Theo Phys.org, cây bắt ruồi (Venus flytrap) là loài thực vật ăn côn trùng để sinh tồn trong môi trường đất nghèo dinh dưỡng. Chúng cảm nhận được sự xuất hiện của côn trùng nhờ các sợi lông nhạy cảm ở mặt trong của chiếc bẫy được hình thành từ phần cuối lá cây. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Press và Current Biology hôm 21/1 giải thích chính xác cơ chế Venus flytrap đóng chiếc bẫy và quá trình cây tiết hỗn hợp enzym nhằm phân hủy con mồi.
"Cây ăn thịt Dionaea muscipula, còn gọi là Venus flytrap, có thể đếm số lần côn trùng chạm vào bộ phận bắt mồi để bẫy và tiêu hóa con mồi", Rainer Hedrich, nhà nghiên cứu tại Đại học Würzburg, Đức, nói.
Trong nghiên cứu, Hedrich và cộng sự tạo ra những kích thích điện - cơ học tăng dần ở chiếc bẫy của cây Venus flytrap, tương tự như quá trình côn trùng rơi vào bẫy. Sau đó, họ theo dõi phản ứng của cây.
Kết quả cho thấy nhóm nghiên cứu chỉ cần chạm một lần duy nhất vào sợi lông ở mặt bẫy là đủ để cây Venus flytrap phản ứng và thiết lập bẫy ở chế độ sẵn sàng hoạt động. Ở lần chạm này, cây mới chỉ chú ý tới tác động chứ chưa khép miệng bẫy.
Trong lần chạm thứ hai, chiếc bẫy khép lại tạo thành một chiếc "dạ dày" màu xanh lá cây. Khi con mồi nỗ lực chạy trốn, nó tiếp tục chạm vào các sợi lông nhạy cảm và kích thích cây nhiều hơn. Ở giai đoạn này, cây bắt đầu sản xuất một loại hormone đặc biệt. Sau 5 lần chạm, các tuyến trên mặt trong của bẫy tiết ra enzym tiêu hóa để chuyển hóa con mồi thành chất dinh dưỡng.
Nhóm nghiên cứu của Hedrich đang giải mã trình tự bộ gene của Venus flytrap. Họ muốn tìm thêm bằng chứng về hệ thống cảm giác và hóa học giúp hỗ trợ cho phương thức ăn thịt của cây cũng như sự tiến hóa của những đặc điểm này theo thời gian.