Bí quyết để học sinh yêu môn Địa lý, phát huy sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống

GD&TĐ - Dạy học Địa lí cần liên hệ thực tiễn, đặt ra các vấn đề để học sinh tự tìm tòi, phát triển cái riêng, tạo năng lực “giải quyết vấn đề”.

Bí quyết để học sinh yêu môn Địa lý, phát huy sáng tạo từ thực tiễn cuộc sống

Dạy học Địa lí ngoài việc cung cấp cho học sinh những kiến thức cần phải liên hệ thực tiễn, đặt ra các vấn đề để các em tự tìm tòi nghiên cứu, phát triển những cái riêng của bản thân mình.

Xây dựng tình huống trong học tập đã giải quyết được vấn đề đó, vì "tư duy chỉ bắt đầu khi xuất hiện tình huống có vấn đề".

Việc giải quyết các tình huống học tập sẽ tạo không khí tranh luận sôi nổi, phát huy tính tích cực trong học tập của học sinh để đào tạo những con người có năng lực “giải quyết vấn đề” trong suốt cuộc đời.

Nguyên tắc và quy trình xây dựng các tình huống có vấn đề trong dạy học Địa lí

Nguyên tắc xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học Địa lí

Xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học Địa lí cần đảm bảo các nguyên tắc:

Đảm bảo tính chính xác, khoa học: Đây là nguyên tắc chủ yếu trong thiết kế các tình huống. Các kiến thức tuyệt đối không được sai lệch hoặc gây tranh cãi.

Đảm bảo tính thực tiễn: Nguyên tắc này xác định mối liên hệ chặt chẽ thiết thực của kiến thức sách giáo khoa với kiến thức thực tiễn cuộc sống. Mục tiêu của nguyên tắc này là thông qua việc giải quyết tình huống học sinh được trang bị kiến thức cơ bản để có thể đối mặt và thích ứng với những tình huống thật trong cuộc sống một cách dễ dàng.

Đảm bảo tính giáo dục: Môn Địa lí THPT có nội dung chứa đựng các sự kiện, quy luật phát sinh, phát triển, sự biến đổi của tự nhiên, kinh tế - xã hội...Trên cơ sở đó, việc thiết kế tình huống cũng phải đảm bảo về mặt nội dung và tư tưởng nhằm giáo dục học sinh có lối sống lành mạnh, có thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn.

Đảm bảo tính sư phạm: Nguyên tắc đảm bảo tính sư phạm khi thiết kế tình huống thể hiện ở tính vừa sức, phù hợp với tâm sinh lý, cách suy nghĩ, nhu cầu, sở thích của học sinh. Tuy nhiên, tình huống cũng phải được thiết kế để phân hóa học sinh, xen kẻ câu hỏi dễ, khó để tất cả học sinh đều có cơ hội trả lời.

Đảm bảo kích thích tính hứng thú, khả năng sáng tạo của người học: Mục đích của dạy học xây dựng tình huống có vấn đề là kích thích hứng thú học tập và khả năng sáng tạo của học sinh. Chính vì vậy, tình huống thiết kế phải hấp dẫn, sinh động, gần gũi, khơi gợi được khả năng, hứng thú của học sinh, qua đó phát triển kỹ năng tư duy cho học sinh, giúp học sinh giải quyết vấn đề trong học tập.

Đảm bảo tính liên môn trong môn học: Tính liên môn là một nguyên tắc quan trọng khi thiết kế và sử dụng tình huống. Các tình huống mà giáo viên đưa ra cần đòi hỏi học sinh phải phát triển tư duy logic, kết nối lượng kiến thức tổng hợp, liên quan đến nhiều môn học và cả kiến thức thực tiễn để giải quyết tình huống một cách thỏa đáng.

Hà Tĩnh 2.jpg
Ảnh minh hoạ.

