Không được bỏ qua các triệu chứng
Ngay từ khi con trai ra đời, chị L.Linh (Trương Định, Hà Nội) nhận thấy phần vùng kín của con hơi nhỉnh hơn các trẻ khác. Chị tâm sự với chồng đều bị gạt đi vì "trẻ con nào chẳng vậy, lớn rồi là trông nó lại cân xứng với người hết".
Nhìn con vẫn khỏe mạnh, tăng cân bình thường, chị lại bỏ qua và không suy nghĩ gì nhiều.
Thế nhưng, sau một đợt ho nặng, bé bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Thời gian đầu chỉ là khối sa bìu nhỏ thường xuất hiện to hơn khi bé ho, khóc, hay rặn khi đi đại tiện.
Chính vì điều này, nên gia đình chủ quan không cho bé thăm khám sớm. Đến khi bé cảm thấy đau tức thường xuyên, chướng bụng, nôn trớ, không đại tiện được, gia đình mới hốt hoảng đưa con đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán rằng thoát vị bẹn bị nghẹt và cần phải mổ gấp.
Các dấu hiệu nhận biết thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng (khối thoát vị) tại vùng bẹn bìu ở trẻ trai và tại vùng bẹn môi lớn của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục...
Lúc trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, khối phồng xẹp đi, vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường. Khối phồng tại vùng bẹn không xẹp lại như mọi khi mà căng cứng, sờ vào gây đau, da trên khối phồng có thể đổi màu, thân nhiệt tăng và dấu hiệu tắc ruột trở nên rõ ràng.
Khi mắc bệnh trẻ nhỏ thường bỏ bú, nôn, quấy khóc, trẻ lớn thì kêu đau vùng bẹn
Các biến chứng nguy hiểm
Thoát vị bẹn ở trẻ em, nhất là thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ và gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng thường gặp của bệnh như:
- Rối loạn tiêu hóa, trẻ chậm lớn
- Trẻ bị táo bón, không thể đi đại tiện được
- Ảnh hưởng tới tinh hoàn ở bé trai: xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, nghẹt ống dẫn tinh gây vô sinh
- Nghẹt hoại tử ruột do ruột hoặc mạc treo ruột không chui về ổ bụng được .
Chia sẻ về bệnh lý này, Ths, BS Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Thời gian phát hiện bệnh có thể là ngay sau sinh nhất là ở trẻ sinh non tháng hoặc có thể sau sinh vài tháng do sau một đợt trẻ ho nhiều hoặc rặn nhiều.
Thoát vị bẹn không phải là một bệnh cấp cứu, tuy nhiên, nếu sau một tuổi không thấy tự khỏi cần cho trẻ đi khám.
Bác sĩ cũng cảnh báo thêm, ở bất kỳ độ tuổi nào khi thấy có dấu hiệu đau, khối thoát vị không đẩy lên được cần phải đi khám vì rất có thể đấy là dấu hiệu nghẹt cần can thiệp tức thì để tránh hoại tử ruột, hoại tử các tạng.
Ngoài ra, thoát vị bẹn cũng là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn, nghẹt ống dẫn tinh gây vô sinh.
Tỷ lệ gặp thoát vị bẹn ở trẻ khoảng từ 0,8 – 4,4%, có nghĩa là cứ 1000 trẻ em thì có từ 8 đến 44 trẻ bị mắc bệnh này. Ở trẻ sinh non tần suất lên đển 30% tùy theo tuổi thai.
Bệnh xảy ra ở cả hai giới nhưng trẻ nam có tỷ lệ bệnh cao hơn trẻ nữ 5-10 lần.
Thoát vị bẹn ở trẻ là bệnh lý bẩm sinh do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống dưới vùng bẹn khiến dịch ổ bụng hoặc ruột chạy xuống, tạo thành khối phồng to ở bẹn.
Thông thường, ở những tháng cuối của thai kỳ hoặc vài tháng đầu sau sinh, ống phúc tinh mạc của trẻ sẽ tự đóng lại. Trường hợp ống phúc tinh mạc không đóng, sẽ gây ra thoát vị bẹn ở trẻ.