Bỏ thừa thức ăn – chuyện bình thường
Thử tưởng tượng khi bạn vào bếp hì hụi nấu nướng nhiều món mà chồng con yêu thích. Trong bữa ăn, mọi người trò chuyện vui vẻ nhưng ăn rất ít, thậm chí con trẻ còn không ăn hay ăn vài miếng rồi bỏ. Điều này đã vô tình khiến bạn thấy hụt hẫng vì nghĩ đồ ăn mình nấu không ngon hoặc tiếc công sức, tiền bạc. Thế là bữa cơm đã giảm một phần vui vẻ.
Thức ăn không chỉ đơn thuần là đồ ăn để sinh tồn, mà nó còn là sự lao động vất vả của con người. Biết quý trọng thức ăn là một đức tính rất cần thiết để rèn cho trẻ nhỏ. Phải dạy trẻ biết trân trọng công sức của người lao động, có như vậy mới hình thành thói quen tốt cho trẻ.
Chị Nguyễn Trà Giang – bà mẹ 2 con (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Hàng ngày, mỗi khi đi làm về, dù mệt đến mấy tôi vẫn chăm chút nấu món nọ món kia cho các con, và cảm thấy vui lây khi tưởng tượng ra gương mặt thích thú của bọn trẻ.
Thế nhưng, có những hôm con đã ăn vặt khi tan trường hoặc không đói nên không muốn ăn cơm cùng gia đình, nếu bắt các con ngồi ăn đúng giờ thì các cháu chỉ ăn vài thìa rồi bỏ”.
Tiếc công sức một phần, chị Giang càng tiếc hơn khi đồ ăn bị bỏ phí, mà để lại bữa sau, con cũng không ăn lại với lý do là hôm qua mới ăn rồi. Rất nhiều lần, chị ngậm ngùi cho đồ ăn vào thùng rác với tâm trạng không vui.
Bỏ thừa đồ ăn là tình trạng không hiếm gặp hiện nay, nhất là ở các gia đình có điều kiện, con cái được chăm chút, quan tâm nhiều.
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, trước khi ăn, trẻ đã ăn quá nhiều đồ ăn vặt, khi đến bữa ăn chính thường ăn ít hoặc thậm chí không ăn. Tình trạng quá đói hoặc quá no diễn ra thường xuyên cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động bình thường của dạ dày và cảm giác thèm ăn, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bỏ thừa cơm.
Lâu dần, việc bỏ thừa đồ ăn sẽ trở thành thói quen và trẻ cảm thấy đây là việc rất bình thường. Vì vậy, người lớn phải hình thành cho trẻ thói quen không bỏ thừa cơm ngay từ khi còn nhỏ. Muốn vậy, người lớn cũng cần phải làm gương và nghiêm khắc trong chuyện ăn uống của con.
Chị Nguyễn Thu Huyền – cán bộ ngân hàng cho biết, trong gia đình, không chỉ chồng chị mà các con cũng coi chuyện bỏ đồ ăn thừa là điều hết sức bình thường.
Theo đó, mỗi lần đi ăn buffet, chồng chị lấy khá nhiều đồ ăn, mặc dù có những món hàng ngày ít thấy động đến nhưng anh vẫn lấy nhiều để…thử xem có ngon không? Các con chị cũng vậy, có thể ăn được nhiều món nhưng không thể ăn được quá nhiều, vậy mà chị nhắc rất nhiều lần vẫn không có tác dụng. Thậm chí, bọn trẻ còn cho rằng, lấy nhiều hay lấy ít cũng mất tiền như nhau thì quan trọng gì chuyện thừa thức ăn.
Các chuyên gia giáo dục cho biết, trẻ em thường hay học tập các thói quen từ người thân cận nhất, sau khi tới tuổi đi học sẽ học theo các bạn trong trường. Trong cuộc sống thường ngày cha mẹ cần làm tấm gương cho con trẻ, không được lãng phí dù chỉ là một chút.