Quy trình xây dựng và sử dụng các tình huống có vấn đề trong dạy học Địa lí

Quy trình dạy học xây dựng và sử dụng các tình huống có vấn đề trong dạy học Địa lí bao gồm các bước:

Bước 1: Xác định mục tiêu và nội dung bài học: Việc xác định đúng mục tiêu cần đạt được của bài học là bước đầu tiên của thiết kế có tác dụng định hướng nội dung cho giáo viên, là căn cứ để giáo viên xây dựng tình huống.

Bước 2: Thu thập dữ liệu: Dữ liệu thu thập để xây dựng tình huống rất đa dạng từ sách giáo khoa, bản đồ, bảng số liệu, các phương tiện thông tin đại chúng: ti vi, sách tham khảo, truyện, internet... Các dữ liệu thu thập cần đảm bảo tính lựa chọn cao và đáp ứng ý đồ dạy học, phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học.

Bước 3: Đánh giá và phân tích dữ liệu: Việc đánh giá và phân tích dữ liệu là một trong những bước quan trọng của quá trình thiết kế tình huống. Trong quá trình thu thập, khi có những vấn đề có chứa đựng nhiều thông tin liên quan thì người giáo viên phải biết lựa chọn những thông tin nào là quan trọng.

Bước 4: Xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học: Giáo viên tiến hành thiết kế tình huống trên cơ sở thông tin được thu thập và hình thức thiết kế tình huống. Nhiệm vụ của người giáo viên là phác họa được vấn đề có tính phức tạp nhưng có cấu trúc một cách logic để người học suy nghĩ và giải quyết. Giáo viên cần đặc biệt chú ý khi đưa ra các chứng cứ hiệu quả để giúp người học khám phá vấn đề.

Xây dựng tình huống có vấn đề thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực như: thảo luận, đóng vai, dự án...để tạo ra những tình huống hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.

Bước 5: Vận dụng tình huống vào dạy học: Việc vận dụng tình huống vào dạy học là một khâu rất quan trọng trong phương pháp dạy học theo tình huống. Vận dụng tình huống để thấy được những tình huống đó có phù hợp với nội dung bài và có kích thích được tư duy của học sinh trong quá trình khám phá vấn đề hay không. Quá trình này góp phần đánh giá được mức độ thành công của tình huống trong quá trình dạy học.

Xây dựng một số tình huống nêu vấn đề ở bài Nhật Bản

Phân loại các tình huống nêu vấn đề trong dạy học Địa lí

Có nhiều cách phân loại tình huống nêu vấn đề, nhưng dựa vào tính chất của vấn đề cần giải quyết thường xuất hiện các loại tình huống:

a. Tình huống được tạo ra từ mâu thuẫn

Mâu thuẫn giữa kiến thức cũ và kiến thức mới: Loại tình huống này xuất hiện do mâu thuẫn giữa kiến thức cũ (đã biết) và kiến thức mới (chưa biết hoặc đang tìm hiểu).

Mâu thuẫn giữa kiến thức thực tế và bài mới: Loại tình huống này được tạo ra làm cho người nhận thức cảm thấy thắc mắc với thực tế mình đang có. Khi học sinh tiếp cận với vấn đề mới đưa ra hoàn toàn trái ngược với những gì họ biết. Vì vậy học sinh tham gia tích cực để giải quyết các thắc mắc này.

b. Tình huống tạo ra bởi một nghịch lý

Là loại tình huống xuất hiện tạo ra một sự bất ngờ, một nghịch lý so với những gì học sinh đã hiểu (đã có) trước đó, và sự bất ngờ tưởng chừng như vô lý này lại lôi cuốn sự chú ý tò mò của học sinh, gây hứng thú để họ tìm mọi cách tiếp cận và giải quyết tình huống đó.

c. Tình huống tạo ra bởi hai hoặc nhiều biện pháp khác nhau cần lựa chọn

Là loại tình huống xuất hiện buộc học sinh đứng trước nhiều phương án, cách thức giải quyết khác nhau mà phương án nào cũng đúng nhưng phải tìm ra (lựa chọn) phương án đúng nhất, hợp lý nhất.

