Bình ổn thị trường: Doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi

Bình ổn thị trường: Doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi

(GD&TĐ) - “Chương trình bình ổn thị trường cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp (DN)... đã giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và tránh tình trạng đầu cơ trục lợi cũng như liên kết các doanh nghiệp trong nước xích lại gần nhau hơn. Người dân chính là đối tượng được hưởng lợi khi chương trình này ngày càng xã hội hóa” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ khi đánh giá về các kết quả đạt được của chương trình bình ổn thị trường trong năm 2012 và các chuyển động của những tháng đầu năm 2013.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đánh giá hiệu quả của Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính – cho biết: Trong những năm qua, để hạn chế sự mất cân đối cung cầu gây tăng giá đột biến, đặc biệt là trong những dịp cao điểm, lễ, tết... nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt Chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường, giá cả.

Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, số DN và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai Chương trình ngày càng tăng và đa dạng, phong phú về các mặt hàng, đặc biệt đã có nhiều DN tự nguyện tham gia Chương trình mà không nhận vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai Chương trình này.

Chương trình đã đạt được những thành công bước đầu và được đánh giá là một trong những công cụ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình cũng tập trung vào xúc tiến thương mại nội địa, vào các mặt hàng sản xuất trong nước,... từ đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa; hạn chế mức tăng giá chung, hạn chế tâm lý đầu cơ găm hàng, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính CPI của cả nước.

Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cũng đã từng bước tạo được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối. Xuất phát từ việc hỗ trợ các DN phân phối, tới nay Chương trình đã hướng tới tập trung BOG từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất để đầu tư, chủ động nguồn hàng, giảm bớt khâu lưu thông.

Nói về giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường - giá cả cho năm 2013, bà Nga cho biết Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, hướng dẫn về nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí; phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc bán hàng theo giá bán hàng của Chương trình đúng theo như quy định và cam kết; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay của các địa phương đồng thời giám sát việc giải ngân vốn vay của các địa phương.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị các địa phương (nhất là địa phương có khó khăn về kinh phí) chủ động nghiên cứu triển khai các hình thức mới để Chương trình bình ổn thị trường ngày càng phát huy hiệu quả theo hướng tăng cường xã hội hóa và giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như mô hình TP Hồ Chí Minh vừa triển khai cho năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 (Thành phố không hỗ trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% như những năm trước, thay vào đó UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đứng ra kết nối DN với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp).             

Như Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