Tính phù hợp của lịch thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Tính từ năm 2015, khi bắt đầu lộ trình đổi mới thi, thời gian tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia hầu hết rơi vào tháng 6.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Cụ thể, năm 2015: Từ ngày 9 đến 12/6; các năm 2017, 2018, 2019 đều diễn ra vào nửa cuối tháng 6; riêng năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7.

Năm học 2019 - 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho hoạt động dạy - học trên toàn quốc, điều chỉnh khung thời gian năm học, tinh giản nội dung chương trình, chỉ đạo các địa phương phối hợp các hình thức dạy và học phù hợp theo tinh thần tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng dạy học.

Cũng từ năm học này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải lùi đến tháng 8 (từ 8/8 đến 10/8). Hai năm liên tiếp sau đó vẫn là quãng thời gian toàn ngành ứng phó với dịch bệnh và Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào đầu tháng 7 (năm 2022: Từ ngày 6 - 8/7; năm 2021: Từ ngày 6 - 9/7).

Năm 2023 - lần đầu tiên sau 3 năm, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong điều kiện bình thường. Thời gian thi được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 27 đến 30/6 - tương đồng những năm trước khi diễn ra dịch bệnh - có lẽ đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Có thể lý giải tính phù hợp của lịch thi năm nay như sau:

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023, các trường THPT sẽ hoàn thành học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Không ít trường triển khai tăng tiết từ đầu năm học nên đầu tháng 4 đã kết thúc chương trình. Như vậy, tính đến 27/6, thầy trò còn quỹ thời gian vừa phải để ôn tập trước kỳ thi, không quá ngắn, nhưng cũng không kéo dài, dẫn đến học sinh có thể mệt mỏi, rơi rụng kiến thức.

Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đại học hầu hết đều hoàn thành trong tháng 6. Đơn cử, ĐHQG Hà Nội tổ chức các đợt thi từ tháng 2 đến đầu tháng 6. ĐHQG TP Hồ Chí Minh thi các đợt từ tháng 3 đến 28/5.

Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh có 2 đợt thi đánh giá năng lực chuyên biệt vào tháng 4 và tháng 6. Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức vào 6/5. Duy có ĐH Bách khoa Hà Nội thời gian tổ chức thi đánh giá tư duy muộn hơn 1 chút với đợt cuối cùng vào tháng 7… Thí sinh sau khi hoàn thành các bài thi quan trọng nói trên sẽ đủ thời gian để dồn tâm sức cho thi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại địa phương cũng hầu hết được hoàn thành trong tháng 6 (chủ yếu rơi vào nửa đầu của tháng). Việc rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ trong kỳ thi này là một bước thuận lợi cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT sau đó.

Thi tốt nghiệp THPT sớm hơn đồng thời thuận lợi cho các trường đại học tuyển sinh bảo đảm thời gian, bắt đầu năm học mới đúng lộ trình. Chưa kể, một bộ phận nhỏ gia đình muốn hoàn thành sớm kỳ thi để kịp cho kế hoạch du học…

Nhiều năm nay, bên cạnh yêu cầu tổ chức thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế, thì yếu tố vì người học, tạo thuận lợi nhất cho người học luôn được chú trọng. Cùng với lịch thi được cân nhắc kỹ lưỡng, kỳ thi năm 2023 cũng sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến, tiết kiệm cho xã hội cả về thời gian và nguồn lực. Đề thi tham khảo đã sớm được công bố giúp thí sinh định hướng ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.