Hiểu rõ để bảo vệ con
Trước thực trạng này, chia sẻ tại hội thảo “Sống sao cùng con trong thời đại số”diễn ra tại trường phổ thông liên cấp Olympia ngày 23/4, thạc sỹ Lê Đức Trung - giảng viên ĐH Bách Khoa - cho biết: Ở một mức độ nào đó, các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ để bảo vệ con nhưng cũng không xâm phạm tới quyền riêng tư của con. Muốn làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải biết theo dõi các con, giám sát các con ở mức độ phù hợp, chừng mực.
Ví dụ, hiện nay có rất nhiều các phần mềm giám sát máy tính điện tử, các thiết bị điện thoại di động, thông qua đó các bậc cha mẹ có thể dễ dàng giám sát thông tin hằng ngày, hằng tuần, xem các con đã truy cập vào những đâu, vào những trang web nào, để từ đó làm cơ sở để hiểu được tính cách, sở thích, tâm tư suy nghĩ của con, đồng thời cũng có thể ngăn chặn được các mối nguy hiểm tiềm tàng chứa đựng trong các thiết bị đó, như các trang web đen...
Ngoài ra, đồng hành với công việc giám sát con, các bậc cha mẹ cũng cần thực sự hiểu con bằng việc bồi đắp niềm tin yêu từ cuộc sống, từ những điều “cần” như ăn uống hít thở, cho tới những công việc mang ý nghĩa tinh thần, như cho con cảm giác an toàn, tình yêu thương từ bạn bè, bố mẹ, ông bà...
“Con cái cần bố mẹ khen, thưởng, tôn trọng... Ví dụ, trong một cuốn sách mà tôi đã từng đọc, có tên“Vị giám đốc một phút” có nội dung dạy về cách khen chê rất hay. Mỗi bậc cha mẹ cần phải biết học cách khen chê con, tôn trọng con cái và chính con trẻ sẽ ảnh hưởng từ sự tôn trọng đó” – thạc sĩ Trung chia sẻ.
Con cái cần gì từ bố mẹ?
Trong thời đại công nghệ số phát triển đa dạng, mạnh mẽ như hiện nay, ít nhiều các phụ huynh sẽ nhận thấy rằng mình “lạc hậu” hơn so với chính con cái mình. Làm thế nào để giải quyết được điều đó?
Thạc sỹ Lê Đức Trung cho rằng: Không có cách nào khác, để bắt kịp được các xu hướng, song song với việc hiểu được thế giới của con, các bậc cha mẹ phải “sống chung” với nhu cầu của con, chạy theo, bắt kịp thời đại của con, xem con muốn gì, xem con hay xem chương trình nào, xem con thần tượng ai...
Cha mẹ không chỉ là chủ sở hữu của con, không phải là ông chủ, mà hơn hết cha mẹ cần là những người bạn đồng hành cùng con trong cuộc sống. Đó là cơ sở để tạo được không khí gần gũi, tin cậy hơn cho các con.
Các bậc cha mẹ cần chú ý, biến internet thành công cụ chứ không phải mục đích, biến những điều tiêu cực thành thiểu số và tăng số lượng những điều tích cực, biến cuộc sống ảo thành cuộc sống thực, biến con cái thành người hùng chứ không phải fan hâm mộ.
Một “công thức” quan trọng khác, đó là bám sát theo nguyên tắc “3 cùng”: Cùng học; cùng làm và cùng trải nghiệm.
“Sống cùng con, trải nghiệm cùng với con trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, ví dụ như: cùng con đi dã ngoại, cùng con chơi thể thao hay cùng con bàn luận về một vấn đề mà con cảm thấy hứng thú...Tôi rèn sự tự chủ, tự lập trong con, con phải được trải nghiệm với cuộc sống, để ít nhiều bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.
Nếu như những công việc đó được lặp đi lặp lại theo một tuần tự nhất định, có chừng mực, có phương pháp hợp lý thì sẽ dần dần tạo thành thói quen tốt cho con, giảm thiểu việc bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, internet” – thạc sĩ Trung cho hay.