Tư duy tích cực
Theo ông Đặng Tự Ân, tư duy tích cực là cách nghĩ khiến người ta nhìn sự việc, vấn đề luôn thấy cái hay, cái đẹp và cái tốt của nó. Nghĩa là cách nghĩ theo chiều hướng thuận lợi cũng như đón nhận những thử thách trong cuộc sống với thái độ sẵn sàng và tích cực. Tư duy tích cực luôn tìm đến điểm tốt nhất trong tình huống xấu và nhận định khả năng của bản thân theo chiều hướng tích cực hơn .
Qua rèn luyện, tư duy tích cực trở thành thái độ sống, sức mạnh tinh thần và một loại nghệ thuật sống, giúp tinh thần ta khỏe mạnh, nhanh nhẹn để ứng phó với các biến cố của đời sống con người. Ngược lại, tư duy tiêu cực thường là nhìn sự việc, hiện tượng luôn thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi, hay bàn lùi và làm nhụt ý trí người khác.
Giáo viên có thể rèn luyện được kỹ năng tư duy tích cực, như: Tìm sự hài hước trong những tính huống xấu; tự nói với bản thân những lời tích cực thay vì tiêu cực; tập trung hiện tại, hãy học hỏi từ sai lầm từ quá khứ; thấu hiểu quan điểm của người khác, không phiến diện nhưng lại thân thiện với mọi người …
“Tư duy tích cực không dễ làm một khi thực tế lại quá nhiều bức xúc, lo âu, chỉ trích, than phiền hay đổ lỗi. Trong trường hợp này phương pháp tư duy phê phán là một cứu cánh”. Chúng ta hãy bình tĩnh, ngồi lại để phân tích, tổng hợp, tìm căn nguyên, rồi với thái độ sống của mình để có tư duy tích cực tương ứng. Bạn cứ áp dụng đi vì nó dễ làm, miễn phí và mang lại ngay kết quả. Nếu vì “việc này khó đấy” và không làm, nhưng nếu vì “sao lại không nhỉ” thì chúng ta bắt tay vào làm rồi sẽ thành công.
Chẳng hạn, khi học một ngoại ngữ hay giải một bài toán là những ví dụ. Tư duy tích cực sẽ phải theo hướng “cùng thắng” mà không có theo kiểu “thắng-thua”. Tư duy tiêu cực thì ngược lại và sẽ không bao giờ làm được điều này” - ông Đặng Tự Ân chia sẻ.
Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực có sự liên hệ trực tiếp với tư duy tích cực, là sự bắt đầu của tư duy tích cực. Người ta nói, suy nghĩ tích cực là cách nghĩ mà qua đó, ta có thể biến chuyển những tình huống khó khăn thành thuận lợi cho bản thân và những người xung quanh. Thực ra, nó là một hoạt động của não bộ xảy ra ở một hoàn cảnh, một thời điểm nhất định. Trái lại, suy nghĩ tiêu cực luôn là nghĩ sai về mình và người khác; hay phóng đại, vô lý; luôn khó chịu, phàn nàn, cay nghiệt và phù phiếm. Suy nghĩ tích cực hay tiêu cực dần dần cũng sẽ trở thành tích cách, trở thành cuộc sống tinh thần hay thái độ của mỗi người.
Chia sẻ điều này, ông Đặng Tự Ân đưa 7 gợi ý để giáo viên rèn luyện suy nghĩ tích cực như sau:
Chờ cho “nguội”: Khi hiện tượng sự vật hay hiện tượng mới xảy ra, thường số người có suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn số người có suy nghĩ tích cực. Nhưng theo thời gian thì quy luật trên lại ngược lại và số người có suy nghĩ tích cực là số đông và chiếm ưu thế;
Nghĩ về điều tốt đẹp với chính mình: Đừng tự ti về mình, nếu cứ lặp lại thế mãi, não bộ sẽ tin và chấp nhận điều đó. Nên luôn nhìn mình hơn người khác nhìn mình và nuôi dưỡng điều tốt đẹp với chính mình;
Giữ ranh giới của riêng mình: Hãy chủ động quyết đoán và luôn giữ giá trị cho riêng mình để không làm mất mình và cũng không ai xâm nhập, đẩy cái không tốt vào mình;
Buông bỏ và gạt đi quá khứ: Đây là việc làm thanh lọc cuộc sống và chấp nhận sự thật. Đừng suy nghĩ về quá khứ đã từng không tốt hay làm mình mất mát, tổn thương. Không để sự trĩu nặng không cần thiết ấy đè nặng lên hai vai cuộc đời mình;
Hướng về việc tốt: Làm việc tốt chính là làm người tử tế, là tự coi mình là người có giá trị, từ đó luôn nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực;
Chăm sóc bản thân: Dành thời gian quý giá chăm sóc bản thân. Khi bản thân khỏe mạnh, thầy cô sẽ có khả năng nội lực mạnh mẽ hơn để đối phó với căng thẳng, làm việc năng suất hơn;
Cởi mở để học hỏi: Hãy mở lòng mình để kết nối với mọi người. Tò mò và đặt câu hỏi là chìa khóa cho sáng tạo.
