Bọ hung - con vật tuyệt vời

GD&TĐ - Bạn nhăn mặt ghê tởm khi nghe nói đến loài bọ hung, nhưng bạn có biết thế giới ra sao nếu không có loài động vật xử lý phân này không? 

Bọ hung có mặt tại khắp nơi trên thế giới
Bọ hung có mặt tại khắp nơi trên thế giới

Không có bọ hung, đất đai sẽ kém màu mỡ, đầy sâu bệnh. Con người sẽ bị nhiễm nhung nhúc ký sinh trùng. Không khí sẽ đầy bụi phân. Đến cả hiệu ứng nhà kính cũng tăng vùn vụt...

Muôn hình vạn trạng

Trong khi chúng ta phát hãi mỗi lần nhìn thấy bọ hung, người Ai Cập, từ thời cổ đại đã rất tôn thờ chúng. Họ xem bọ hung như hóa thân của vị thần lăn mặt trời trên chân mỗi ngày. Tất nhiên, “mặt trời” ở đây chính là cục phân tròn vo mà nhà bọ hung cần mẫn đẩy ngược bằng chi hậu.

Trên toàn cầu, chỗ nào có động vật “đi bậy”, chỗ ấy có bọ hung. Chúng ta đã quen với hình ảnh một con bọ hung đen thui, cặm cụi đục khoét đống phân bốc mùi, “vo” thành những hòn nhỏ, tròn như viên bi. Nhưng bọ hung không phải chỉ có màu đen đâu nhé! Chúng có thể còn mang màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ khác, thậm chí được trang bị thêm cả sừng để chiến đấu.

Nhà bọ hung cũng lắm chi, nhiều nhánh và không phải loài nào cũng ăn phân. Nhưng dù là không ăn phân, món ưa thích của chúng cũng vẫn “nặng mùi” như nhau hết. Đó có thể là trái cây thối rữa, xác động vật phân hủy hoặc thức ăn thừa của động vật săn mồi.

Loài bọ hung không bao giờ kén chọn hay cảm thấy “mất mặt”. Nó hạnh phúc với những gì vừa phát hiện, lập tức viên thành bi và chổng mông đẩy lùi về hang. Một số nhánh bọ hung còn đặc biệt đến nỗi hút luôn chất nhờn trên lưng ốc sên khổng lồ.

Chúng cũng không ngại “xe” ốc sên “chạy” chậm rù, cứ ung dung “quá giang” trên lưng ốc. Tính ra, với loài bọ hung này, cuộc sống lại quá sức là an nhàn!

 

Biết săn cả con mồi sống

Thực tế, một số nhánh bọ hung chuyển sang ăn món khác không phải vì nó... chê phân. Với số lượng bọ hung ngày càng gia tăng, việc tranh giành phân cũng ngày càng trở nên gay gắt. Để không chết đói, nhà bọ hung buộc phải... phân cấp. Kẻ mạnh vẫn tiếp tục ăn phân, còn kẻ yếu đành tìm cách tiêu hóa các món mới. Một nhóm lẻ còn tiến hóa đến mức trở thành bọ cánh cứng săn mồi.

Loài bọ hung biết săn mồi có tên là Deltochilum valgum. Món khoái khẩu của nó là con cuốn chiếu. Tuy nhiên, kỹ năng của nhà bọ hung không phải là tấn công và bắt giết con mồi. Vì thế, dẫu đã tiến hóa đường ruột để tiêu hóa được cả thịt sống, Deltochilum valgum vẫn không có “vũ khí” thích hợp. Nó thiếu cả bộ hàm khỏe lẫn răng nanh dài, sắc nhọn như phần đông các nhà động vật ăn thịt.

Cái khó ló cái khôn! Trước con cuốn chiếu dài hơn nó chí ít cũng gấp 3 lần, một Deltochilum valgum quay ra dùng cặp chân sau linh hoạt mà tổ tiên truyền lại đẩy giãn một đốt khớp của con mồi, sau đó rúc đầu vào cắn đứt phần da mỏng tang giữa hai khớp nối.

Thi thoảng, một Deltochilum valgum còn biết chọn hẳn khớp nối đầu tiên trên người con cuốn chiếu, tức là khớp nối đầu với thân mình. Dĩ nhiên là với vị trí này, nó sẽ “chặt” đầu cuốn chiếu, sau đó vo tròn phần thân và, như mọi họ hàng nhà bọ hung, lại cần mẫn đẩy lùi khối thịt tươi về hang.

