Phương án mới trước diễn biến bất ngờ

Phương án mới trước diễn biến bất ngờ

Trong tình hình dịch bệnh, năm học 2019 - 2020 trở thành quãng thời gian nhiều cảm xúc với ngành Giáo dục. Thành công trong phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên chiếm gần 1/4 dân số, ngành Giáo dục cũng hoàn thành nhiệm vụ năm học đúng tiến độ. Việc học qua Internet, trên truyền hình trở thành điểm sáng của năm học, khi lần đầu tiên chúng ta triển khai khá hiệu quả phương thức dạy học này trên phạm vi toàn quốc.

Cũng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và lùi lại so với mọi năm khoảng 2 tháng. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tại hầu hết địa phương đã sẵn sàng, trong đó có tính đến phương án dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Giáo dục đã thể hiện được năng lực phản ứng nhanh, chủ động ứng phó với các tình huống. Trước khi phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 tại Đà Nẵng, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã sẵn sàng "đối đầu" với bệnh bạch hầu để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn diễn ra theo đúng lộ trình, bảo đảm quyền lợi và sự an toàn của thí sinh và cán bộ, giáo viên làm công tác thi.

Tại Đà Nẵng, phát hiện một số trường hợp dương tính với Covid-19 là tình huống bất ngờ. Nhưng ngay sau đó, ngành Giáo dục địa phương phát đi yêu cầu rà soát tình hình sức khỏe của 100% học sinh, học viên tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020; kiểm soát mọi điều kiện bảo đảm an toàn cho cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ và thí sinh dự thi; chủ động, sẵn sàng huy động tất cả cơ sở vật chất để phục vụ kỳ thi khi cần thiết; bố trí mỗi điểm thi ít nhất 2 phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế bảo đảm giãn cách giữa các thí sinh… Cùng với Đà Nẵng, một số địa phương khác cũng chủ động lên phương án cụ thể và chi tiết hơn trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến mới.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, kể cả thành phố Đà Nẵng, có phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Chủ trương đã rõ, vấn đề còn lại là triển khai thực hiện, mục đích cuối cùng là kỳ thi an toàn, nghiêm túc, quyền lợi của thí sinh được đặt lên hàng đầu.

Để thực hiện được điều này, cùng với hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, yếu tố quyết định vẫn là sự chủ động, chu đáo, quyết tâm của địa phương; xây dựng các phương án, tính đến đến mọi trường hợp có thể xảy ra, để không bị động trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trường hợp xấu nhất. Một trong những yếu tố quan trọng là bố trí phòng thi, điểm thi dự phòng và các điều kiện khác để sẵn sàng tổ chức thi cho những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cũng rất cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế để bảo đảm an toàn thí sinh, cán bộ, giáo viên làm công tác thi.

Chúng ta đã từng vượt qua dịch bệnh Covid-19 một cách ngoạn mục. Không chỉ vậy, với nỗ lực và quyết tâm, ngành Giáo dục đã biến "nguy" thành "cơ"; có những điều tưởng như vô cùng khó triển khai lại được hiện thực hóa ngay trong bối cảnh đầy thử thách bởi bệnh dịch. Tin rằng, với kinh nghiệm quý đã có, toàn ngành Giáo dục tiếp tục vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà trước mắt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.