Tạo không khí học tập thoải mái
Bất kì một công việc nào muốn có kết quả cao đều cần có một môi trường làm việc thuận lợi. Môi trường đó không đơn thuần là không khí trong sạch để hít thở, là nguồn ánh sáng phù hợp để nhìn rõ mà còn là sự thân thiện, hòa đồng trong mối quan hệ với những người xung quanh.
Một giờ học quá gò bó, căng thẳng sẽ khó kích thích được tư duy sáng tạo của học sinh, khiến học sinh nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Vì vây, người giáo viên cần tạo ra cho học sinh một không khí học tập thoải mái nhất trong mỗi giờ lên lớp.
Một số cách tạo không khí học tập thoải mái cho học sinh như: Thay đổi cách kiểm tra bài cũ; thay đổi cách đặt vấn đề vào bài mới.
Thay đổi cách kiểm tra bài cũ
Thông thường, phần kiểm tra bài cũ được giáo viên tiến hành ở đầu giờ. Đây là việc làm theo đúng tiến trình dạy học. Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại cách làm đó sẽ khiến học sinh nhàm chán, đôi khi gây áp lực, tạo sự căng thẳng cho học sinh trong suốt tiết học hôm đó.
Chúng ta có thể lồng ghép các câu hỏi kiểm tra kiến thức đã học trong quá trình dạy bài mới ở nhiều bài để làm giảm bớt đi sự căng thẳng không đáng có.
VD 1: Khi dạy mục III bài 5 - Menđen giải thích kết quả thí nghiệm, giáo viên có thể lồng ghép câu hỏi kiểm tra bài cũ bằng cách:
Giáo viên yêu cầu học sinh cho biết: cây đậu Hà Lan hạt vàng, trơn có thể có những kiểu gen nào? Làm cách nào để có thể xác định kiểu gen của các cây đậu có hạt vàng, trơn đó? → kiểm tra kiến thức của học sinh về phép lai phân tích.
Thay đổi cách đặt vấn đề vào bài mới
Đặt vấn đề vào bài cũng giống như khi chúng ta viết phần mở bài cho một bài văn. Bài văn có gây ấn tượng, tạo hứng thú cho người đọc hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần mở bài.
Nếu chúng ta được đọc những câu mở đầu chứa đựng nhiều âm thanh, hình ảnh hay gợi nhiều vấn đề khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu xem những phần tiếp theo sẽ có điều gì mới thì chắc chắn sự theo dõi sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Trong một giờ học cũng vậy, nếu ngay từ phần đặt vấn đề giáo viên đã tạo ra sự hứng thú, vui tươi cho học sinh thì chắc chắn trong những phút tiếp theo các em sẽ hào hứng, phấn chấn và nhiệt tình hơn với những hoạt động do giáo viên tổ chức.
Giáo viên thường đơn giản hóa phần đặt và dẫn dắt vấn đề để vào bài mới bằng cách nêu tên bài học hôm nay là gì, tiết học hôm nay là tiết bao nhiêu.
Rõ ràng là tên bài học cũng như số tiết chưa đủ nếu không muốn nói là hầu như không có tính hình ảnh, nhạc điệu hay kích thích trí tò mò của học sinh. Vậy nên khó trách việc “đầu không xuôi nên đuôi không lọt”.
Một số cách để có phần dẫn dắt vào bài mới hấp dẫn
Một điều cần lưu ý là: Đặt vấn đề hay góp phần là tăng tính hấp dẫn cho bài học, tạo hứng thú cũng như làm cho không khí học tập trở nên thoải mái hơn.
Tuy nhiên, giáo viên cũng cần chú ý đến thời gian cho phần đặt vấn đề để tránh ảnh hưởng đến thời lượng dành cho bài mới.
Cần lựa chọn cách đặt vấn đề cho phù hợp với nội dung của từng bài, sát với những yêu cầu cần giải quyết trong mỗi bài học để những điều đã đưa ra sẽ liên quan đến kiến thức một phần hoặc xuyên suốt nội dung bài học.
