Bị vạ lây

GD&TĐ - Mới đây, mạng xã hội rộ lên thông tin một cô gái “bom” (đặt hàng rồi không nhận) 20 ly trà sữa, để anh đưa hàng nghèo phải khốn khổ đền tiền. Bên cạnh việc lên án hành động ác độc của cô gái, nhiều “cư dân mạng” quá khích còn tìm những nhân vật “vệ tinh” xung quanh cô gái để trút giận. Trong số nạn nhân đó, thầy hiệu trưởng của trường nơi mẹ cô gái làm việc cũng bị vạ lây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô gái tuổi teen nói trên ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt Grab giao 20 ly trà sữa với giá 1,2 triệu đồng rồi “bom” không nhận hàng, khiến anh tài xế khóc dở mếu dở lên mạng kể lại sự việc. Cộng đồng mạng phẫn nộ, ngay lập tức truy tìm ra tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của cô gái. Với hành động “bom” hàng không suy nghĩ đó, cô gái đã phải trả một cái giá quá đắt. Trong một trần tình, xin lỗi về vụ việc trên Facebook cá nhân, cô gái nói rằng em trai dùng điện thoại của mình bày trò và cô đang rất lo sợ. Những ngày này, cô không dám nghe điện thoại vì toàn người gọi đến chửi bới, đe dọa; cô không dám ra ngoài đường; ngoài ra có nhiều người lạ mặt tìm đến nhà…

Cơn phẫn nộ của cộng đồng mạng là điều dễ hiểu khi những vụ việc “xù” hàng, “bom” hàng đang diễn ra ngày càng nhiều, trở thành trò vui của một bộ phận giới trẻ. Ngày nào trên

Facebook cũng có những câu chuyện đọc mà thấy chua xót: Bác tài xế già và nghèo, đội mưa đi cấp tập trong đêm giao đồ ăn cho một bạn teen, gần đến nơi thì nhận được tin nhắn báo hủy. Bác tài xế đã bật khóc, may sao có người hàng xóm mua giúp cho suất ăn đấy. Hay một quán ăn hì hục làm 6 suất ăn theo đặt hàng qua điện thoại, toàn những món nấu nướng công phu như gà hầm, canh xương, mực sốt… Lúc mang đồ ăn đi giao thì điện thoại đặt hàng ò í e, địa chỉ đặt hàng lại là của một người khác không liên quan… Những câu chuyện minh chứng cho sự vô cảm, độc ác đến hồn nhiên của một số khuôn mặt ngây ngô râu mèo trên avatar, post những hình ảnh hồng hồng, xanh xanh ở Facebook…

Trong cơn phẫn nộ về hành động sai trái của cô gái, nhiều người đã truy tìm cả tài khoản Facebook của mẹ cô gái (là một giáo viên), của thầy hiệu trưởng nơi bà mẹ làm việc để “công phá”, để lại những lời chửi bới quá khích, yêu cầu thầy đuổi việc bà mẹ, nhờ thầy đòi giúp tiền 20 ly trà sữa… Chưa kể đến những phân tích chụp mũ, rằng lỗi là ở GD; nhà trường dạy dỗ thế nào mà để HS như vậy?... Cuối cùng, không chỉ thủ phạm mà cuộc sống của thầy hiệu trưởng không liên quan đến vụ việc cũng bị xáo trộn.

Người ta nói nhà cửa bị lũ cuốn trôi thì còn có thể gây dựng lại, cây cối bị đốn hạ còn có thể trồng lại. Nhưng nhà trường, thầy giáo bị xúc phạm, bị tai tiếng, bất cứ chuyện gì cũng bị đổ lỗi… khiến xã hội mất lòng tin thì gây dựng lại kiểu gì?

Dường như có không ít người đang “sinh hoạt” trên mạng xã hội với một tâm thế bầy đàn, cứ thấy có chuyện đông người quan tâm là nhảy vào công kích, cào bàn phím phẫn nộ, không cần biết phải trái, đúng sai. Nhà trường không thể gánh hết trách nhiệm dạy dỗ học trò mà cần sự trợ giúp của các bậc phụ huynh và của chính cộng đồng mạng – một trong những đại diện cho vai trò xã hội. Đừng để những đứa trẻ tuổi teen học theo cái sai của người lớn khi mất đi chuẩn mực hành xử, mạnh ai người nấy làm. Đừng để nhà trường đơn thương độc mã giáo dục HS khi cha mẹ buông tay, không sát sao, dạy dỗ con biết quý trọng đồng tiền, quý trọng sức lao động… GD phải có “ba chân kiềng”: gia đình – nhà trường – xã hội. Chiếc kiềng GD bị thiếu chân, việc giáo dục sẽ không đem lại kết quả tốt cho một tâm hồn và nhận thức, phẩm cách của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.