Bộ GD&ĐT lên tiếng về chữ Tiếng Việt, TPHCM sẽ tổng kiểm tra trường mẫu giáo NCL

GD&TĐ - Chính phủ, Bộ GD&ĐT chính thức lên tiếng liên quan đến đề xuất cải tiễn chữ Tiếng Việt; TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng kiểm tra các trường mẫu giáo ngoài công lập; hoạt động quy mô lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo luật về giáo dục; những tấm gương hết mình là sự nghiệp giáo dục… là thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chưa có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ

Ngày 1/12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã thông tin chính thức về điều này. Theo đó, Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Dù trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học; tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Trả lời một số báo, PGS. TS Bùi Hiền – tác giả công trình nghiên cứu cải cách chữ Tiếng Việt cho biết: hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 với chủ đề trọng tâm là nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 với chủ đề trọng tâm là nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục. 

Tiếp tục các hoạt động góp ý dự thảo luật về giáo dục

Tuần qua, 2 hội thảo lớn đã được tổ chức tại Thái Nguyên và Hà Nội nhằm góp ý cho dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục và dự thảo bổ sung, sửa đổi luật Giáo dục đại học.

Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tại 2 hội thảo thể hiện sự ủng hộ với đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; miễn học phí cho học sinh THCS và nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng..

Đưa tin về hội thảo tại Thái Nguyên trên các báo, nhiều ý kiến chia sẻ niềm vui của các giáo viên từ cơ sở giáo dục khi nghe tới đề xuất xếp lương. Theo Thanh niên, ông Nguyễn Văn Bông, Hiệu trưởng THPT Việt Yên số 2 Bắc Giang, hy vọng lương nhà giáo được xếp cao nhất sẽ là một yếu tố quan trọng để thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho rằng điều này sẽ nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ...

Với dự kiến nâng trình độ đào tạo chuẩn giáo viên tiểu học, đa số ý kiến đều cho rằng đây là xu hướng tất yếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kiểm ra các cơ sở giáo dục NCL

Theo VOV, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ tháng 11 diễn ra chiều 30/11, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ngay trong tháng 12, các đơn vị nghiệp vụ có liên quan sẽ tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 1.800 nhóm trẻ mầm non ngoài công lập. Để quản lý tốt, tránh xảy ra tình trạng hành hạ, đánh đập trẻ em như vụ việc trường mầm non Mầm Xanh tại quận 12, Sở GD&ĐT thành phố đang làm thủ tục thuê camera của Tập đoàn viễn thông Viettel để giám sát tại những cơ sở này.

Trong thời gian tới, những tiêu chí khi cấp phép hoạt động của các nhóm trẻ ngoài công lập sẽ được siết chặt và tăng thêm

Trước đó, theo Tuổi trẻ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang ký công văn yêu cầu tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ hoạt động của cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Sau giờ học, thầy giáo Biên phòng lại cõng các em về nhà dưới ghềnh sát biển. Ảnh: Tiền phong
Sau giờ học, thầy giáo Biên phòng lại cõng các em về nhà dưới ghềnh sát biển. Ảnh: Tiền phong

Những tấm gương hết mình vì giáo dục

Trong tuần này, nhiều tấm gương hết mình vì sự nghiệp giáo dục tiếp tục được khai thác trên báo chí. Giáo dục và Thời đại có bài viết về cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp (Trường THCS Đại Cường, Ứng Hòa, Hà Nội) nhiều năm dạy phụ đạo miễn phí cho học trò. Rất nhiều học sinh khó khăn cũng đã được cô giúp đỡ về vật chất, tinh thần để vươn lên trong học tập.

Tâm sáng, dạy giỏi, cô Nguyễn Thị Nghiệp cũng nhiều lần giúp đỡ đồng nghiệp trẻ không chỉ trong chuyên môn mà cả cuộc sống.

Thanh niên có bài viết về nữ bí thư Đoàn Lê Thị Bích Công (TP.Hội An, Quảng Nam) mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí để giúp học sinh ở xã đảo Tân Hiệp sớm tiếp cận với ngoại ngữ; lớp học còn “mở rộng” thành phần học viên ra với mọi người dân Cù Lao Chàm.

Lớp học thú vị này mở 3 buổi/tuần, với 20 em học sinh từ lớp 4 đến lớp 7 theo học.

Báo Tiền phong chia sẻ câu chuyện xúc động về thượng úy Trần Bình Phục, công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối trên vùng Biển Tây, cách đất liền hơn 17 hải lý, thuộc thị trấn đảo Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau). Gần chục năm nay, Thượng úy Trần Bình Phục xin và được chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Chuối đồng ý đứng lớp học tình thương Biên phòng.

Hình ảnh thượng úy Trần Bình Phục cõng học trò nhỏ, dắt tay vài em khác đến lớp là hình ảnh thường ngày rất đỗi thân thương trong mắt bà con sống trên đảo Hòn Chuối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