Mở đầu bằng bài hát: Khi mở đầu cho bài 1 - Menđen và Di truyền học, giáo viên có thể bắt nhịp cho cả lớp hát bài “Cả nhà thương nhau”. Tại sao con lại mang những đặc điểm giống cha và giống mẹ? Di truyền học gọi tên hiện tượng đó là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua nội dung của bài hôm nay.
Mở đầu bằng một câu truyện vui: Mở đầu cho bài 2 - Lai một cặp tính trạng, giáo viên yêu cầu học sinh cho biết: Da trắng và da đen có phải là có phải là một cặp tính trạng tương phản không? HS trả lời.
GV kể cho học sinh nghe câu truyện vui: Hai chàng sinh viên nói chuyện với nhau. Sinh viên 1: “Đố cậu, Bao Công mà lấy Bạch Tuyết thì sinh ra con có da như thế nào?”
Cậu sinh viên 2 suy nghĩ. (Giáo viên cho học sinh đoán về câu trả lời của cậu sinh viên 2). Cậu sinh viên 2 gãi đầu gãi tai: “Tớ chịu thôi! Khó quá!”
Cậu sinh viên 1 cười: “Dễ thế mà cậu không biết, nếu Bao Công mà lấy Bạch Tuyết thì sẽ sinh ra Lọ Lem.” → Giáo viên dẫn dắt tiếp: về mặt di truyền học thì câu trả lời của cậu sinh viên 1 có đúng không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua nội dung bài hôm nay.
Mở đầu bằng một đoạn phim hay hình ảnh: Khi dẫn dắt vào bài mới bài 44 - Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật, giáo viên có thể cho học sinh theo dõi một đoạn phim ngắn về thế giới động vật trong tự nhiên.
GV yêu cầu học sinh kể tên những sinh vật quan sát được qua đoạn phim, dẫn dắt vào bài: các sinh vật trong đoạn phim trên được gắn bó với nhau bằng nhiều mối quan hệ. Tên gọi của các mối quan hệ đó là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nội dung bài hôm nay.
Đổi mới khâu soạn bài và thiết kế các hoạt động dạy học
Giáo án của giáo viên giống như bức tranh thu nhỏ về lớp học cùng các hoạt động diễn ra trong giờ học đó được sắp xếp theo ý tưởng của giáo viên. Ngay từ khâu soạn bài, giáo viên cần phải tư duy để thiết kế những hoạt động của thầy - của trò sao cho phù hợp nhất với mỗi mục tiêu cần đạt được của bài học.
Thiết kế trên bài soạn càng chi tiết bao nhiêu thì sẽ càng sát với những diễn biến thực trên thực tế lớp học bấy nhiêu, nhờ đó giáo viên càng thêm chủ động và tự tin.
Trước hết, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung của bài học trong SGK, kết hợp nghiên cứu những tài liệu tham khảo khác như sách giáo viên, sách thiết kế bài giảng, sách chuyên ngành,… để chỉ ra được mục tiêu chính là những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và thái độ cần hướng học sinh tìm hiểu và đạt được.
Đây là công việc rất quan trọng, việc thiết kế các hoạt động sau này phụ thuộc vào những mục tiêu đang được hướng đến để có cách khai thác phù hợp.
Tiếp theo, giáo viên xác định số lượng hoạt động, hình thức tổ chức và nội dung các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu ở trên. Việc thay đổi đa dạng các hoạt động học tập của học sinh là cần thiết để góp phần tạo ra sự hứng thú, tránh nhàm chán đơn điệu.
Tuy nhiên, đa dạng hóa không có nghĩa là trong bài soạn nào cũng tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh hoặc nội dung nào cũng đem ra thảo luận. Với mỗi yêu cầu cần đạt được trong mỗi mục, giáo viên có thể đưa ra những hướng thiết kế hoạt động khác nhau.
Để hướng đến sự thích thú, say mê của học sinh với mỗi hoạt động đó thì giáo viên cần lựa chọn cách tổ chức phù hợp nhất, làm sao để học sinh phát huy tối đa khả năng và hiểu biết của bản thân, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với tập thể.
