Làm tốt “đầu vào”, hiệu quả “đầu ra”
Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của trường học chính là hiệu quả đào tạo, hay còn gọi là kết quả “trả bài đầu ra” của nhà trường. Thống kê kết quả Kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, Trường THCS Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) có 89,7% HS thi đỗ vào các trường THPT công lập. Điểm trung bình trúng tuyển là 36,95 điểm, điểm thủ khoa là 46,5 điểm. Trường THCS Giang Biên cũng là một trong số ít trường có điểm bình quân môn Ngữ văn dẫn đầu toàn quận (7,59 điểm).
Lớp 9C do cô Nguyễn Thị Thu Hương chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy môn Toán có 46 HS dự thi đều đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường THPT công lập; nhiều em đạt trên 40 điểm, trong đó có em Dương Minh Anh đạt 46,5 điểm, đồng thời thi đỗ chuyên Anh Trường THPT Chuyên Ngữ - Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội và THPT Chu Văn An…
Cô Dương Thị Tám - Hiệu trưởng Trường THCS Giang Biên vui mừng nói: Kết quả này là nguồn khích lệ rất lớn cho hoạt động dạy và học của nhà trường. Bởi điều kiện cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng… phần nào ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, trường luôn xác định dạy học trò hướng tới chất lượng thực. Đồng thời, phải tạo được sự “thấm nhuần” trong cả GV- Phụ huynh- HS, để cả 3 lực lượng này cùng vào cuộc, nỗ lực cho kỳ thi cuối cấp mà không bị rơi vào tình trạng căng thẳng, áp lực.
Cô Tám cho biết: Ngay khi đón HS lớp 6, trường đã có kế hoạch “dài hơi” trong quản lí và theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của các em. Trường phân công GV chủ nhiệm theo bám, nhận trách nhiệm cho đến khi các em tốt nghiệp lớp 9. Điều này giúp cô giáo sâu sát lớp, nắm bắt cụ thể từng HS để cùng với GV bộ môn dạy và ôn tập kiến thức phù hợp cho các em theo giai đoạn. Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho Kỳ thi vào lớp 10, các thầy cô tập trung ôn luyện bằng hình thức học trực tuyến cũng như trực tiếp.
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
Trong nhiều năm học trở lại đây, Trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) giữ vững vị trí tốp đầu trong số các trường THCS trên địa bàn quận có HS thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập và vào trường chuyên trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, trong Kỳ thi vào 10 năm học 2020 - 2021, trường có 95,14% HS đỗ vào trường công lập, trong đó có gần 15% HS đỗ vào trường chuyên. Điểm trung bình trúng tuyển của trường là 37,48 điểm; điểm trung bình môn Ngữ văn: 7,24 điểm, môn Toán: 7,18 điểm, môn Tiếng Anh: 8,63 điểm.
Cô Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác quản lý đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Trong đó, việc xây dựng quy chế làm việc luôn phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm đổi mới công tác quản lí sinh hoạt tổ chuyên môn và quản lí học của HS.
Từ đó, tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lí, khoa học, có chất lượng, hiệu quả; hướng dẫn HS xây dựng lịch học, thời gian học và cách học nhớ lâu, kĩ năng phân tích đề, định hướng cách làm bài, cách tìm tài liệu học tập...
Để khuyến khích HS học tập, sáng tạo, Trường THCS Xuân La đã tập trung đổi mới hình thức đánh giá HS. Nhà trường trung hoà giữa đánh giá năng lực và kiến thức kỹ năng.
Trong đó, đánh giá năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Cùng với đó là phối hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS, đánh giá của nhà trường và gia đình, cộng đồng; kết hợp hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận…
Năm học 2019 - 2020 với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các thầy cô giáo của trường đã nỗ lực dạy học, bồi dưỡng kiến thức miễn phí cho HS. HS được chia thành các nhóm nhỏ để dạy và ôn luyện theo dạng bài tập được GV soạn phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và trình độ tiếp nhận của từng em.
GV dạy các khối 6,7,8 sau khi hoàn thành công việc ở lớp chuyển sang làm “gia sư” cho HS lớp 9. Bài tập được thầy cô giao, kiểm tra kết quả thực hiện, chấm bằng phần mềm chấm điểm trên điện thoại…, đòi hỏi HS phải nghiêm túc học tập, ôn luyện và khắc phục các nội dung còn hạn chế, bổ sung thêm kiến thức phục vụ cho kỳ thi.
Sự sát sao, nắm bắt cụ thể tình hình học tập của HS được Trường THCS Xuân La thực hiện từ nhiều năm nay, cho hiệu quả “đầu ra” rõ rệt. Nhờ cách làm đổi mới, sáng tạo hướng tới dạy thực, học thực và thi thực, kết quả thực, ngôi trường “vùng ven” này ngày càng khẳng định chất lượng giáo dục, đào tạo.