Hãy ghi nhớ “4 đại ơn” của cuộc đời mỗi người: Ơn cha mẹ dưỡng dục sinh thành; ơn thầy cô đã dạy bảo mình, cho mình tri thức; ơn người đã chỉ dẫn khi ta lúng túng tìm đường đi và ơn những ai đã giúp mình lúc khó khăn và hoạn nạn. Biết ơn và từ đó trân trọng cái mình có được như ngày nay cũng như cuộc sống tốt đẹp này.
Cảm xúc tích cực
Cảm xúc tích cực chính là sự phản ứng hay một rung động cảm thấy lâng lâng, nhẹ nhõm, do tác động từ sự việc bên ngoài hay bản thân. Những cảm xúc tích cực như niềm vui, yêu thương hay những kết quả bất ngờ từ phản ứng của chúng ta đối với các sự kiện đang chờ đợi, mong muốn.
Tại trường học, những cảm xúc này có được khi giáo viên đạt được mục tiêu dạy học, hoặc nhận được lời khen, động viên từ Hiệu trưởng. Tương tự, học sinh có cảm xúc tích cực khi được giáo viên thương yêu hay có ứng xử văn hóa với các em.
Các cá nhân trải qua một cảm xúc tích cực có thể cảm thấy yên bình, hài lòng và điềm tĩnh. Kết quả là, nó có thể làm cho bạn cảm thấy thỏa mãn và hài lòng.
Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi và buồn bã thường xuất phát từ những sự kiện không mong muốn. Vì thế, có thể thay đổi cảm xúc bằng cách: Tâm sự những điều phiền muộn gặp phải cho người thân hay giáo viên trong trường mà mình tin tưởng; tới chỗ thân quen; đi dạo; nghe nhạc, xem truyện, đọc thơ; hay ngồi thiền trong ít phút...
Cảm xúc hạnh phúc
Hạnh phúc có được từ suy nghĩ tích cực và cảm xúc tích cực. Hay khi con người ta có suy nghĩ tích cực, sẽ cho ta cảm xúc tích cực, đó chính là hạnh phúc. Hạnh phúc có tính lan truyền. Sự kết nối, lan tỏa hạnh phúc của các thành viên trong trường, đặc biệt là giữa giáo viên và học sinh là nét đẹp, luôn luôn có thể xảy ra.
Hạnh phúc là một sản phẩm của tâm trí, là cảm nhận tích cực từ chính cuộc sống chúng ta. Vì vậy nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta cần phải làm việc trên những suy nghĩ tích cực của mình thường xuyên mỗi ngày. Hàng ngày, chúng ta nên nghĩ nhiều đến những điều khiến chúng ta hạnh phúc và hãy tận hưởng chúng.
Bất kể hoàn cảnh sống nào, bạn vẫn sống hạnh phúc, đó mới là hạnh phúc chân thật. Nếu vậy cần loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực. Sau khi học được cách loại bỏ nó, bạn hãy rót vào tâm trí mình lòng biết ơn, lòng tốt, tình yêu và lòng trắc ẩn cũng như cảm xúc tích cực. Chỉ cần làm như vậy thôi, hạnh phúc đã ở trong tầm tay bạn.
Hạnh phúc là cảm xúc, do đó cần rèn luyện để duy trì nó. Chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện, đào tạo để mọi giáo viên và tất cả học sinh đều biết cách tìm ra hạnh phúc và đều được hưởng hạnh phúc.