Trong quá trình thiết kế, giáo viên nên có sẵn những dự kiến và phương án giải quyết cho những tình huống không theo ý muốn có thể xảy ra để có thể chủ động điều chỉnh nhằm tránh sự lúng túng, kéo dài thời gian, thậm chí là không đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Chuẩn bị các đồ dùng dạy học chu đáo
Ngay từ khâu soạn bài, giáo viên đã phải xây dựng kèm theo đó là danh sách các đồ dùng dạy học có liên quan. Từ danh sách này, giáo viên phải kiểm tra trên thực tế tại các phòng đồ dùng xem các đồ dùng đó có đủ để đáp ứng về số lượng và chất lượng hay không, nếu không thì phương án giải quyết là gì.
Trong nhiều trường hợp, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị những đồ dùng nhất định. Khi được tự chuẩn bị, học sinh sẽ phải nghiên cứu tài liệu để hiểu về vấn đề được giao tức là các em đã được học tập thêm một lần nữa.
Giáo viên cũng cần dành thời gian để tìm hiểu kĩ về các đồ dùng dạy học nhằm xác định cách thức sử dụng, hướng khai thác kiến thức từ mỗi đồ dùng và khai thác được những nội dung gì.
VD 1: Khi sử dụng mô hình cấu trúc không gian của phân tử ADN để khai thác phát hiện kiến thức mới, giáo viên phải hướng học sinh chỉ ra được các nội dung về số mạch đơn, cấu trúc phân tử (thẳng hay xoắn), chiều xoắn, số cặp nu trong mỗi chu kì xoắn, cách liên kết giữa các đơn phân trên mỗi mạch cũng như trên hai mạch với nhau.
Tổ chức các hoạt động dạy học
Trong quá trình tổ chức các hoạt động, giáo viên cần hạn chế tối đa thời gian chết và thời gian chờ đợi. Những khoảng thời gian như vậy sẽ là tác nhân có hại cho tính tích cực, dễ gây mệt mỏi khiến cho không khí trong lớp học trầm xuống.
Giáo viên cần tạo tính liên tục, sự móc nối giữa các hoạt động với nhau để học sinh không ngừng dòng tư duy.
Tích hợp các hoạt động học mà chơi (các trò chơi giáo dục) và thay đổi xen kẽ các hoạt động, nhiệm vụ học tập là rất cần thiết. Trong quá trình hoạt động của học sinh, giáo viên cần đảm bảo có sự hỗ trợ đúng mức để tăng cường tính tích cực của học sinh.
Khi nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh nhiều mà giáo viên lại không quan tâm, học sinh bị bỏ rơi dẫn đến chán nản. Trong trường hợp này, sự hỗ trợ với mức độ ít của giáo viên sẽ có hiệu quả làm tăng tính tích cực của học sinh.
Nhưng khi nhu cầu hỗ trợ của học sinh ít mà lại nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ phía giáo viên sẽ khiến các em cảm thấy nhàm chán, không còn tích cực hoạt động nữa.
Một số cách tổ chức các hoạt động học tập: Tổ chức dạy học theo nhóm sử dụng kĩ thuật “Khăn phủ bàn”; tổ chức dạy học theo nhóm sử dụng kĩ thuật “Các mảnh ghép”; tổ chức dạy học theo nhóm có sử dụng phiếu học tập.
Có nhiều cách để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát hiện, tìm tòi kiến thức mới.
Điều quan trọng là thiết kế và tổ chức như thế nào để mọi thành viên đều phát huy được năng lực cá nhân cũng như biết cách phối hợp với tập thể nhằm tăng cường sự liên kết và khả năng thu nhận, tích lũy kiến thức.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Giáo viên có thể khai thác sử dụng công nghệ thông tin để dạy toàn bộ nội dung của một bài hoặc nội dung một phần nào đó trong bài mới.
Các tranh, ảnh, băng hình, bảng biểu,… được chiếu lên qua máy chiếu sẽ thay thế cho hệ thống tranh, ảnh, bảng phụ ngoài thực tế và mức độ đa dạng sẽ được tăng lên rất nhiều.
Hệ thống câu hỏi, gợi ý khi được chiếu lên trên màn hình sẽ rõ ràng hơn, dễ theo dõi hơn so với khi giáo viên chỉ dùng cách nói.
