Thúc đẩy những đứa trẻ "ham chơi, lười làm"

GD&TĐ - Khi muốn trở thành người nắm quyền lực, trẻ có xu hướng “bỏ ngoài tai” lời khuyên của cha mẹ. Thay vào đó, trẻ thường tự quyết về điều mình muốn.

Cha mẹ không nên to tiếng với trẻ.
Cha mẹ không nên to tiếng với trẻ.

Trong những năm qua, nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi về lý do tại sao con họ không có động lực làm bất kỳ điều gì. “Làm thế nào chúng ta có thể giúp trẻ có động lực hơn? Để học tốt hơn? Thậm chí đi học?”… Tất cả những câu hỏi này được cho là nỗi lo của nhiều cha mẹ.

James Lehman – người phát triển phương pháp quản lý trẻ em và thanh thiếu niên nhằm giúp giải quyết các vấn đề ở lứa tuổi này, nhấn mạnh: “Điều quan trọng cần nhớ là: Trẻ luôn được thúc đẩy. Song, trẻ có động lực để chống lại cha mẹ và những người khác, khi chúng không muốn làm điều gì đó. Điều cần thiết là học cách biến động lực tiêu cực của trẻ thành tích cực”.

Thiếu động lực là một hình thức phản kháng

Khi trẻ không rời khỏi giường, làm bài tập về nhà hoặc tham gia vào các hoạt động, điều quan trọng là cha mẹ phải nhận ra rằng, trẻ vẫn có động lực. Tuy nhiên, động lực đó là chống đối. Thực tế, động lực của trẻ là làm mọi thứ theo cách của riêng chúng. Ông Lehman nhận định, động lực là để trẻ trở thành người nắm giữ quyền lực.

“Khi trẻ cảm thấy bất lực, chúng cố gắng trở nên mạnh mẽ bằng cách chống đối. Một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên cảm thấy rất bất lực sẽ nằm trên giường, không đi học, trốn tránh làm bài tập về nhà, ngồi trên ghế dài, không tham gia hoạt động. Bởi, điều đó khiến trẻ cảm giác bị kiểm soát. Đối với phụ huynh, hành vi đó có vẻ hoàn toàn mất kiểm soát. Tuy nhiên, đứa trẻ coi đó là cách duy nhất để kiểm soát những gì đang diễn ra xung quanh mình”, chuyên gia này chia sẻ.

Các phụ huynh sẽ nhận thấy điều đó khi hỏi con mình một câu bất kỳ. Tuy nhiên, con không trả lời, dù đã nghe thấy lời cha mẹ. Nguyên nhân do đâu? Thực tế, khi trẻ nói: “Con không cần phải trả lời nếu không muốn”, cha mẹ sẽ cho rằng, đó là sự thiếu động lực. Theo ông Lehman, hành vi này ở trẻ là nhằm giành quyền kiểm soát phụ huynh.

Tất cả trẻ đều được thúc đẩy bởi điều gì đó

“Tôi muốn nói rõ về điểm này: Mọi người đều có động lực. Câu hỏi đặt ra là, động lực để làm gì? Nếu một đứa trẻ dường như không có động lực, cha mẹ phải xem những gì chúng đang hoàn thành. Từ đó, tìm ra đâu là động lực của trẻ”, ông Lehman cho biết.

Vì vậy, một phần của giải pháp là khiến trẻ có động lực để làm việc khác. Cho rằng đứa trẻ không có động lực là một cách nhìn không hiệu quả. Phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ và nhớ rằng: Trẻ có động lực. Đơn giản là trẻ có động lực để không làm gì cả. Trong trường hợp này, không làm gì có nghĩa là kháng cự để kiểm soát cha mẹ.

Nếu lười làm, trẻ sẽ không được chơi games hoặc xem tivi.
Nếu lười làm, trẻ sẽ không được chơi games hoặc xem tivi.

