Theo chân “biệt đội nhí” đi nhặt rác
Suốt 4 năm qua, cứ đến 16 giờ chiều cuối tuần, gần 20 trẻ em độ tuổi từ 10 - 16 tuổi lại đẩy xe thu gom, phân loại rác phế liệu trong các ngỏ hẻm của khu dân cư Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Trước khi bắt tay vào việc, các em được ông Phạm Công Lương (67 tuổi, Bí thư Chi bộ Khu dân cư Bình Phước 1), người được xem là “đầu tàu” của mô hình này phát găng tay, khẩu trang y tế để đảm bảo vệ sinh.
Cứ vào 16 giờ mỗi buổi chiều cuối tuần. Các em trong nhóm sẽ cùng với ông Lương và một số phụ nữ, đoàn viên thanh niên cùng nhau đi thu gom rác thải trong khu dân cư, từ vỏ lon, chai nhựa, bìa carton đến sắt vụn... bán phế liệu lấy tiền thành lập quỹ cư dân.
Để giúp các em trong nhóm, các hộ gia đình đã tự phân loại vỏ lon, vỏ chai và giấy vụn bỏ sẵn trong các túi để khi nhóm đẩy xe thu gom thì mang ra bỏ vào xe. Phế liệu sau khi được thu gom sẽ đưa về tập kết ở cuối con đường Cao Xuân Dục, phường Thuận Phước. Lúc này, các em lại xắn tay áo cùng với các cô, chú trong đội môi trường của khu phố ngồi lại để phân loại.
Cẩn thận lựa các chai nhựa bỏ vào trong túi nilon, em Đỗ Viết Hưng (12 tuổi) phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết: “Cứ vào ngày thứ Bảy hàng tuần là em xin phép ba mẹ tập trung cùng các bạn trong xóm để đi thu gom ve chai. Chúng em được trang bị găng tay, khẩu trang rồi mới đi nhặt rác, sau khi nhặt xong thì phân loại. Sau đó đem bán lấy tiền giúp các bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hoạt động này giúp chúng em nâng cao việc bảo vệ môi trường và có những ngày cuối tuần thật ý nghĩa”.
Được xem như là đội trưởng “biệt đội nhí”, em Nguyễn Lương Hoàng Anh (15 tuổi) cho rằng, những chuyến nhặt rác cuối tuần cùng các cô chú trong tổ dân phố và các bạn rất vui. “Em muốn rủ thật nhiều bạn tham gia chương trình ý nghĩa này, để cùng các cô chú bảo vệ môi trường và làm điều có ích cho xã hội. Đặc biệt là chúng em có thể thông qua việc này mà ủng hộ, giúp đỡ đến các bạn có hoàn cảnh khó khăn”, Hoàng Anh cho biết.
Số tiền từ mô hình này được hỗ trợ cho gia đình học sinh khó khăn, hay những hộ nghèo trên địa bàn. |
Giúp trẻ trở thành công dân tốt
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay số thành viên của “biệt đội nhí” đã tăng lên gần 45 người. Không những vậy, các thành viên trong biệt đội này còn không chỉ là các em nhỏ, mà còn có cả người lớn, phụ nữ, thanh niên…
Ông Phạm Công Lương chia sẻ, từ khi thành lập đến nay, nhóm đã thu lượm phế liệu và bán khoảng 170 triệu đồng. Số tiền này được đưa vào quỹ của khu dân cư để trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, những người tàn tật và những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Lương cho rằng, việc nhặt rác sẽ vun đắp cho các cháu nhiều điều tốt đẹp hơn, để cháu biết rác cũng là nguồn tài nguyên có giá trị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
“Tôi nghĩ đây là hoạt động rất bổ ích và ý nghĩa, qua đó hình thành tính nhân văn, nhân ái và sự sẻ chia trong con người các cháu ngay từ bé. Và tôi cũng mong rằng, từ việc làm này nó sẽ giúp các cháu sau này trở thành những công dân tốt, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, nhất là trong việc bảo vệ môi trường”, ông Lương nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, “biệt đội nhí bảo vệ môi trường” dù là một mô hình nhỏ, một việc làm đơn giản, nhưng nếu chúng ta biết cách làm thì nó sẽ có sức lan tỏa rất lớn cho cộng đồng. Đặc biệt, ý nghĩa của mô hình này là ở chỗ nó sẽ giáo dục tốt cho các em nhỏ ý thức về bảo vệ môi trường bền vững nơi chúng ta đang sinh sống.
Theo ông Lương, trong khu dân cư hiện có hơn 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu, vì vậy mỗi ngày lượng rác thải ra là rất lớn. Chính vì thế năm 2019, ông lập ra “biệt đội nhí” bảo vệ môi trường với các thành viên là các em học sinh trong khu dân cư, đa phần các em trong độ tuổi 10 - 16 tuổi. Mục đích đầu tiên đó là tạo cho các em nhỏ có ý thức, hành động cụ thể bảo vệ môi trường, đồng thời giúp các em nhỏ biết tận dụng phế thải để gây quỹ từ thiện.