Đồng thuận về sửa hai dự luật, những câu chuyện đẹp

GD&TĐ - Các hội thảo tiếp tục được Bộ GD&ĐT tổ chức trong tuần qua để lấy ý kiến góp ý cho 2 dự thảo Luật; tranh cãi quanh đề xuất của 1 nghiên cứu sinh về tác phẩm "Chí phèo"; truy trách nhiệm vụ bạo hành trẻ tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP.HCM; những những tấm lòng đáng quý vì học trò… là hoạt động giáo dục nổi bật tuần qua.

Đồng thuận về sửa hai dự luật, những câu chuyện đẹp

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo 2 Luật về giáo dục

Các hội thảo diễn ta ở Hà Nội và TP Đà Nẵng được Bộ GD&ĐT tổ chức để lấy ý kiến về 2 dự thảo Luật về giáo dục. Trong đó, với Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, những vấn đề tiếp tục nhận được nhiều góp ý liên quan đến đề xuất tăng lương giáo viên, nâng chuẩn giáo viên tiểu học, miễn học phí học sinh THCS trường công lập.

Các ý kiến phát biểu tại hội thảo
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo 

Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ đồng thuận với những đề xuất trong dự thảo và mong sớm triển khai những đề xuất này vào cuộc sống. Ngoài ra, liên quan đến dự thảo Luật, một số ý kiến đề xuất cần miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi; cần tính toán lộ trình việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên CĐ; nên giữ trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện...

Với giáo dục đại học, vấn đề về hội đồng trường được quan tâm, đặc biệt là ý kiến khác nhau về quy định thanh viên ngoài nhà trường. Những ý kiến cho rằng không nên quy định tỷ lệ thành viên ngoài trường trong hội đồng trường quá cao lý giải, những người này không nắm chắc về quy trình, tổ chức đào tạo, không sâu sát hoạt động của nhà trường nên sẽ gây khó khăn trong việc đưa ra những quyết nghị hợp lý.

Trong khi đó, quan điểm muốn tăng thành phần ngoài trường vào hội đồng trường lại đưa ra kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, hội đồng trường ở các nước phát triển có đến khoảng 50-60% là thành viên bên ngoài. Họ là những người nắm và đưa tính định hướng thị trường vào trong trường để nhà trường phát triển đúng cơ chế thị trường. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về vấn đề này.

Tranh luận quanh đề xuất về tác phẩm “Chí Phèo”

Đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận từ cộng đồng. Nhiều giáo viên Ngữ văn lên tiếng không đồng ý với đề xuất này và cho rằng đây là tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Chia sẻ trên VTC1, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cũng bày tỏ quan điểm cá nhân. Theo ông, là kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, truyện ngắn “Chí Phèo” xứng đáng được tồn tại bên bất kỳ tác phẩm nào so với giai đoạn trước và sau nó.

Bám lớp, bám trường ở vùng cao Nhù Cồ Ván
Bám lớp, bám trường ở vùng cao Nhù Cồ Ván

Những câu chuyện đẹp

Tuần vừa qua, những câu chuyện đẹp về giáo dục cũng được báo chí chia sẻ. Báo Pháp luật TP HCM có bài viết về anh công nhân dạy kèm miễn phí cho trẻ nghèo. Theo đó, 7 năm qua, trong căn phòng trọ, anh Hoàng Trọng Khánh, 1 công nhân tại quận 9 (TP.HCM) đã làm thầy cho biết bao thế hệ học trò trong xóm lao động nghèo.

Cứ sau tan giờ làm, anh Hoàng Trọng Khánh, lại vội vã trở về phòng trọ với lớp dạy kèm miễn phí cho trẻ em nghèo quanh khu vực., với hy vọng có thể giúp các em nắm vững kiến thức, xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti với bạn bè.

Việc làm của anh Khánh nhận được sự đồng tình và ủng hộ của ban lãnh đạo công ty cũng như đồng nghiệp. Đó là yếu tố quan trọng khiến anh có thể duy trì lớp học trong suốt một thời gian dài.

Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết về các thầy cô bám lớp, bám trường ở vùng cao Nhù Cồ Ván – nơi cách xa trung tâm Tả Văn Chư chừng 7 km, cách trung tâm huyện Bắc Hà (Lào Cai) gần 30km. Dù bộn bề khó khăn, không điện, các thầy cô (chủ yếu từ miền xuôi) vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, hết lòng vì học trò.

Những lúc mưa rừng hàng tháng trời, sương khói trắng bao phủ đỉnh Nhù Cồ Ván, các thầy cô cắm bản có cảm giác như mình bị cô lập giữa rừng già, chỉ biết làm bạn với ngọn lửa và sự hồn nhiên, ngoan ngoãn của học trò người Mông vùng cao. Ước mơ của thầy cô giáo nơi đây là có điện thắp sáng để cuộc sống của cả thầy và trò đỡ khó khan hơn, việc dạy học cũng thuận lợi hơn.

Báo Thanh niên đưa tin: một GS gốc Việt (Vinh Nguyen) giảng dạy văn học thuộc Đại học Waterloo tại thành phố Waterloo, Canada nằm trong số 5 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Polanyi trong năm 2017, theo tờ Waterloo Region Record.

Giải Polanyi có giá trị 20.000 USD, được trao hằng năm cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại một trường đại học ở tỉnh bang Ontario đối với các lĩnh vực như hóa học, y học, văn chương và khoa học kinh tế.

Truy trách nhiệm vụ bạo hành trẻ

Sáng 6/12, tại ngày làm việc thứ 3-kỳ họp thứ 6 của HĐND TPHCM khóa IX, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn đã nhận được rất nhiều chất vấn từ các đại biểu xung quanh vụ bạo hành trẻ tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh, quận 12

Không hài lòng với cách trả lời né tránh trách nhiệm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu lãnh đão Sở GD&ĐT và Quận 12 cần phải đi thẳng vào vấn đề, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu một cách nghiêm túc.

Theo báo Pháp luật, liên quan đến vấn đề này, sáng 5/12, tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa IX, Đại biểu Tô Thị Bích Châu (quận 7) đã đề xuất chấm điểm chất lượng trường mầm non ở một số quận mà dân nhập cư đông để người dân có thể chọn lựa tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