Bọ hung - con vật tuyệt vời ảnh 2
Mỗi ngày, bọ hung đều cần mẫn lăn phân thành viên.

Vai trò sinh thái không thể thay thế

Tất cả động vật đang sống đều là “cái thùng không đáy”. Không có loài nào lại chỉ “nhập vào” mà không “thải ra”, và cũng chẳng có chất thải nào lại sạch sẽ cả. Chúng ta ghê tởm phân nhưng vẫn phải thừa nhận, nó là một phần của cuộc sống. Theo nhà nghiên cứu Bryson Sands (Anh), bọ hung quan trọng với hệ sinh thái không kém gì loài ong.

Hãy giả sử thế giới vắng bóng loài bọ cánh cứng ăn phân này mà xem. Thế giới sẽ ngập ngụa trong... phân tích tầng. Chính nhờ bọ hung chia tách, vo viên rồi đào hố chôn các viên phân đó mà mặt đất trở nên sạch sẽ.

Trong những viên phân bọ hung cật lực mang xuống đất, chúng cũng đẻ trứng vào đó. Trứng bọ hung rồi sẽ nở ra ấu trùng (sâu đất) và chén sạch cục phân. Một ngày, nó sẽ lại chui lên mặt đất, lột xác thành bọ hung và tiếp tục công việc mà cha mẹ nó từng làm.

Chỉ tính riêng Châu Phi, nhân loại đã có tới 15 triệu gia súc. Mỗi ngày, số gia súc khổng lồ này thải ra chí ít cũng cỡ 5.500 tấn phân. Nếu không có bọ hung, đảm bảo cả Châu Phi đã... ngập ngụa trong chất thải. Ấy là còn chưa kể đến đám động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thú lớn như voi, trâu rừng, bò rừng...

Tương tự với Châu Phi, mọi châu lục khác đều lúc nhúc vật nuôi và thú hoang. Không chỉ dọn đống phân, bọ hung còn xử lý nó hết sức đúng cách, từ đó cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng hấp thu cho cây cỏ, giảm các loài ký sinh trùng gây hại cho người và vật nuôi, phân tán hạt giống (có trong phân).

Đánh bay gần một nửa hiệu ứng nhà kính

Dù bọ hung đã làm rất tốt việc giảm thiểu lượng ký sinh trùng gây hại cho người và vật nuôi, chúng ta lại đang giết chúng. Thuốc sổ giun sán mà nhà nông dùng cho vật nuôi cũng là độc dược với nhà bọ hung. Nếu một ngày thế giới vì chuyện ấy mà không còn loài động vật xử lý phân này nữa thì sao? Thật quá sức kinh hoàng để tưởng tượng!

 
Bọ hung - con vật tuyệt vời ảnh 4
Bọ hung cũng có thể có màu sắc sặc sỡ và có sừng.

Thập niên 1960, Châu Úc từng muốn phát điên vì bụi phân bò bay trong không khí tại các vùng chăn nuôi. Họ phải nhập cả 53 loài bọ hung từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết thực trạng... muốn phát khóc này. Rất nhanh, “đội quân” bọ hung nhập cư đánh bại bụi phân bò, khiến lượng bụi phân trong không khí giảm đến 90%.

 Thấy được hiệu quả tuyệt vời của bọ hung ở Úc, New Zealand cũng gấp rút thực hiện một “dự án bọ hung”. Họ thành công giảm được 40% khí thải mêtan (CH4) độc hại (có trong phân gia súc). Mà bạn cũng biết rồi đấy, mêtan là một khí gây hiệu ứng nhà kính, có khả năng làm nóng bầu khí quyển Trái Đất gấp 25 lần khí cacbon điôxít (CO2).

Bất kể kích thước lớn hay nhỏ, là loài ăn phân hay ăn xác chết động vật, hoa quả thối rữa... mọi chi, nhánh nhà bọ hung đều thể hiện công dụng giống như nhau. Đừng giết hại hay xua đuổi bọ hung, bởi nó không chỉ là “nhà máy” xử lý phân mà còn là “máy” lọc không khí, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính tốt hơn bất cứ công nghệ nào.

Theo Bbc.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