Dạy trẻ yêu sách không chỉ là đọc chữ

Dạy trẻ yêu sách không chỉ là đọc chữ

Trẻ được học cách ứng xử

Nhiều cha mẹ quan niệm rằng, khi còn bé, hãy để con làm những gì mà con thích. Không bắt ép cũng như can thiệp quá sâu vào sở thích của con. Thế nhưng, theo nhiều nghiên cứu, hình thành thói quen cho trẻ sẽ tạo nên tính cách cho con bạn, trong đó có việc đọc sách.

Theo bà Nguyễn Thùy Dung – tác giả sách về hạt giống tâm hồn – cho rằng: "Khi đọc sách, toàn bộ tâm trí và các giác quan của bạn đều dồn về đôi mắt. Điều đó khiến bạn không cần phải quan tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ bộ não và mắt hoạt động. Từ đó, mỗi người đều hình thành sự tập trung và vốn từ ngữ được mở rộng thông qua việc đọc sách. Điều này cũng giúp cho bạn trở nên hoạt ngôn hơn, giao tiếp tự tin, thu hút khiến bạn thành công hơn".

Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, để đọc sách thực sự có hiệu quả rất cần sự đồng hành của cha mẹ. Bà Dung cũng cho biết thêm, người lớn hãy hình thành kỹ năng cơ bản về cách đọc một quyển sách. Trẻ sinh ra chưa biết phải đọc một đoạn văn từ trái sang phải, hoặc phải tiếp nhận thông tin thông qua con chữ, vì vậy đọc sách sẽ giúp trẻ có được kỹ năng này.

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ từ 2 đến 5 tuổi chưa biết đọc chữ, vì vậy, cha mẹ cần đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày. Việc này không chỉ thắt chặt mối quan hệ cha mẹ - con cái, khiến con "ngoan" hơn so với việc phụ huynh thường xuyên phải để mắt và quát mắng khi con hiếu động. Đây cũng là bước tiền phát triển khả năng học tập sau này để trẻ sớm hình thành thái độ tích cực đối với việc học nói chung. 

Thậm chí, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các học sinh được làm quen với việc đọc sách trước 4 tuổi có thành tích học tập tốt hơn trong tất cả các môn ở cấp tiểu học.

Nhiều quan niệm cho rằng, con còn bé, chưa biết chữ thì đọc sách cho nghe cũng không có tác dụng gì. Trên thực tế, cô giáo Nguyễn Thu Giang - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) cho rằng: "Những câu chuyện mà thầy cô hay cha mẹ đọc cho trẻ nghe mỗi ngày sẽ khiến con bộc lộ bản thân dễ dàng hơn và đối xử với mọi người một cách lành mạnh hơn. 

Được nghe những câu chuyện đó, trẻ sẽ học được cách giao tiếp của các nhân vật trong câu chuyện để có những bài học quý giá cho bản thân. Khi bé bắt đầu biết liên hệ những câu chuyện trong sách với các tình huống diễn ra trong thế giới của mình, bé càng trở nên hào hứng với những gì cha mẹ muốn chia sẻ từ cuốn sách".

Như vậy, đối với trẻ nhỏ, việc đọc sách vô cùng quan trọng không chỉ giúp con tăng khả năng tư duy logic, tập trung hơn, thái độ học tập nghiêm túc hơn khi đến trường và tăng khả năng giao tiếp cũng như gắn kết tình cảm với cha mẹ.

Dạy trẻ cách đọc một cuốn sách hiệu quả

Khi con bạn tiến tới một giai đoạn phát triển, cha mẹ cần hướng con đến việc tự giác đọc sách như một thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, cần phải kiên trì gợi mở cho con hứng thú như chơi một trò chơi mà con yêu thích, mong muốn được chơi chứ không phải là việc bắt buộc phải làm. Điều này rất cần sự quan tâm của cha mẹ, cùng con vượt qua những khó khăn ban đầu khi đọc sách.

Theo bà Nguyễn Thùy Dung, cha mẹ hãy khen ngợi khi trẻ cầm quyển sách đúng, giữ gìn nó sạch đẹp, cất ngăn nắp sau khi đọc xong hay thậm chí là liên tục hỏi con về nội dung câu chuyện con vừa đọc. Trẻ sẽ thích thú khi được quan tâm trong việc đọc sách và tự giác kể cho bố mẹ nghe lại. Lúc này, cha mẹ hãy "vờ" như chưa đọc, chưa từng biết đến câu chuyện đó để trẻ được thể hiện.

Cũng theo bà Dung, đọc sách cho trẻ từ sớm giúp con coi sách như niềm vui chứ không phải nhiệm vụ. Chính vì vậy, cần chọn lọc cho trẻ những cuốn sách phù hợp với trẻ như sách về con vật và các âm thanh chúng tạo ra; Sách về một chủ đề ưa thích: Ô tô, truyện cổ tích, công chúa; Sách có liên quan đến những trải nghiệm của bé hằng ngày hoặc những cuốn truyện có thể tháo rời, bìa cứng, vẽ tranh hấp dẫn mà con thích…

Khi trẻ biết đọc, để sau khi con gấp cuốn sách lại thu được kết quả, cha mẹ cần giúp con chọn một cuốn sách, để con tự cầm sách và lật trang cho đúng, tránh bị rách, nhàu. Cùng con đọc thơ hoặc bài hát thật to cũng là cách để trẻ tập đọc sách hiệu quả. Việc này giúp trẻ tập trung vào cuốn sách hơn thay vì chỉ đọc và nhớ mặt con chữ.

Để việc đọc mang lại lợi ích tốt hơn, cha mẹ cũng nên lôi kéo con vào hoạt động đọc sách bằng việc khuyến khích bé nói về các bức tranh hay yêu cầu nhắc lại các từ hoặc đoạn truyện quen thuộc mà bé đã đọc. Lúc này, đừng quên ngạc nhiên, khen ngợi khi bé trả lời đúng hay diễn cảm hay về một câu chuyện.

Nhiều cha mẹ than phiền bé không thích đọc và nhất định không chịu đọc sách, bà Dung cho rằng, không cần quá nóng vội hay buồn bực vì chuyện này, việc đọc sách cần kiên nhẫn cũng như hứng thú, người lớn hãy gợi mở cho trẻ tò mò để đọc một cách say sưa, tự nguyện.

Và nếu con chưa thích ở thời điểm này không có nghĩa là con sẽ không bao giờ đọc, chính vì vậy, hãy cùng trẻ trải qua lúc này để chuẩn bị cho một giai đoạn khác thích hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.