Trước thềm Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp), nhiều chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp bằng cách cam kết sẽ đóng góp hàng tỷ USD vào các kế hoạch nghiên cứu và phát triển nhằm đối phó với thực trạng khí hậu hiện nay.
Theo kế hoạch, người sáng lập Microsoft tỷ phú Bill Gates, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/11 sẽ khởi động một sáng kiến nhằm giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng sạch đã được quảng bá trong thời gian gần đây.
Cho đến nay, đã có ít nhất 19 chính phủ và 28 nhà đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó có người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, tỷ phú George Soros, Hoàng tử Saudi Arabia Alaweed bin Talal và nhà lãnh đạo Jack Ma của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), đã ký thỏa thuận tham gia chiến dịch này.
Chiến dịch sẽ bao gồm hai phần: Dự án công-tư có tên gọi Nhiệm vụ Đổi mới (Mission Innovation) do chính phủ đứng đầu và Sáng kiến Năng lượng đột phá (Breakthrough Energy Inititative) do nhóm các nhà đầu tư dưới sự điều hành của tỷ phú Bill Gates dẫn dắt và có nhiệm vụ quảng bá cho Nhiệm vụ Đổi mới.
Liên quan đến dự án Nhiệm vụ Đổi mới, theo cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama về vấn đề khí hậu và năng lượng Brian Deese, chính phủ những quốc gia tham gia đã cam kết sẽ tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào nghiên cứu công nghệ để tạo ra các nguồn năng lượng sạch, với mức chi phí phải chăng và đáng tin cậy trong vòng 5 năm tới.
Các quốc gia tham gia dự án này đều là những nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia, Australia, Canada, Pháp và Na Uy.
Hiện những nước này đang đầu tư tổng cộng khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, với khoảng 50% trong số đó đến từ Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz cho hay bản thân tỷ phú Bill Gates cũng cam kết sẽ đóng góp 1 tỷ USD để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia chiến dịch do ông cùng hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Pháp khởi xướng.
Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nhức nhối của thế giới và nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều từ các quốc gia lớn.
Cho tới nay mới có hơn 178 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải.
Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang chạy đua nước rút để tìm nguồn tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm Trái Đất nóng lên.
Pháp, với tư cách chủ nhà của COP 21, đã nhiều lần khẳng định việc có đủ cam kết 100 tỷ USD trợ giúp các nước nghèo là một điều kiện quyết định cho thành công của hội nghị, nhưng đến nay, mức cam kết đóng góp của các nước giàu cũng chỉ hơn 75 tỷ USD.
Khoảng cách 25 tỷ USD vẫn còn là con số lớn.
Theo các nhà quan sát, để giới hạn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, khoản tiền 100 tỷ USD/năm là quá ít ỏi vì thực tế như tổ chức Oxfam ước tính, chỉ có từ 1- 2 tỷ USD/năm sẽ được dành cho việc các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.
Tại COP21, một trong những vấn đề nổi cộm nhất chính là nguồn tài trợ: các nước giàu cần phải đóng góp bao nhiêu tiền để giúp những nghèo đương đầu với biến đổi khí hậu, để đầu tư vào năng lượng tái tạo và liệu các nhà sản xuất dầu và khí đốt có sẵn sàng chấp nhận “chịu thiệt” nếu các nước đồng ý giảm khí thải trong tương lai.