Bình mới, rượu phải mới

GD&TĐ - Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 góp phần ổn định tâm lý học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường THPT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Cùng đó, dự kiến cuối quý IV năm nay, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa định dạng mô phỏng theo cấu trúc đề năm 2025 để học sinh và phụ huynh có thể thích ứng với cách đánh giá mới.

Chương trình GDPT 2018 đã triển khai được 4 năm, trong đó, điểm khác biệt căn bản là chuyển từ đánh giá kiến thức sang năng lực học sinh. Tuy nhiên, theo nhận xét của không ít cán bộ quản lý, các bài kiểm tra, đánh giá của nhiều trường học chưa có sự thay đổi.

Thậm chí, có tình trạng học sinh ôn tập theo đề cương cho trước để chuẩn bị các đợt kiểm tra định kỳ. Cách dạy, học, đánh giá không thay đổi nhiều, có thể xuất phát từ việc giáo viên chưa hình dung hết những điểm khác trong đánh giá chất lượng đầu ra cấp THPT ở chương trình, sách giáo khoa mới.

Quá trình đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học thời gian qua của Bộ GD&ĐT cho thấy, đề minh họa có vai trò quan trọng trong định hướng quá trình dạy – học, ôn tập, kiểm tra – đánh giá của giáo viên và học sinh, song không phải là kim chỉ nam trong dạy và học.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng. Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng giáo viên và học sinh sẽ biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức của đề thi thế nào, cách thức ra đề ra sao…

Học sinh dự thi tốt nghiệp năm 2025 chỉ có 3 năm học theo Chương trình GDPT 2018. Giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong muốn đề thi tốt nghiệp THPT dù đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới nhưng phải có tính kế thừa để chống sốc cho người học.

Muốn như vậy, các nhà trường phải nắm được tinh thần của yêu cầu đổi mới và áp dụng ngay trong đề kiểm tra học kỳ I năm học này. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chung của chương trình mới theo hướng phát triển từ cơ sở.

Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đợt tập huấn đầu tiên với giáo viên các môn dự kiến thi tốt nghiệp năm 2025 cho 63 sở GD&ĐT cũng như một số cơ sở giáo dục đại học có tham gia đóng góp trong kỳ thi tốt nghiệp. Đây sẽ là đội ngũ cốt lõi xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ thi thay vì trước đây chỉ có một số thầy, cô giáo chuyên tham gia xây dựng.

Khi thầy cô nắm vững chương trình, lý thuyết về quản lý thì công tác xây dựng ngân hàng đề thi, câu hỏi sẽ thay đổi. Sự thay đổi bắt đầu từ cơ sở và những câu hỏi được giáo viên sử dụng kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ để học sinh tiếp cận dần với đề thi kiểu mới mà không bị “việt vị” khi mốc năm 2025 đang đến gần.

Câu hỏi “học để thi hay thi để học” lại trở nên nóng hơn bởi những đổi mới trong thi cử. Chỉ khi xem thi cử là khâu tất yếu của quá trình học chứ không phải mục đích cuối cùng của việc học thì người học mới có hứng thú, động cơ học tập đúng. Người dạy nhờ đó cũng tự tin, sáng tạo trong giảng dạy.

Thế nên để việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh thành công, còn phụ thuộc vào việc phải làm sao thay đổi nhận thức của cả xã hội về quan niệm chất lượng giáo dục. Đích cuối cùng của việc dạy - học, không chỉ ở chỗ học sinh học cái gì, mà quan trọng hơn cả các em có kỹ năng, làm được gì sau việc học đó.

Và để làm điều này, học sinh nhất thiết phải được trang bị phương pháp học và rèn khả năng tự học. Chính vì vậy, trong dự giờ, thao giảng ban giám hiệu và tổ chuyên môn nhiều trường học đã xem xét việc giáo viên có định hướng được cho học sinh kỹ năng tự học cũng như cách giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức hay không để có những điều chỉnh phù hợp trong phương pháp dạy – học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Mua vang trắng ý chính hãngChampagneThưởng thức vang sủi giá tốt