Xây dựng một số tình huống nêu vấn đề trong bài Nhật Bản – Địa lí 11, Bộ sách Cánh Diều

Bài 22. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Nhật Bản

Mục II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Loại tình huống: Mâu thuẫn

Xây dựng tình huống: Một quốc gia có điều kiện tự nhiên không thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thì quốc gia đó sẽ có nền kinh tế không phát triển”, theo em quan điểm đó có đúng không? Hãy phân tích điều kiện tự nhiên của Nhật Bản để chứng minh.

Mục III. Dân cư và xã hội

Loại tình huống: Nghịch lí

Xây dựng tình huống: Người lao động được coi là nhân tố tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt với sự già hóa dân số đến mức báo động, trở thành “xã hội siêu già”.

Phân tích nguyên nhân và những tác động tiêu cực của cơ cấu dân số già đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản?

Đề xuất các giải pháp để Nhật Bản khắc phục tình trạng trên?

Vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản có tác động gì tới chính sách sử dụng lao động ở Việt Nam?

Bài 23. Kinh tế Nhật Bản

Mục I: Tình hình phát triển kinh tế

Loại tình huống: Mâu thuẫn

Xây dựng tình huống: Giáo viên chiếu cho học sinh xem đoạn tư liệu ngắn về Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2 và sự phát triển của đất nước giai đoạn 1955 - 1968, kết hợp phân tích bảng 23.1: “Tốc độ tăng GDP trung bình của Nhật Bản 1961 - 2020” (SGK Địa lí 11 – Bộ Cánh Diều, trang 108)

Giáo viên nêu tình huống: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã có sự phát triển nhanh chóng, đến năm 1968 kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.

Em hãy so sánh sự khác biệt của nền kinh tế Nhật Bản trước và sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Phân tích nguyên nhân làm cho Nhật Bản có bước phát triển “thần kì” giai đoạn sau 1955 - 1968?

Mục II. Các ngành kinh tế

Mục 1: Công nghiệp

Loại tình huống: Lựa chọn

Xây dựng tình huống: Nhật Bản nghèo tài nguyên khoáng sản, thiếu hầu hết các nguồn tài nguyên cơ bản nhưng trong cơ cấu ngành công nghiệp hiện đại, Nhật Bản có mặt hầu như tất cả các lĩnh vực, kể cả các ngành mà đất nước không hề có khoáng sản. Theo em, chính sách nào sau đây là sự lựa chọn quan trọng nhất để giải quyết tình trạng thiếu tài nguyên của Nhật Bản? Giải thích nguyên nhân?

Thăm dò, khai thác và tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên trong nước.

Chế tạo các nguồn tài nguyên mới thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống.

Thực hiện chính sách mở cửa, nhập nguyên, nhiên liệu từ nước ngoài.

Mục 2: Nông nghiệp

Loại tình huống: Nghịch lí

Xây dựng tình huống: Giáo viên trình chiếu một số hình ảnh về sự hiện đại trong phát triển ngành nông nghiệp của Nhật Bản, sau đó nêu tình huống:

Ngành nông nghiệp Nhật Bản phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng nhanh những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nhưng nông nghiệp Nhật Bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, hàng năm vẫn phải nhập thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Em hãy giải thích nguyên nhân?

Quy trình tổ chức dạy học hướng dẫn học sinh giải quyết tình huống gồm 5 bước:

Bước 1: Giáo viên dẫn dắt (hoặc học sinh tự phát hiện) tình huống.

Bước 2: Giáo viên gợi ý các hướng giải quyết.

Bước 3: Tổ chức học sinh giải quyết tình huống (theo cá nhân, nhóm).

Bước 4: Học sinh báo cáo kết quả giải quyết tình huống.

Bước 5: Giáo viên tổng kết, nhận xét, đánh giá, nảy sinh tình huống mới.

a. Hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề đối với loại tình huống được tạo ra từ mâu thuẫn

Bước 1: Giáo viên dẫn dắt tình huống

Một quốc gia có điều kiện tự nhiên không thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thì quốc gia đó sẽ có nền kinh tế không phát triển”. Theo em quan điểm đó có đúng không? Phân tích các điều kiện tự nhiên của Nhật Bản để chứng minh.

