trẻ sửa tính lười

TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, vì lười biếng nên trẻ sẽ không muốn làm gì, nhưng hãy khích lệ con tham gia lao động, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, ví dụ như thường xuyên khích lệ trẻ quét nhà, đổ rác…

Khi bắt đầu có thể trẻ không muốn làm nhưng dần dần sẽ thành quen và đồng thời, hãy tin trẻ sẽ làm tốt. Còn gì hiệu quả hơn nếu bạn tin tưởng đồng thời khích lệ trẻ tham gia vào công việc nhà cùng bố mẹ, chúng sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi lao động.

Hơn nữa, cần nắm bắt thời cơ hợp lý để thừa nhận, khen ngợi sự nỗ lực, cần cù của trẻ. Khi con làm được việc tốt như: Để giày dép ngay ngắn, dọn đồ chơi sau khi chơi… hãy nói rằng bạn rất thích những việc làm đó của con. Khi được khen ngợi trẻ sẽ tự hào và ghi nhớ hành động đó hơn, từ đó sẽ dễ dàng lặp lại các hành động này như một thói quen tốt.

“Phụ huynh cần nhớ, trẻ có xu hướng “lười” thiên về tính cách sẽ… không quan tâm lắm đến việc bạn chỉ trích bé. Việc la mắng, phạt con chỉ càng ngăn cách mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ, trẻ sẽ càng trở nên bướng hơn. Bạn có thể nói với bé rằng bạn rất mệt vì làm quá nhiều việc, rằng bố mẹ rất cần sự giúp đỡ của con trong những việc nhỏ. Sau khi con hợp tác hãy lặp lại các bước như đã nói là khích lệ, khen ngợi, ghi nhận…”, TS Thủy nêu quan điểm.

Cũng theo cô Thủy, người lớn có thể nêu ra một tấm gương tốt. Đương nhiên bạn muốn mình là một tấm gương tốt và cân bằng mọi công việc trong cuộc sống, tuy nhiên nếu những đứa trẻ không nhận ra điều ấy thì sẽ không có được một tấm gương để noi theo. Do vậy, hãy cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và chăm sóc những đứa trẻ, cùng làm việc nhà, chúng sẽ coi bạn như một tấm gương để noi theo.

Điều quan trọng là cho chúng biết rằng bạn kì vọng điều gì. Hầu hết lũ trẻ đều muốn cha mẹ hài lòng, vì vậy hãy nói những điều bạn mong muốn ở chúng.

Ngoài ra, một cách để bắt chúng làm việc chăm chỉ là cắt các khoản tiền tiêu vặt, khiến chúng phải tự kiếm tiền cho bản thân mình. Khi chúng muốn có tiền để mua cái gì đó, chúng sẽ nghĩ các việc làm để kiếm và phần thưởng sẽ luôn là động lực cao.

Đôi khi những lời khuyên tích cực có thể không hiệu quả đối với con cái, đặc biệt với trẻ tuổi teen – tuổi rất ương ngạnh và khó bảo. Hãy liên kết các quyền lợi công việc để bắt con làm việc. Ví dụ đối với chúng Internet là thứ không thể thiếu, hãy bắt chúng làm việc và rồi chúng sẽ có quyền được lên mạng.

“Hãy thường xuyên nói cho con biết làm việc chăm chỉ là một đức tính tốt còn lười biếng thì không và đừng quên lấy những ví dụ cụ thể để chúng có thể hiểu một cách rõ ràng. Điều này giúp chúng phát triển sự tôn trọng đối với những người có đạo đức nghề nghiệp tốt và mong muốn những điều tốt đẹp có thể đạt được ở bản thân”, cô Thủy nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