Bí quyết khởi nghiệp: “Học như trâu - làm như điên”

GD&TĐ - Để có thể thành công, người khởi nghiệp đồng thời phải hội tụ được những kỹ năng và phẩm chất để làm nên sự khác biệt. Một trong những bí quyết đó là “Học như trâu – làm như điên”.

Chăm chỉ học tập và rèn luyện tay nghề là điều kiện tiên quyết để sáng tạo khởi nghiệp.
Chăm chỉ học tập và rèn luyện tay nghề là điều kiện tiên quyết để sáng tạo khởi nghiệp.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Cách tạo ra sự khác biệt

Chia sẻ với các học sinh, sinh viên, ông Phạm Đình Đoàn cho biết: Trên thế giới có 35% tỷ phú không có bằng đại học, cho thấy việc không học đại học không có nghĩa là không thể trở thành tỷ phú. 

Trước đây, người ta thường đưa ra những chỉ số thông minh, cảm xúc, tính thích ứng… để đánh giá về thành công của con người. Nhưng giờ đây, chỉ số vượt khó được đánh giá cao hơn cả, chỉ số này tương đối hữu cơ với chỉ số thông minh nhưng thực ra nó quan trọng nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, rất nhiều công nghệ mới ra đời và nhiều ngành nghề mất đi, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, sự thay đổi rất nhanh chóng khiến cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân không thể kịp thích ứng và rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản… Do đó, vượt khó được coi là chỉ số để đánh giá thành công. 

Đối với học sinh, sinh viên trường nghề, mặc dù chưa được trang bị nhiều kiến thức, nhưng cũng rất cần có một tinh thần vượt khó. Thành công thường được đề cập đến sự toàn diện về tài – đức, tuy nhiên ngày nay khởi nghiệp cần thêm những yếu tố khác như sức khỏe, khát vọng, khả năng làm việc tập thể. 

Một bí quyết nữa của thành công là dựa vào kẻ mạnh, phải có người đỡ đầu, điều đó có nghĩa là phải có nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho ý tưởng khởi nghiệp. Học sinh, sinh viên còn đang học tập cần phải đi sâu vào những trải nghiệm sáng tạo và thu hút nhà đầu tư.

“Làm như trâu – học như điên”, có nghĩa là phải làm việc và học tập rất nhiều để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề nghiệp, sẵn sàng vượt qua những thử thách lớn trong quá trình khởi nghiệp, như vậy mới có thể đi đến thành công” – ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.

CMCN 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong khởi nghiệp sáng tạo, đối với học sinh, sinh viên, trước đây học trước rồi làm sau. Bây giờ, làm trước rồi học sau. Trước đây, không biết thì hỏi thầy. Bây giờ, biết thì hãy hỏi, tức là phải tự học trước để biết mà hỏi. 

Trước đây, học cách giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ, học cách tìm ra vấn đề là chính. Trước đây, cạnh tranh là làm giống người khác và làm tốt hơn. Bây giờ, cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người khác, và vì sự khác biệt đó mà hơn người khác. 

Tâm thế mới cho khởi nghiệp sáng tạo

Trao đổi về chương trình khởi nghiệp học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Xu hướng mới đòi hỏi người học tập nghề nghiệp không chỉ có kiến thức kỹ năng mà còn phải có tâm thế sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động. Xu thế phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và ở nước ta hiện được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Quyết định 1665/QĐ-TTg “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra một không gian rộng lớn cho những người khởi nghiệp, cơ bản là lao động trẻ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, giúp các em tự tin, chủ động sáng tạo trong khởi nghiệp.

Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 cơ sở đào tạo đã cung cấp hàng triệu lao động qua đào tạo cho các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Lao động được đào tạo qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo kiến thức, kỹ năng đã phát huy trong sản xuất thực tế, thích ứng với môi trường làm việc, đặc biệt đã có những học sinh, sinh viên, nhóm học sinhn sinh viên phát kiến những ý tưởng trở thành những dự án khởi nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần tự khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kích thích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, ứng dụng kiến thức kỹ năng được dạy từ nhà trường vào cuộc sống, kết nối dự án khả thi cao với các nhà đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