Cảm hóa bằng yêu thương

GD&TĐ - Trong 25 năm dạy học, điều cô Lê Thị Nếp tự hào nhất không phải là danh hiệu giáo viên giỏi hay bằng khen nhiều lần đạt được, mà là sự tiến bộ, trưởng thành của những học sinh từng được coi là “cá biệt”.

Cô Lê Thị Nếp và học trò (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).
Cô Lê Thị Nếp và học trò (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).

Là giáo viên giỏi của tỉnh, công tác tại Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình), câu chuyện cô Nếp nhớ nhất là về học sinh tên Duy - cậu học trò nghịch ngợm và thường xuyên quậy phá trên lớp.

Một hôm, Duy mang đến lớp một con gà nhỏ. Trong khi cô giảng bài, tiếng gà kêu “chiếp”, “chiếp” vang khắp lớp. Cả lớp xáo trộn với những tiếng cười, nói không thể kiềm chế của học trò.

Không giữ được bình tĩnh, cô Nếp cho biết lúc đó mình đã đập bàn, quát tháo, lùng sục khắp lớp để tìm được chú gà nhỏ. Trước thái độ của cô, Duy bỏ chạy ra khỏi lớp.

Đi tìm học trò suốt buổi trưa, cuối cùng, cô Nếp tìm thấy Duy trong cống thoát nước giữa cánh đồng. Từng có ý nghĩ sẽ buông, để Duy ngồi cuối lớp thích làm gì thì làm; nhưng lúc đó, cô đã quyết định tìm đến nhà học sinh.

Hình ảnh mà cô Nếp không thể quên được trước mắt mình khi đó là một căn nhà lụp xụp - đúng ra là “chỗ chui ra, chui vào” của hai mẹ con côi cút. Lòng trắc ẩn trỗi dậy, sau khi tâm sự với mẹ Duy, cô đã đưa ra được giải pháp và được phụ huynh đồng lòng.

Cô Lê Thị Nếp và học trò (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).
Cô Lê Thị Nếp và học trò (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19).

“Dưới con mắt của các bạn đồng trang lứa, cậu học trò đó là thành phần bất hảo, bị bạn bè xa lánh, ghét bỏ; thậm chí còn dùng những từ ngữ miệt thị vì em học dốt, nghèo. Sự tự ti, tự ái của một học trò đang tuổi lớn - tôi đã bắt đầu từ vị trí đó”. Cô Nếp kể lại và cho biết mình đã triển khai luôn kế hoạch bằng việc chia lớp thành hai đội bóng, tổ chức đá giao lưu sau mỗi buổi học.

Khác với cảm giác như cực hình như làm Toán, Tiếng Việt, khi đá bóng, Duy vô cùng nổi bật và luôn là số một. Dần dần, Duy bắt đầu trở thành thần tượng của một số bạn. Các buổi sinh hoạt đều đặn diễn ra. Sự gắn kết của Duy với lớp đã được nâng lên.

Nhân cơ hội này, cô Nếp nhờ một số học sinh cốt cán kèm giúp Duy học. Từ đó, em bắt đầu hứng thú với các môn học và tiến bộ hẳn lên.

“Duy là một học trò rất tình cảm. Sau này, khi lên lớp trên rồi nhưng em vẫn ghé cửa sổ để gửi tới cô giáo những nụ cười, những cái nhìn trìu mến. Đơn giản thế thôi nhưng đó là phần thưởng vô giá của mỗi giáo viên đứng lớp như tôi” - cô Nếp chia sẻ.

Cô giáo Lê Thị Nếp.
Cô giáo Lê Thị Nếp.

Duy chỉ là một trong số nhiều học sinh “cá biệt”, “đặc biệt”, đươc cô Nếp dành sự quan tâm và giúp các em thay đổi, tiến bộ từ tình yêu thương của mình. Trong đó có những học sinh tự kỉ, hoặc có biểu hiện tăng động.

Gần nhất là năm học 2020-2021, cô Nếp phụ trách em Hoàng Đăng Dương. Khi mới nhận học trò, cô những tưởng Dương sẽ không thể học, không thể theo kịp bạn bè. Nhưng với sự vào cuộc nhiệt tình của gia đình, sự tận tình của thầy cô, em đã biết đọc, biết viết, hòa nhập với bạn bè và vui thích khi đến trường. Những nét chữ còn nguệch ngoạc, những bài đọc còn vấp váp, nhưng đó là sự cố gắng, nỗ lực của em và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của cô giáo.

Cô Nếp cho rằng, học sinh cá biệt có rất nhiều biểu hiện: Không thích học, quậy phá, trêu ghẹo bạn bè; thích nổi bật để người khác chú ý nhưng với những hành động lệch chuẩn... Hầu hết những học sinh này không tuân theo các nội quy của lớp, của trường và đa phần làm theo ý của bản thân.

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “cá biệt” đó của học sinh. Tôi thường dành thời gian, công sức để làm sáng tỏ những nguyên nhân ấy; để rồi đưa ra những giải pháp linh hoạt, phù hợp với mỗi em, mỗi hoàn cảnh”, cô Lê Thị Nếp chia sẻ.

Tuy nhiên, dù là giải pháp nào, thì chìa khóa quan trọng nhất để giáo dục, cảm hóa học sinh chính là tình yêu thương, ân cần, quan tâm của giáo viên. Hãy chấp nhận sự khác biệt của mỗi học sinh và cho các em thấy mình không hề cô đơn vì luôn có thầy cô bạn bè bên cạnh.

Trao đổi kinh nghiệm này, cô Nếp cho biết điều mình thường làm mỗi khi nhận lớp là quan sát tất cả học trò bằng các giác quan; đối xử công bằng với tất cả học sinh; dùng ngôn ngữ khuyến khích động viên khi đánh giá; không để học sinh nào bỏ lại phía sau. “Tôi thường quan tâm đặc biệt tới những em bị hổng kiến thức; đặc biệt là luôn liên hệ chặt chẽ với gia đình học sinh có biểu hiện khó giáo dục”,  cô Lê Thị Nếp chia sẻ thêm.

Cô Lê Thị Nếp từng đồng hành với Đài truyền hình VTV7 trong dự án “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” để xây dựng trường học hạnh phúc. Khi làm việc với Ban cố vấn và các chuyên gia hàng đầu về giáo dục, cô Nếp đã học hỏi được rất nhiều phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, những giá trị sống, kĩ năng sống tích cực... Những kinh nghiệm được cô Nếp đúc rút từ trải nghiệm trong quá trình dạy học đã truyền cảm hứng cho nhiều thầy, cô giáo trong cả nước.

Khi học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh Covid-19, cô Nếp đã có nhiều giải pháp để học sinh “không dừng học”. Đáng chú ý, cô đã công phu xây dựng các bài giảng điện tử đăng tải trên violet.vn và đưa lên youtube để học trò dễ dàng tiếp cận. Trong thời gian này, cô cũng xây dựng các bài tập ôn luyện theo từng tuần phát đến tận tay học sinh; cùng với đó, dạy học trực tuyến trên phần mềm Zoom vào các buổi tối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.