Ba cựu Tổng thống Ukraina (Leonid Kuchma, Leonit Kravchuk và V.Yushenko) bàn cách khuyên V.Yanukovich |
(GD&TĐ) - Tình hình Ukraina tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Mới đây, phe đối lập ra tối hậu thư cho chính quyền V.Yanukovich rằng, họ chỉ có 2 ngày để ấn định thời điểm bầu cử Tổng thống trước thời hạn, nếu không, tòa nhà chính phủ sẽ bị phong tỏa cả ngày lẫn đêm.
Cái thời hạn “2 ngày” mà người biểu tình đưa ra đã trôi qua nhưng chính quyền Ukraina vẫn không chịu lùi bước và phe đối lập vẫn tích cực biểu tình. Ukraina đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất trong nhiều năm qua.
Căng thẳng ngày một leo thang
Ngay sau thất bại trong việc tạo ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ Ukraina, trả lời phỏng vấn The Financial Times, một trong những đối thủ của V.Yanukovich, doanh nhân Peter Poroshenko đề xuất thành lập chính phủ thân châu Âu hoặc tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Quan điểm thống nhất của phe đối lập là như vậy- Poroshenko nói. Chưa hết, các thủ lĩnh phe đối lập kêu gọi EU can thiệp “tích cực hơn” vào tình hình Ukraina hiện nay.
Lời kêu gọi thống thiết của các thủ lĩnh phe đối lập Ukraina có vẻ như không làm các nhà ngoại giao hàng đầu ở châu Âu...động lòng chắc ẩn. Tại Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra vào hôm thứ năm (5/12) tại Kiev chỉ thấy bóng dáng của Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorki, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bidt.
Những vị khác như Ngoại trưởng Anh, Pháp, EU và cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều “né” hội nghị này. Tại Hội nghị Bộ trưởng OSCE, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các nước châu Âu “không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina”.
Tối thứ tư (4/12), không ít nhà phân tích ngỡ ngàng khi nghe Phó Thủ tướng Ukraina Serhiy Arbuzov tuyên bố rằng chính phủ của ông “sẵn sàng thảo luận về một cuộc bầu cử sớm nhằm giảm nhẹ sự đối đầu ngày càng tăng với những người biểu tình”.
Tuyên bố của Arbuzov đưa ra ngay sau khi các thủ lĩnh phe đối lập Ukraina kêu gọi EU can thiệp sâu vào cuộc đối đầu của họ với chính phủ - The Financial Times viết. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau Arbuzov đính chính: “Tôi chỉ muốn nói rằng chính phủ đã sẵn sàng thảo luận về bất cứ vấn đề gì với công chúng...”. Ông Arbuzov nhấn mạnh rằng không thể tổ chức tranh cử vào thời điểm, khi đất nước đang rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Các cuộc đàm phán ở cấp độ các đảng phái trong Quốc hội Ukraina cũng bất thành. Chính quyền kéo dài thời gian tạo thế hoãn binh nhằm đánh vào tâm lý mệt mỏi của người biểu tình để họ tự giải tán. Tuy nhiên, phe đối lập trước sau như một vẫn đòi giải tán chính phủ, giải phóng Yulia Tymoshenko, chấm dứt “bạo lực chính trị” và khẩn trương tiến hành bầu cử Quốc hội và Tổng thống trước thời hạn.
Chính quyền có sử dụng vũ lực?
Ngày 5/12, cơ quan phát ngôn của Bộ Nội vụ Ukraina thừa nhận thông tin đăng tải trên các báo ở nước này rằng quân đội từ khắp vùng miền đang kéo về Kiev. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị, pháp luật Razumkova, ông Yuri Yakimenko nhận định rất có thể chính phủ sẽ sử dụng vũ lực. “Đây là kịch bản của Belarus và chính phủ có đầy đủ điều kiện để làm việc này...
Tình hình có thể hết sức nghiêm trọng nếu không muốn nói đến thảm họa - xung đột vũ trang”- Yuri Yakimenko nhấn mạnh. Trong khi đó, các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng OSCE tại Kiev cùng 3 cựu Tổng thống Ukraina (Leonid Kuchma, Leonit Kravchuk và V.Yushenko) kêu gọi các nhà chức trách Ukraina không sử dụng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào.
Tuy nhiên, Kiev khó có thể chấp nhận điều này. Nói như Ngoại trưởng Ukraina Leonit Kozhara khi trả lời phỏng vấn báo “Gazeta Wyborcza” (Ba Lan) rằng châu Âu đã xúi giục, kích động người biểu tình.
Từ khắp các thủ đô của EU đã vang lên những lời kêu gọi để phe đối lập biểu tình phản đối, để họ không từ bỏ khẩu hiệu đòi bầu cử trước thời hạn- Leonit Kozhara khẳng định. Leonit Kozhara cho rằng, thay vì kích động người biểu tình hãy nhanh chóng đối thoại để “tránh xảy ra trường hợp nguy hiểm”. Cái mà Leonit Kozhara gọi là “trường hợp nguy hiểm” có thể được hiểu là bạo lực, là xung đột vũ trang.
Kiev đang chờ đợi tín hiệu từ Nga. Tuy nhiên, V.Putin chỉ nhận định ngắn gọn rằng, sự kiện đang diễn ra ở Ukraina không phải là cuộc cách mạng mà chỉ là cuộc bạo loạn, Tổng thống Nga không nói gì thêm cũng là điều dễ hiểu bởi đây là chuyện nội bộ của Ukraina. Có điều, không phải cuộc cách mạng mà chỉ là bạo loạn thì ngại gì việc dùng vũ lực?!
Anh Phương