Hàng ngày, cần phải quan tâm và tăng cường giáo dục chứ không nên thỏa mãn hết các đòi hỏi của con, phải đề cao tinh thần tiết kiệm ở bất cứ đâu.
Như vậy, trong gia đình chị Huyền, thói quen của chồng chị đã ít nhiều ảnh hưởng đến con. Trường hợp này được khuyên hạn chế đi ăn nhà hàng, dù chồng con hào hứng cũng nên nói về chuyện ăn buffer lãng phí quá nhiều thức ăn khiến chị cảm thấy ngại và xấu hổ. Lúc này, hãy tạo áp lực hoặc ra điều kiện mới được đi ăn sẽ cải thiện được tình trạng lãng phí thực phẩm.
Biết xấu hổ khi để thừa đồ ăn
Cô Nguyễn Phương Thảo – giáo viên dạy kỹ năng sống ở trường quốc tế cho rằng: “Việc trẻ bỏ thừa thức ăn phải được rèn ngay từ nhỏ. Cần cho trẻ nhận thấy rằng, đó là việc rất quan trọng.
Thậm chí nếu không ăn hết, bữa sau trẻ phải nhịn đói vì đã hết tiêu chuẩn trong một ngày. Muốn vậy, người nấu ăn cũng nên cân nhắc về số lượng thực phẩm trong gia đình, tránh nấu quá nhiều trong khi các thành viên chỉ ăn được lượng nhỏ”.
Cô Thảo cũng cho biết thêm, mỗi ngày, cần nói chuyện nhiều hơn về vấn đề này. Cha mẹ nên là một tấm gương, không nên lãng phí thực phẩm, đồng thời giúp con hiểu được hậu quả của việc bỏ thức ăn sẽ khiến mình bỏ đi bao nhiêu công sức và tiền bạc như nào.
Ngoài ra, có thể cho con xem các hình ảnh về các em bé ở những nơi nghèo đói thiếu ăn ra sao. Việc này giống như một hình thức tuyên truyền để con nhận thấy mỗi lần bỏ đi ăn vào thùng rác là việc làm rất xấu hổ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ lao động để tạo ra sản phẩm như trồng rau, nuôi các con vật, hay đi siêu thị để mua thức ăn. Con được tiếp cận với việc phải mất công sức như thế nào mới có rau củ để ăn, và cha mẹ đã chi bao nhiêu tiền để có được một món ăn bày trên bàn.
Đồng thời, rèn luyện cho con cách ăn uống khoa học, đúng giờ, đúng bữa cũng là việc làm rất quan trọng cải thiện tình trạng bỏ thừa đồ ăn.
Đối với những gia đình thường đi ăn nhà hàng, nếu con gọi quá nhiều món và bỏ thừa, cha mẹ đừng bỏ đi mà hãy gói mang về, và nói cho con hiểu phải đổi sức lao động vất vả mới có được số thức ăn đó. Yêu cầu con ăn vào ngày hôm sau để con rút ra được bài học, tránh lấy hay gọi quá nhiều món mà không ăn hết.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, mỗi ngày đi chợ, bạn hãy cố gắng lên danh sách những thực phẩm bạn sẽ chế biến trong thực đơn ngày hôm đó. Đừng mua những thứ bạn nghĩ rằng mình sẽ dùng tới nó mà hãy mua những thứ đã được lên danh sách rõ ràng.
Đôi khi, trong bữa cơm cũng cần bày tỏ quan điểm cứng rắn nếu trẻ bỏ thừa đồ ăn. Có thể trẻ sẽ không được ăn ở bữa kế tiếp hoặc một hình thức phạt nào đó để con cảm nhận được tầm quan trọng của việc tôn trọng thức ăn, tôn trọng sức lao động của mỗi người và quan trọng nhất là không hình thành thói quen xấu ảnh hưởng tới tính cách của trẻ sau này.