Để có thể sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, giáo viên cần phải đầu tư nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu cho thành thạo cách thiết kế bài giảng, cách khai thác các ứng dụng khác.
Đồng thời, giáo viên cần nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy để thiết kế những hoạt động dạy học phù hợp, có kế hoạch sắp xếp và khai thác hợp lí các tranh, ảnh, mô hình, băng hình,… sưu tầm được theo trật tự nhất định phù hợp với nội dung kiến thức từng phần.
Bên cạnh việc hướng dẫn để học sinh khám phá, phát hiện kiến thức mới, giáo viên cũng cần tạo cho học sinh làm quen dần với cách thức lưu giữ lại thông tin trong vở để tiện theo dõi về sau.
Tăng cường công tác độc lập của học sinh
Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thực hiện công tác độc lập qua giao nhiệm vụ về nhà tìm hiểu, chuẩn bị một nội dung nào đó.
Giáo viên cũng có thể cho học sinh thực hiện công tác độc lập ngay tại lớp như tự nghiên cứu mục nào đó trong SGK, tự quan sát một hình vẽ, một đoạn phim,… để tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi. Khi giao nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên cần chú ý đến tính vừa sức với từng đối tượng để tạo ra cho học sinh sự hứng thú học tập.
Gắn kiến thức với thực tiễn
Trong quá trình dạy học, ngay từ khâu soạn bài, giáo viên phải luôn đặt cho mình câu hỏi: Mỗi nội dung kiến thức có trong bài được gắn với những vấn đề nào trong cuộc sống?
Làm thế nào để học sinh nhận thấy sự liên quan đó? Làm thế nào để giáo dục học sinh kĩ năng, thái độ sống đúng đắn thông qua mỗi vấn đề?
Với bài dạy cụ thể trên lớp, từ những định hướng nói trên, giáo viên tìm cách để cho học sinh kết nối kiến thức vừa tìm hiểu với chính thực tiễn cuộc sống, với những gì diễn ra xung quanh có liên quan, nhờ đó một lần nữa khắc sâu kiến thức hoặc khai thác những khía cạnh khác rộng hơn, sâu hơn của vấn đề.
Dạy học vừa sức, chú ý tới đặc điểm cá biệt và tính tập thể
Để đảm bảo tính vừa sức và chú ý tới những đặc điểm cá biệt trong điều kiện dạy - học tiến hành với cả tập thể cần chú ý:
Xác định mức độ, tính chất khó khăn trong quá trình dạy học để thiết lập những cách thức chủ yếu tạo nên động lực học tập, mở rộng khả năng nhận thức của học sinh, suy nghĩ những biện pháp tiến hành chung với cả lớp và với học sinh.
Phối hợp hình thức lên lớp, hình thức độc lập công tác của học sinh với hình thức học tập nhóm tại lớp
Trước tập thể lớp, giáo viên đề ra nhiệm vụ chung và dưới sự chỉ đạo của giáo viên, từng cá nhân suy nghĩ để tìm ra cách giải quyết. Trong thời gian đó, giáo viên giúp đỡ những học sinh yếu kém. Với cách tổ chức như vậy thì chỉ là sự làm việc cùng nhau của những cá nhân cùng học.
Một hình thức tổ chức tiết học khác là giáo viên chỉ đạo việc thực hiện theo nhóm những ý kiến, những ý tưởng hoặc những cách giải quyết vấn đề khác nhau của từng người để đi đến kết luận chung của cả nhóm, sau đó cử đại diện của mình trình bày ý kiến.
Trên cơ sở đó, cả lớp trình bày và đi đến kết luận chung, còn giáo viên lúc này đóng vai trò là người chỉ đạo, người cố vấn, người trọng tài.Với hình thức này thì sự phối hợp giữa cá nhân và tập thể đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Cũng có thể từ một nhiệm vụ chung, mỗi nhóm được phân công giải quyết những nhiệm vụ bộ phận, và từng thành viên suy nghĩ độc lập để đi đến cách giải quyết chung của cả nhóm. Các nhóm cử người trình bày lần lượt cách giải quyết từng nhiệm vụ của mình. Lớp thảo luận và đi tới cách giải quyết nhiệm vụ chung.