địa lý 2.jpg
Ảnh minh họa.

Bước 2: Giáo viên gợi ý các hướng giải quyết

Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, cung cấp thêm tư liệu, liên hệ kiến thức thực tế suy nghĩ các câu hỏi sau để giải quyết tình huống.

Nguồn lực để phát triển của một quốc gia bao gồm những nhân tố nào?

Điều kiện tự nhiên có quyết định sự phát triển của một quốc gia không?

Trình bày đặc điểm điều kiện tự nhiên của Nhật Bản?

Nền kinh tế của Nhật Bản có phát triển được trong tình trạng thiếu tài nguyên không?

Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu tài nguyên của Nhật Bản?

Bước 3: Tổ chức học sinh giải quyết tình huống

Giáo viên kết hợp phương pháp thảo luận hướng dẫn học sinh phân công nhiệm vụ cho học sinh trong nhóm thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề đã nêu ra để làm sáng tỏ nội dung tình huống.

Bước 4: Dự kiến báo cáo kết quả giải quyết tình huống của học sinh

Đại diện nhóm hoặc chỉ định bất kì cá nhân học sinh giải quyết tình huống, các học sinh khác bổ sung, tranh luận, đánh giá. Kết quả dự kiến đạt được:

Một quốc gia có điều kiện tự nhiên không thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thì quốc gia đó sẽ có nền kinh tế không phát triển, đó là quan điểm sai lầm.

Bởi vì nguồn lực phát triển của một quốc gia bao gồm nhiều yếu tố, trong đó điều kiện tự nhiên chỉ tạo thuận lợi hay gây khó khăn chứ không quyết định sự phát triển của một quốc gia.

Trên thực tế, mặc dù nhiều thiên tai, nghèo tài nguyên, nhưng Nhật Bản vẫn là một cường quốc kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.

Để giải quyết cho tình trạng thiếu tài nguyên khoáng sản: Nhật Bản đã tận dụng triệt để và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên sẵn có. Chế tạo ra nhiều nguyên liệu mới thay thế các nguyên liệu truyền thống. Thực hiện chính sách mở cửa, nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Bước 5: Tổng kết, nhận xét, đánh giá

Kết luận về kiến thức:

Điều kiện tự nhiên chỉ đóng vai trò tạo thuận lợi hay gây khó khăn chứ không quyết định đến sự phát triển đất nước, điều này hoàn toàn đúng với Nhật Bản.

Đánh giá thái độ học tập và kỹ năng làm việc hiệu quả của các nhóm.

b. Hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề đối với loại tình huống được tạo ra bởi một nghịch lý

Bước 1: Giáo viên dẫn dắt tình huống. Giáo viên trình chiếu đoạn video ngắn thể hiện sự hiện đại trong phát triển ngành nông nghiệp của Nhật Bản, sau đó nêu tình huống:

Ngành nông nghiệp của Nhật Bản phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng nhanh những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhưng nông nghiệp Nhật Bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, hằng năm vẫn phải nhập thêm một lượng lớn nông sản. Có phải nông dân Nhật Bản đã làm việc không hiệu quả? Nêu kiến thức của em về vấn đề này?

Bước 2: Giáo viên gợi ý các hướng giải quyết

Tư liệu sản xuất quan trọng và không thể thay thế của sản xuất nông nghiệp là gì?

Điều kiện tự nhiên để sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản có thuận lợi không?

Nhật Bản đã thực hiện thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trình độ cơ giới hóa cao nhưng tại sao vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân?

Vậy tại sao Nhật Bản vẫn đầu tư rất lớn cho nông nghiệp?

Bước 3: Tổ chức học sinh giải quyết tình huống (theo cá nhân, nhóm)

Giáo viên kết hợp phương pháp đàm thoại gợi mở, thảo luận... hướng dẫn học sinh phân công nhiệm vụ cho học sinh trong nhóm, thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề đã nêu ra để làm sáng tỏ nội dung tình huống.

Bước 4: Dự kiến báo cáo kết quả giải quyết tình huống của học sinh

Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng và không thể thay thế của sản xuất nông nghiệp.

