Nhiều cha mẹ cho rằng, con cần phải ngủ chung với bố mẹ để tiện chăm sóc, ngay cả khi trẻ đã lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trẻ từ 3 tuổi cần ngủ riêng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và hành vi của con.
Bi hài chuyện cho trẻ ngủ chung
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bé trai khoảng 4 tuổi đang vén váy bạn gái trong giờ nghỉ trưa, do một phụ huynh ở Hải Phòng chia sẻ. Hình ảnh này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Đã có ý kiến quy trách nhiệm cho giáo viên, nhưng cũng có giả thuyết cho rằng bé trai bắt chước hành vi của ai đó mà cháu đã nhìn thấy.
Thực tế, nhiều cha mẹ dù con đã lớn nhưng vẫn cho ngủ chung phòng, thậm chí chung giường. Cho trẻ ngủ cùng sẽ khó tránh khỏi việc bắt gặp bố mẹ "thân mật". Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của trẻ. Do không hiểu bản chất sự việc, trẻ có thể cho đó là hành vi mẫu, từ đó, có thể trở nên sợ hãi hoặc bắt chước theo.
Một câu chuyện nổi tiếng về một nữ diễn viên Đài Loan - Địch Oanh (được biết đến từ khi tham gia phim Bao Thanh Thiên). Cô là người có tên tuổi trong lĩnh vực truyền thông.
37 tuổi cô mới có cậu con trai Tôn Á sau 3 lần thụ tinh nhân tạo. Chính vì vậy, cô rất nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu của con. 15 tuổi, Tôn Á vẫn ngủ cùng mẹ. Tôn Á giữ thói quen phải sờ ti mẹ mới ngủ được cho đến khi cậu đã lớn.
Lớn lên, cậu tự cho mình mọi đặc quyền. Cho đến khi cậu bị bắt vì mang súng vào lớp khi đang du học ở Mỹ lúc đó, mẹ cậu mới nhận ra sai lầm trong cách nuôi dạy con của mình.
Rèn tính tự lập
Mặc dù là mẹ của ba con nhỏ, cháu lớn mới 5 tuổi, cháu thứ hai 3 tuổi, nhưng khi sinh con gái út Simi, chị Hồ Minh Hương (Hà Đông, Hà Nội) vẫn có nhiều thời gian cho mình bởi các con đã sớm tự lập. Chia sẻ bí quyết của mình, chị cho biết đã rèn con tự ngủ từ khi vừa lọt lòng.
Các con chị dù còn bé nhưng đã có phòng riêng. Tối đến, bé gái 5 tuổi có thể tự sắp chỗ ngủ của mình. Chị hỗ trợ chỗ ngủ cho bé trai 3 tuổi. Các con sẽ tự lên giường ngủ. Thời gian còn lại, chị dành để chăm sóc bản thân, bán hàng qua mạng và chăm sóc bé gái Simi mới 2 tháng tuổi.
Theo chị Hương, các con của chị vừa chào đời đã ngủ trong nôi/cũi riêng. Chị cho con ăn ngủ theo lịch trình sinh hoạt khoa học. Khi 3 tuổi, các con được tách riêng phòng.
"Bé gái đầu lòng ngủ riêng, tôi phải mất ít nhất 1 tháng nằm cạnh con. Sau đó, mỗi ngày, tôi lại rút ngắn thời gian ngủ cùng và cuối cùng là chỉ sang kiểm tra xem con ngủ có say không, an toàn không. Bé thứ hai là con trai, tôi để con ngủ cùng phòng với chị và chia giường. Sau đó tách dần khi con có thể ngủ riêng. Việc cho con ngủ riêng giúp vợ chồng tôi ngủ ngon hơn và có thời gian chăm sóc cho bé út" – chị nói.
Tại các nước phát triển, một kết quả điều tra cho thấy, chỉ có khoảng 6% trẻ em ngủ chung cùng bố mẹ. Con số này tại Nhật là 26%. Thế nhưng, tại Việt Nam con số này là đa số. Có nhiều gia đình cho con ngủ chung đến 10 tuổi. Nguyên do là theo quan niệm của nhiều người, trẻ nhỏ cần gần ở bố mẹ để được yêu thương. Tuy nhiên, trên thực tế, bé ngủ chung lâu với cha mẹ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định.
Trong một nghiên cứu gần đây tại Anh về những ca đột tử ở trẻ sơ sinh, gần 2/3 các trường hợp không giải thích được đã xảy ra khi trẻ ngủ chung với mẹ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn có thể rơi vào trường hợp bé bị mẹ đè lên gây ngạt thở.
Ông Đào Ngọc Cường, Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt là diễn giả, chuyên gia kỹ năng sống. Ông Cường thường xuyên gặp những phụ huynh có con đã học lớp 4 - 5 mà không ngủ riêng. Ông cho rằng, cha mẹ cần cho con ngủ riêng sớm để tốt cả về mặt khoa học và tâm lý.
Trẻ ngủ riêng sớm giúp chất lượng giấc ngủ tốt hơn, không vòi vĩnh và tự tin. Nó tạo đà cho thói quen học tập tốt, tự giác trong mọi việc, giúp bé trưởng thành.
Khi cho ngủ riêng, cha mẹ cần lưu ý sử dụng các loại chăn và đệm có chất liệu mềm mại. Mục đích là để bé không bị nghẹt thở khi chăn đệm đè vào người. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần trang bị các tấm chắn quanh giường để an toàn cho bé, nhất là bé dưới 3 tuổi. Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của bé vào đêm để bảo đảm bé ngủ ngon, an toàn.
Theo ThS Đinh Thị Thu Hoài – Trung tâm Kỹ năng sống Inslight, đối với những trẻ khó ngủ riêng, cha mẹ có thể "tách từ từ". Ban đầu, cha mẹ có thể dùng chăn ở giữa để ngăn với con và cuối cùng là động viên con ngủ riêng.
"Trên hết, cha mẹ cần xem sức khỏe của trẻ có thể tự lập từ nhỏ không. Chuẩn bị tâm lý cho con thật chu đáo, tránh trẻ vòi vĩnh, bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Nếu không, bạn sẽ thấy mệt mỏi, bất lực và khó có thể kiên trì trong việc tập cho bé ngủ riêng. Mỗi em bé đều phải ngủ độc lập, tuy nhiên thời điểm cũng như cách thức cho từng bé lại riêng biệt. Chính vì vậy, cha mẹ nên biết thế nào là phù hợp nhất để con mình có thể ngủ riêng" – ThS Đinh Thị Thu Hoài lưu ý.