Do đó, dạy con tôn trọng ông bà luôn là điều cần thiết. Không chỉ có vậy, trẻ cũng cần hiểu được phải tôn trọng cả những người cao tuổi mà mình gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Đừng coi người cao tuổi là sự phiền phức
Sự gắn kết giữa ông bà và con cháu góp phần rất lớn vào sự phát triển của trẻ và giúp chúng trở thành những đứa trẻ giàu tình cảm. Vì vậy, cha mẹ cần dạy con thể hiện sự tôn trọng ông bà một cách đúng đắn.
Nhiệm vụ của bố mẹ là làm cầu nối giữa con cái và ông bà. Ngay khi con còn nhỏ, hãy thường xuyên dạy con cách tôn trọng và giúp đỡ người cao tuổi. Dù rất bận rộn, nhưng cha mẹ cần dành nhiều thời gian để cho con làm quen với các quy tắc về cách đối xử với mọi người.
Cô giáo Nghiêm Tuyết Mai – Giáo viên Trường Tiểu học Đại Yên (HN) chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại, dạy trẻ càng khó hơn khi có nhiều thứ chi phối đến các gia đình. Tuy nhiên, việc giúp trẻ tôn trọng người cao tuổi hay chính ông bà của mình là điều rất cần thiết và cũng không quá khó. Khi được chứng kiến học sinh của tôi thường xuyên chào hỏi lễ phép và rất nghe lời dặn dò đảm bảo an toàn giao thông của ông bảo vệ già ở trường, tôi cho rằng, điều đơn giản ấy cũng chính là tôn trọng người cao tuổi”.
Cô Mai cũng cho biết thêm, cha mẹ cần nỗ lực không chỉ dạy trẻ cách tôn trọng ông bà mình, mà còn dạy chúng luôn tôn trọng những người lớn tuổi. Cha mẹ cũng chính là những người đồng hành trong suốt chặng đường trưởng thành của con. Vì vậy, nên tâm sự, chia sẻ cùng con, giúp con bày tỏ tình cảm của mình một cách thoải mái, cởi mở nhất. Trong trường hợp, cha mẹ đi đón con, thấy con ngoan ngoãn chào hỏi bác bảo vệ, đừng tiếc lời khen ngợi khích lệ con.
Thạc sĩ tâm lý Lê Phương Thảo chia sẻ: “Trong mỗi câu chuyện, không hiếm gặp nhiều cha mẹ thường “buột miệng” nói những câu như “già rồi lẩm cẩm” hay “già rồi lắm chuyện”… Những câu nói đó vô tình khiến trẻ hình thành suy nghĩ người già thường gây ra những phiền phức. Vì thế, chỉ những điều nhỏ nhặt hàng ngày cũng có thể tác động đến tính cách của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy nói về câu chuyện của bố mẹ mình, tức là ông bà của trẻ cho con nghe, không quên câu cảm thán để trẻ hiểu được tình cảm của cha mẹ với ông bà. Từ đó, trẻ sẽ có thái độ tích cực khi nghe những câu chuyện của những người cao tuổi. Nếu không, cha mẹ hãy hướng những câu chuyện của mình để giúp trẻ luôn nghĩ tới ông bà”.
Cô Lê Phương Thảo cũng cho rằng, cha mẹ hãy kể cho con nghe những thành tích đáng tự hào của ông bà của trẻ. Trẻ sẽ rất tự hào khi biết rằng ông nội mình đã từng tham gia chiến trường bảo vệ hòa bình cho đất nước, sẽ rất khâm phục khi biết rằng bà mình cũng đã từng là nữ thanh niên xung phong dũng cảm và gan dạ... Như thế trẻ càng thấy kính trọng và tự hào với ông bà của mình hơn. Rồi từ đó cũng biết quý trọng những người già cả khác.
Anh Nguyễn Thế Hải - cán bộ Viettel chia sẻ: “Ông nội của con thường hay kể về những ngày ông đi bộ đội, về những câu chuyện đồng chí, đồng đội chia ngọt sẻ bùi và có người sống sót trở về sau chiến tranh. Lúc nhỏ, nghĩ con hiếu kỳ thích nghe chuyện người lớn, sau dần, tôi hiểu được chính những câu chuyện đó đã khiến con tôi biết khâm phục, kính trọng thế hệ cha ông. Con luôn thần tượng những ông thương binh và các chú bộ đội”.
Bài học về tôn trọng người già
Trên thực tế, người già thường chậm chạp, chưa kể đến sự chênh lệch thế hệ cũng khiến con cháu có phần thấy phiền. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tỏ thái độ bất kính hay coi thường người lớn, sẽ không thể dạy con lễ phép với người cao tuổi hay chính là sự tôn trọng với cha mẹ.
Thật khó để hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, chưa nói đến những người cao tuổi hàng ngày mà trẻ gặp. Trẻ em sống trong các thành phố lớn đang dành nhiều thời gian cho việc học và chơi game thay vì quan tâm, chăm sóc ông bà. Vì vậy, muốn con tôn trọng người lớn tuổi cũng chính là việc để con gần gũi với những người cao tuổi ở trong gia đình. Vì thế bạn hãy dành nhiều thời gian và cơ hội để trẻ tiếp xúc với những thành viên cao tuổi trong gia đình mình như ông bà nội ngoại chẳng hạn. Cha mẹ cũng có thể cùng trẻ đi làm từ thiện ở các viện dưỡng lão. Càng dành nhiều thời gian để trẻ tiếp xúc với người già thì mối quan hệ giữa hai thế hệ sẽ trở nên hòa hợp hơn, từ đó con sẽ sẻ chia, thông cảm rồi tôn trọng những người già.
Cha mẹ cũng không cần quá quan trọng hóa vấn đề tôn trọng người cao tuổi phải theo một khuôn mẫu nhất định nào, bởi con trẻ có những cách nhìn rất riêng và khác biệt. Đối với trẻ, đôi khi là chạy lại dắt bà cụ qua đường. Đó cũng chính là cách trẻ đang tôn trọng người già. Cách tôn trọng của trẻ trong trường hợp này là sự chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ, không thờ ơ khi người già gặp khó khăn.
Hay những lúc đi đến nơi công cộng, gặp những người già đi bán hàng rong hoặc đi xin, trẻ có thể không giúp đỡ được bằng vật chất, nhưng việc trả lời một cách lễ phép, không dè bỉu, coi thường hay xua đuổi, đó cũng là cách tôn trọng của trẻ với những người già.
Bất kể việc làm tử tế nào của con, cha mẹ cũng nên quan tâm và động viên để chúng tiếp tục thực hiện điều đó. Mỗi một bài học về sự tôn trọng luôn có quanh ta. Vậy nên, không phải cứ giảng giải để bắt con làm theo cách của người lớn mới là đúng, là hiệu quả. Muốn con tôn trọng người cao tuổi, cha mẹ không chỉ dạy dỗ mà cũng hãy tôn trọng cách nhìn của các con.