Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, tham dự tọa đàm có các chuyên gia, các nhà giáo dục trong và ngoài nước cùng các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và công nghệ dự và có những tham luận làm rõ các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia học trực tiếp tại cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã đánh giá cao sáng kiến của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và công nghệ trong việc tổ chức Tọa đàm. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, Tọa đàm thực sự là diễn đàn để các nhà giáo dục đưa ra những ý kiến, bài học kinh nghiệm trong khó khăn của dịch bệnh, việc tổ chức cho trẻ trở lại trường với nhiều khó khăn, cần tổ chức hoạt động an toàn cho trẻ thế nào, nhiều nơi có sáng kiến cách làm hay, xem xét kiến nghị những điều được chưa được, đề xuất giải pháp tháo gỡ cho cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó nhấn mạnh các nội dung sau:
Đảm bảo an toàn, các phương án ứng phó và giải pháp của địa phương trong quản lý, chỉ đạo, thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trực tiếp tại cơ sở GDMN trong bối cảnh dịch Covid-19; Thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với trẻ em lứa tuổi mầm non.
Giải pháp của các địa phương trong thực thi chính sách của Chính phủ hỗ trợ cơ sở GDMN, giáo viên ổn định các điều kiện để tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trực tiếp trong các cơ sở GDMN. Giải pháp đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp khi số trẻ đến trường, lớp ổn định như khi chưa có dịch. Giải pháp bổ sung nhân viên y tế để đảm bảo an toàn và ứng phó với dịch bệnh.
Các tham luận tại Tọa đàm đã tập trung đánh giá thực trạng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tới trẻ em và việc duy trì hoạt động của cơ sở GDMN; Chia sẻ của chuyên gia quốc tế về việc mở cửa trường học tại một số quốc gia trên thế giới; Chia sẻ của một số địa phương thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trực tiếp tại cơ sở GDMN trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid - 19.
Ông Kayashi chuyên gia đến từ Nhật Bản, đã chia sẻ bài học kinh nghiệm 27 năm hành nghề và trực tiếp là việc điều hành 6 trường mầm non trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua. Tại Nhật Bản quan điểm là cho dù có bao nhiêu ca nhiễm và dịch bùng phát mạnh nhưng trường học vẫn được mở cửa, giáo viên là những người được ưu tiên tiêm phòng vắc xin đầu tiên. Việc mở cửa trường học là phòng tránh những nguy cơ ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế.
Tiếp đó, các sở GD&ĐT Tp Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Nghệ An và một số trường mầm non đã nêu lên sáng kiến trong tổ chức, quản lý, chỉ đạo của các địa phương khi tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19. TS Đặng Lộc Thọ, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục và công nghệ, trình bày kinh nghiệm của chuyên gia trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ tại cơ sở GDMN trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19.
Trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam khiến 4,4 triệu trẻ mầm non bị gián đoạn việc học. Đứng trước những khó khăn của các cơ sở GDMN khi trẻ đến trường trở lại, chúng ta cùng nghe những sáng kiến hay đã thực hiện an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 tại các địa phương, đồng thời nghe chia sẻ của chuyên gia đến từ Nhật Bản kinh nghiệm mở cửa trường Mầm non trong bối cảnh dịch covid 19.
Trong khi cha mẹ chưa yên tâm cho trẻ đến trường, lớp mầm non, chúng ta cùng bàn và kiến nghị giải pháp nào để đảm bảo cho trẻ được tiếp cận với Chương trình GD Mầm non nhằm đảm bảo Quyền trẻ em, đặc biệt đối với trẻ 5 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1.Cũng như sự cần thiết để tham mưu với Chính phủ, đề xuất Bộ Y tế tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi để trẻ an toàn khi đến trường. – Thứ trưởng Ngô Thị Minh.