Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị |
Thời gian tổ chức thi
Theo đó, với sự đồng ý của Chính phủ và sự đồng thuận của xã hội, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ tổ chức một kì thi quốc gia duy nhất gọi là kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Kỳ thi sẽ tổ chức vào ngày 1, 2, 3, 4/7/2015. Kỳ thi này vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để các HS xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đã ngắn gọn rút ra những điểm mới liên quan đến kỳ thi năm nay ví dụ như về cụm thi, về cách đăng kí xét tuyển ở các trường ĐH. Về việc chấm thi, coi thi theo thứ trưởng không có gì thay đổi nhiều so với những năm trước.
Đề thi
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông tin: Về đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành cấu trúc đề thi. Thay vào đó, sắp tới, Bộ sẽ ban hành ma trận đề thi. Trong đó sẽ có những nội dung, dạng câu hỏi từ cơ bản đến vận dụng thực tiễn. Dựa vào đây, giáo viên và HS sẽ hiểu dạng câu nào sẽ đáp ứng yêu cầu nào của HS.
Thứ trưởng lý giải, vệc Bộ không đưa ra cấu trúc vì yêu cầu của đề thi năm nay là muốn hướng đến đánh giá năng lực HS, khả năng vận dụng kiến thức của HS để giải quyết vấn đề trong học tập, trong thực tiễn và phân hóa năng lực HS từ thấp đến cao sao cho vừa xét được tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ.
Đề thi của HS phổ thông và HS bổ túc như nhau, cùng thi và cùng xét bằng tốt nghiệp như nhau.
Cần đổi mới tư duy, thay đổi thói quen
Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách trung ương, địa phương, các trường, mà lớn nhất là tiết kiệm chi phí của từng gia đình thí sinh cũng như toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chính là là đổi mới tư duy và thay đổi thói quen.
Thứ trưởng chân tình chia sẻ: Trong thực tế, cứ nói đến đổi mới vấn đề nào đó, không chỉ riêng về giáo dục, nhiều người cứ nghĩ rằng do những hạn chế, yếu kém mới đổi mới. Nhưng thực ra đổi mới giáo dục chính là xuất phát từ yêu cầu và thách thức của tình hình mới.
Về thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, cần chuyển từ coi trọng giáo dục nhân cách công dân (hiểu theo nghĩa rộng) sang giáo dục nhân cách công dân, đồng thời phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi người; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực (hiểu theo nghĩa rộng). Cần hiểu đầy đủ các yếu tố cấu thành và con đường hình thành và phát triển năng lực.
Về xây dựng hệ thống giáo dục mở và xã hội học tập, học tập suốt đời, cần chuyển từ quan niệm chỉ coi trọng việc học trong nhà trường (giáo dục chính quy) sang coi trọng cả giáo dục nhà trường và giáo dục không chính quy, giáo dục thường xuyên; không chỉ coi giáo dục thường xuyên là sự tiếp tục của giáo dục chính quy mà coi trọng đồng thời cả hai và mối tác động qua lại của hai hệ thống giáo dục này…
Về đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, cần chuyển từ coi vai trò của giáo dục ngoài công lập chủ yếu là để tạo thêm cơ hội học tập cho người dân sang coi đó là giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; chuyển cơ chế quản lý chất lượng giáo dục từ coi trọng đánh giá kết quả giáo dục sang coi trọng cả tự đánh giá, đánh giá đầu vào, đánh giá quá trình và đánh giá kết quả giáo dục;
Cùng đó, chuyển từ trọng tâm quản lý phát triển số lượng sang đồng thời coi trọng cả số lượng và chất lượng giáo dục; vai trò của đánh giá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục...