Bộ công cụ thử nghiệm "chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi" bao gồm các nội dung: Hướng dẫn thực hiện bài tập đánh giá trẻ trực tiếp; Phiếu chấm điểm và Ghi điểm đánh giá trẻ trực tiếp: Lĩnh vực vận động; Phiếu chấm điểm đánh giá trẻ trực tiếp: Lĩnh vực nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm quan hệ xã hội, thẩm mỹ, tiếp cận với việc học; Phiếu chấm điểm qua quan sát hoạt động tạo hình; Phiếu chấm điểm qua quan sát hoạt động vui chơi; Phiếu hỏi giáo viên trực tiếp dạy trẻ; Phiếu hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ và danh mục đồ dùng, dụng cụ, thiết bị thử nghiệm.
Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã được đánh giá thử nghiệm trên diện hẹp tại một số địa phương, đã cho thấy hiệu ứng tích cực phù hợp với nội dung Dự thảo Chương trình GD Mầm non (MN) mới. Bộ công cụ được xây dựng công phu trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, Tổ biên tập, ban soạn thảo đã điều chỉnh để có bản hoàn thiện, thử nghiệm đánh giá tại địa phương. Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã được nghiệm thu và tới đây sẽ đưa vào thử nghiệm ở các cơ sở GDMN.
Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em đã cho thấy hiệu ứng tích cực phù hợp với nội dung Chương trình GDMN mới |
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - PGS/TS Trịnh Thị Xim đã đánh giá cao sự nỗ lực, sản phẩm của nhóm tác giả. Hội đồng đã chính thức thông qua Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên lưu ý, ban soạn thảo cần rà soát tổng thể các chỉ số, chỉ báo và bài tập đo, sao cho các bài tập đo phản ánh đúng nội dung của chỉ số. Mã hoá thông tin phiếu để tránh mất thời gian ghi chép nhiều, tránh trùng lặp; có thể nghiên cứu, cân nhắc để bổ sung một số chỉ báo mang tính tiếp cận giáo dục hiện đại;
Rà soát kết cấu khoa học hơn, dễ đọc, dễ hiểu, tránh nhiều chữ, kỹ thuật mô tả để tránh nhận định, suy diễn của người đánh giá nhằm thu được kết quả chính xác từ trẻ em. Phiếu hỏi đối với giáo viên: Cần cấu trúc, đặt câu hỏi phù hợp, dễ hiểu đối với GV; Phiếu hỏi đối với cha mẹ trẻ: rà soát đề phù hợp, thân thiện…; Phiếu hỏi đối với trẻ: cần có phương pháp, lưu ý vấn đề kỹ thuật để trẻ hợp tác trả lời…; Danh mục chọn tranh, trò chơi, danh mục đồ dùng, đồ chơi... cần lựa chọn mang tính phổ quát, điển hình; tránh sự áp đặt suy nghĩ của người lớn, phát huy được khả năng của trẻ; đảm bảo an toàn cho trẻ…
Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, phù hợp với thực tế nuôi dạy trẻ trong tình hình mới |
Bộ công cụ sẽ đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ cho mọi đối tượng nên cần đặc biệt lưu ý về ngôn ngữ sử dụng phải đảm bảo cho các nhóm đối tượng. Hoạt động tập huấn phải quan tâm đến cả đối tượng là trẻ em người dân tộc thiểu số, cân nhắc đánh giá cân bằng về mặt ngôn ngữ của hai đối tượng này. Những vấn đề thử nghiệm cần có phương án phù hợp, kịp thời, mang tính thời sự; ví dụ: dịch bệnh… để có thể sử dụng chiến lược chuyển đổi số, cập nhật thời điểm thử nghiệm.
NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban Giáo dục Mầm non, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho biết: Cùng với việc có một bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, phù hợp với thực tế, đặc biệt là khi tới đây Chương trình GDMN mới sẽ được ban hành, là hết sức cần thiết. Ban biên soạn đã tập hợp trí tuệ và công sức, nghiên cứu để ban hành bộ công cụ sát với yêu cầu thực tế chăm sóc, giáo dục trẻ trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi với yêu cầu về chất lượng nuôi dạy khác trước nhiều, cho thấy đây là việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu GDMN đánh giá cao Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, đi cùng với đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”, có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng, gồm: cha mẹ hay người chăm sóc nuôi dưỡng, giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà khoa học, hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia công tác giáo dục mầm non.
Đa dạng mục tiêu sử dụng, “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” với Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, không chỉ hướng dẫn về sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, mà còn làm cơ sở cho việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường dựa trên chương trình khung giáo dục mầm non; Đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ; Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo. Bộ công cụ đi kèm phải bảo đảm các yếu tố cần thiết, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, đảm bảo tính kết nối với Chương trình GDPT 2018.