Bình Phước: Giáo viên tất bật dạy lớp ghép

GD&TĐ - Lớp 1 ghép với lớp 2, lớp 3 ghép với lớp 4. Đó là thực tế của 2 lớp học ghép tại điểm lẻ ấp 7, Trường Tiểu học Tân Lập B, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Thực tế này diễn ra gần trọn vẹn trong năm học 2018 – 2019 này.

Lớp 1 ghép lớp 2 tại điểm lẻ ấp 7, Trường Tiểu học Tân Lập
Lớp 1 ghép lớp 2 tại điểm lẻ ấp 7, Trường Tiểu học Tân Lập

Một giáo viên dạy cùng thời điểm 2 lớp?

Có mặt tại điểm lẻ ấp 7, Trường Tiểu học Tân Lập B (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy các em học sinh nơi đây có cách học khác thường.

Qua quan sát, điểm lẻ này có 7 phòng học nhưng chỉ có 3 lớp học đang có học sinh theo học. Trong đó, một lớp học ghép lớp 1 với lớp 2 và một lớp ghép lớp 3 với lớp 4; một lớp 5 được học riêng biệt. Hai lớp học ghép có chung một phòng, hai tấm bảng được treo đối xứng nhau ở đầu lớp - cuối lớp và chỉ có một giáo viên đứng giảng dạy.

Tranh thủ cho lớp 4 tự làm bài tập Toán ở đầu lớp, giáo viên điểm lẻ tại đây lại phải đi xuống những dãy bàn ở cuối lớp để giảng bài cho số học sinh lớp 3 còn lại.

Phải liên tục dạy 2 lớp học trong cùng một thời gian khiến giáo viên rất vất vả trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh cũng như ổn định lớp học.

Trao đổi với chúng tôi, 2 giáo viên tại điểm lẻ này cho biết: “Khi dạy mà cứ phải chạy đi chạy lại như vậy rất ảnh hưởng đến việc học của các em. Thật sự dạy lớp ghép thế này chất lượng không được cao lắm, vừa vất vả cho thầy cô mà học sinh cũng bị thiệt thòi; việc tiếp thu kiến thức của các em phần nào hạn chế”…

Bình Phước: Giáo viên tất bật dạy lớp ghép ảnh 1
  • Trường Tiểu học Tân Lập B, nơi đang có lớp học ghép.

Do thiếu giáo viên

Trước thực tế bất cập nêu trên, nhiều phụ huynh học sinh đã nhiều lần đề nghị cấp trên nên tách lớp ra và thêm giáo viên vào dạy để con em mình học bảo đảm chất lượng, có thể tiếp thu bài học tốt hơn.

Trước những kiến nghị của các bậc phụ huynh, ngày 16/1, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi UBND huyện Đồng Phú, yêu cầu tách lớp ghép 1 và 2 thành hai lớp đơn bởi điểm lẻ vẫn bảo đảm phòng học và thêm một giáo viên nữa để giảng dạy 2 lớp này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Sỹ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú, cho biết: Trường Tiểu học Tân Lập B đã được công nhận trường chuẩn quốc gia và chỉ cách điểm lẻ ấp 7, xã Tân Lập khoảng 4km. Đường giao thông đã được trải nhựa khang trang sạch sẽ.

Tại điểm trường chính, học sinh được giảng dạy đầy đủ các môn học, năng khiếu, ngoại ngữ, tin học, nhạc… theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, trường đang thiếu giáo viên nên không thể tách lớp ra theo như yêu cầu của Sở GD&ĐT tỉnh đề nghị.

Điểm lẻ tại ấp 7 của Trường Tiểu học Tân Lập B cũng nằm trong kế hoạch xóa bỏ điểm lẻ của UBND huyện. Tuy nhiên thời gian qua, phụ huynh không đồng tình về việc xóa bỏ điểm này.

“Việc tồn tại lớp ghép là do thiếu giáo viên và đúng là chất lượng lớp ghép không bằng lớp đơn. Trong thời gian tới Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các ban ngành đoàn thể cùng với 2 xã Tân Lập và Tân Tiến tiếp tục vận động phụ huynh đưa những em đang học lớp ghép ở điểm lẻ này về điểm chính” - ông Hoàng Thanh Sỹ chia sẻ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, ông Lê Hải Đăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, cho biết: Sở đã có công văn tham mưu, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo UBND huyện Đồng Phú tiến hành tách một lớp ghép để có thể giảm số học sinh trên lớp và tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn.

Hiện nay, Trường Tiểu học Tân Lập B là đơn vị trực thuộc UBND huyện Đồng Phú. Việc biên chế lớp học, ghép lớp, tách lớp thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện Đồng Phú. Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Phước, quan điểm của Sở là việc sắp xếp trường lớp phải làm sao nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng phải tạo mọi điều kiện cho các em đến trường. Hiện, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước về vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.

Nhiều bố mẹ dạy con rằng “Là con trai phải mạnh mẽ”, nhưng dường như câu nói đó vô tình khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Ảnh minh họa: INT.

Con trai không được khóc?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.