Trẻ em phản kháng vì thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề

“Đứa trẻ sử dụng sự phản kháng như một hình thức kiểm soát tình trạng thiếu cả kỹ năng xã hội và giải quyết vấn đề. Trẻ không có kỹ năng xã hội để biết cách nói chuyện với người khác, hay cách trở nên thân thiện và cảm thấy thoải mái với bản thân. Đây là những kỹ năng cơ bản mà tất cả chúng ta phải học để thành công khi trưởng thành”, ông Lehman giải thích.

Theo chuyên gia này, nếu liên tục chống cự là cách trẻ cố gắng giải quyết vấn đề, thì cha mẹ sẽ gặp khó khăn đến khi dạy con cách đưa ra giải pháp hợp lý. Bước đầu tiên trong việc dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề là hiểu rằng, chúng đang cố gắng giải quyết vấn đề theo cách không hiệu quả.

Không tranh luận về động lực

“Những đứa trẻ này thường bị thúc đẩy bởi cuộc tranh giành quyền lực. Chúng tìm nhiều cách khác nhau để có được cuộc đấu tranh đó với cha mẹ. Do đó, nhiệm vụ của cha mẹ là tìm cách khác để trẻ giải quyết vấn đề - yếu tố gây ra cuộc tranh giành quyền lực”, ông Lehman gợi ý.

Nếu phụ huynh “chiến đấu” ngày này qua ngày khác với một đứa trẻ không chịu ra khỏi giường, cha mẹ sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề đó. Bởi, ngay cả khi chịu rời khỏi giường sau đó, trẻ sẽ không đánh răng. Ngay cả khi đánh răng, trẻ có thể sẽ không chải đầu. Hoặc, trẻ không mặc quần áo sạch, hay không làm bài tập về nhà.

“Hãy hiểu rằng, khi la mắng con vì thiếu động lực, cha mẹ đang truyền sức mạnh cho hành vi phản kháng của chúng. Vì vậy, đừng la hét. Đừng tranh cãi. Đừng cho trẻ sức mạnh về hành vi kháng cự. Tôi hiểu rằng, các phụ huynh cảm thấy thất vọng. Đó là điều bình thường. Đôi khi, phụ huynh sẽ mất bình tĩnh, ngay cả khi hiểu rõ mục đích của trẻ”, ông Lehman cho biết.

Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, la hét và bạo lực sẽ không giải quyết được vấn đề. Bởi, hành động đó sẽ cho trẻ thêm sức mạnh trong công cuộc chống đối. Thực tế, phụ huynh sẽ không muốn làm điều đó. Thay vào đó, cha mẹ có thể nói rõ ràng, bình tĩnh và đưa ra hậu quả cho hành vi của trẻ.

“Khiến tình huống rõ ràng với đứa trẻ. Sử dụng từ “cha/mẹ”. Phụ huynh có thể nói những câu như: Mẹ muốn con rời khỏi giường và sẵn sàng đến trường. Mẹ muốn con làm bài tập về nhà ngay bây giờ. Sau đó, phụ huynh hãy rời khỏi phòng. Nếu không làm điều đó, trẻ sẽ nhận hậu quả. Trẻ cần có trách nhiệm giải trình”, ông Lehman chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ nói không quan tâm đến hậu quả, cha mẹ hãy bỏ qua. Bởi, đó là một cách để trẻ cảm thấy có quyền kiểm soát. Hoặc, khi các hậu quả được áp dụng một cách nhất quán, cuối cùng, trẻ sẽ nhận thấy, việc tuân thủ là một giải pháp thay thế tốt hơn.

“Do đó, hãy đưa ra những hệ quả. Đừng lo lắng nếu đứa trẻ không thích những hậu quả đó. Phụ huynh không phải là bạn của trẻ, mà là cha mẹ. Nếu trẻ không ra khỏi giường, con cũng không nên làm bất cứ điều gì khác. Trẻ không nên chơi trò chơi điện tử. Hoặc, không nên dành bốn tiếng trước tivi. Hãy thiết lập các quy tắc này và thực thi một cách nhất quán”, ông Lehman gợi ý.

Theo Empowering Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