Bộ GD&ĐT khuyến khích tái sử dụng SGK
Ngày 21/9, trước dư luận xã hội có phản ánh tình trạng một số sách giáo khoa (SGK) phổ thông chỉ dùng được một lần, gây lãng phí, Bộ GD&ĐT đã gửi tới các cơ quan báo chí ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ về việc sử dụng SGK.
Trong đó nhấn mạnh, về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT xác định: SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.
Việc lưu ý học sinh có ý thức giữ gìn sách vở; yêu cầu các trường xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách; SGK cần được luân chuyển sử dụng trong nhiều năm... - đã được Bộ GD&ĐT đề cập đến trong một số công văn gửi các đơn vị.
Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí. Sắp tới, khi tổ chức biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này
Truóc đó, Bộ GD&ĐT đã có quyết định kiểm tra việc thực hiện in và phát hành SGK năm học 2018-2019 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Theo quyết định này, Bộ GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành SGK của NXB mà thời gian qua dư luận rất quan tâm.
Liên quan đến vấn đề SGK, chiều 21/9, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí và thông tin: Nội dung SGK được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách vào năm 2002 đến nay. NXB Giáo dục Việt Nam không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý Nhà nước hoặc có những phát hiện mới trong khoa học ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung SGK.
Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại. Cụ thể, năm 2018 cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12 thì trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh đều dùng SGK mới thì số lượng cần in là 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh; số còn lại là sử dụng sách cũ, mượn thư viện hoặc dùng chung.
Ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục – cũng khẳng định: Từ năm 2011 đến nay giá SGK không tăng; đồng thời dẫn “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục Việt Nam” ngày 26/1/2018 của Kiểm toán Nhà nước xác nhận thông tin, trong các năm từ 2015-2017, mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng từ việc làm SGK.
Những thông tin mới nhất về kỳ thi THPTQG
Sáng 17/9, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và giám đốc 63 Sở GD&ĐT. Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi năm 2019.
Cụ thể, một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 được đề xuất: Rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong Kỳ thi;
Tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi. Cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi;
Cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm);
Chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi…
Sau cuộc họp, các Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đưa ra ý kiến cá nhân trên báo chí góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam – đề nghị, cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi; nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm; cần sự phối hợp một cách chặt chẽ của các cơ quan trong thanh tra, giám sát kì thi, trong các đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một người của Bộ GD&ĐT…
Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - bên cạnh hoàn thiện khâu đề thi, cho rằng khâu coi thi vẫn nên có sự phối hợp với các trường ĐH, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường ĐH của trung ương, địa phương, trường THPT. Khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách…
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì nhấn mạnh, việc phối hợp giữa Sở và trường ĐH cần gắn chặt hơn nữa; có thể thay đổi, không phải là trường ĐH đứng trên địa bàn phối hợp với các sở dịa phương mà có thể hoán đổi dưới nhiều hình thức khác nhau để sự giám sát lẫn nhau được tốt hơn… Bên cạnh đó, mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đề xuất Bộ tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi; công bố sớm nội dung chương trình thi THPT Quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018; cần đặc biệt quan tâm việc lựa chọn nhân sự nhất là liên quan đến các bước của quy trình chấm thi…
Thầy cô như mẹ hiền
Thầy Sứ cắt tóc cho các em học sinh của trường. Ảnh: Dân trí |
Tuần qua, nhiều tấm gương giáo viên, học sinh cũng được chia sẻ trên báo chí. Báo Dân trí chia sẻ hình ảnh các thầy cô vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) tổ chức cắt tóc, gội đầu, tắm giặt, kêu gọi đóng góp sách vở, quần áo, chăm lo bữa ăn cho học sinh… đầu năm học mới. Đó là những công việc không tên, thầm lặng của những thầy cô giáo đang công tác vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao này.
Thầy Hồ Văn Sứ - giáo viên xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn – tuy không trải qua một ngày nào học cắt tóc, xong thầy Sứ lại khá thành thục với từng đường kéo, tông-đơ hay dao cạo vì cắt tóc miễn phí cho học sinh nhiều năm nay.
Cứ mỗi khi bước vào đầu năm học mới, thấy học sinh nam để tóc dài khá nhiều, trong khi thời tiết nắng nóng gây mất vệ sinh nên thầy Sứ đã tự nguyện mua bộ đồ nghề rồi vận động từng em học sinh đến điểm cắt tóc ngay sân trường. Đã có hàng trăm lượt học sinh được thầy Sứ cắt tóc gọn gàng sạch đẹp trong hai năm học vừa qua.
Không chỉ thầy Sứ, việc đầu mỗi năm học, các thầy cô giáo vừa đi vận động học sinh ra lớp, vừa may quần áo mới hay chuẩn bị nơi ăn ở cho các em học sinh đồng bào dân tộc giờ đã không còn là chuyện quá xa lạ ở các bản làng, các điểm trường vùng cao Quảng Nam.
Trương Hoàng Thiện, học sinh lớp 9/2 trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: Dân trí |
Cũng trong tuần qua, nhiều gương mặt học sinh nghị lực được tôn vinh trên mặt báo. Câu chuyện về sự ham học của em Trương Hoàng Thiện, học sinh lớp 9/2 trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang, Khánh Hòa) được chia sẻ trên Dân trí. Dù bị khuyết tật, bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, Thiện vẫn mang trong mình khát khao cháy bỏng đến trường, đến lớp như chúng bạn để học chữ.
Khâm phục trước tinh thần lạc quan của học trò, cô Trần Thu Trà, Hiệu trưởng trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Nha Trang), cho biết: Thiện từng nói, sẽ học cho đến khi không học được nữa. Do hoàn cảnh khó khăn, mỗi lúc trong trường có học bổng, nhà trường đều ưu tiên dành tặng cho cậu học trò đầy nghị lực này.
Cùng với đó là tấm gương của sinh viên Lương Thị Hà Trang đến từ Thái Nguyên nhận được học bổng toàn phần SEED (Scholarship and Educational Exchanges for Development) trị giá $9.000 CAN (tương đương 159 triệu đồng) trong chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và Canada.
Trang đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn ứng viên, trúng tuyển chương trình trao đổi sinh viên bốn tháng tại Đại học Saskatchewan (Canada) – một trong những đại học đào tạo về ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp tốt nhất thế giới (theo bảng xếp hạng QS World University Ranking).
Cô gái năm 1996 cho biết, việc trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với các loại hình nông nghiệp, môi trường khác nhau tại nước bạn, giúp mình tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm hay để sớm hoàn thiện các dự án về tự nhiên.
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quyết định tặng bằng khen cho cả 4 thí sinh dự vòng chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2018. Trong đó, nhà vô địch Olympia 2018 Nguyễn Hoàng Cường (học sinh lớp 12B5, Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) được ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen vào sáng 19/9.