Nhật Bản nhiều thiên tai, diện tích đất nông nghiệp rất ít (khoảng 14% diện tích lãnh thổ), phải canh tác trên cả những vùng đất dốc. Đất nông nghiệp lại ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa phát triển.

Mặc dù Nhật Bản đã thực hiện thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trình độ cơ giới hóa cao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân do ruộng đất bị chia cắt, máy móc sử dụng hiệu quả không cao, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao, dân số đông...

Tuy không đủ đáp ứng nhu cầu của một số dân đông nhưng nền nông nghiệp Nhật Bản với sự phát triển theo hướng khoa học bền vững, sản lượng ngày càng cao, chất lượng tốt nên Nhật Bản vẫn đầu tư lớn cho nông nghiệp và trợ giá cho nông dân.

Bước 5: Giáo viên tổng kết, nhận xét, đánh giá

Kết luận: Sự đầu tư cho nông nghiệp của Nhật Bản là chính sách đúng đắn. Việc sản xuất nông nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân là do hoàn cảnh khách quan chứ không phải do nông dân Nhật Bản sản xuất không hiệu quả.

Giáo viên đánh giá thái độ hợp tác, phát hiện và giải quyết vấn đề, cho học sinh điểm.

c. Hướng dẫn học sinh giải quyết vấn đề đối với tình huống tạo ra bởi một sự lựa chọn

Bước 1: Giáo viên dẫn dắt tình huống:

Để khắc phục tình trạng thiếu tài nguyên khoáng sản cho phát triển công nghiệp, theo em chính sách nào sau đây là sự lựa chọn tối ưu cho Nhật Bản? Tại sao?

Thăm dò, khai thác và tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên trong nước.

Chế tạo các nguồn tài nguyên nhân tạo mới thay thế nguyên liệu truyền thống.

Thực hiện chính sách mở cửa đối với thế giới, nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Bước 2: Giáo viên gợi ý các hướng giải quyết

Đối với một nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản thì việc thăm dò, khai thác và tận dụng các nguồn tài nguyên trong nước đã đáp ứng đủ cho sự phát triển chưa?

Chế tạo các nguồn tài nguyên nhân tạo mới có hoàn toàn thay thế được nguyên liệu truyền thống không?

Thực hiện chính sách mở cửa, nhập nguyên liệu từ nước ngoài sẽ giải quyết được những vấn đề nào trong việc thiếu tài nguyên?

Bước 3: Tổ chức học sinh giải quyết tình huống (theo cá nhân, nhóm)

Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cho ngành công nghiệp, trong các chính sách, chính sách nào cũng đúng, nhưng chỉ được chọn chính sách quan trọng nhất với điều kiện của Nhật Bản.

Học sinh phải huy động kiến thức đã học, kiến thức thực tế, sự hiểu biết của bản thân để lựa chọn phương án đúng nhất. Học sinh làm việc theo nhóm, tranh luận và thống nhất ý kiến.

địa lý 3.jpg
Ảnh minh họa.

Bước 4: Dự kiến báo cáo kết quả giải quyết tình huống của học sinh

Thăm dò, khai thác và tận dụng các nguồn tài nguyên là chính sách đúng, nhưng một nước nghèo tài nguyên khoáng sản như Nhật Bản thì chắc chắn còn thiếu rất nhiều loại khoáng sản cần cho sản xuất công nghiệp mà đất nước không có.

Chế tạo các nguồn tài nguyên nhân tạo mới thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống cũng là một chính sách hợp lý đối với một đất nước mà khoa học kỹ thuật rất phát triển như Nhật Bản. Nhưng chắc chắn sẽ còn thiếu rất nhiều nguyên liệu mà nhân tạo không thể thay thế được trong sản xuất công nghiệp, hơn nữa chi phí sản xuất sẽ rất cao.

Như vậy hai phương án đầu chỉ giải quyết được một phần nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp của Nhật Bản.

Vậy thực hiện chính sách mở cửa, nhập nguyên liệu từ nước ngoài là chính sách chủ yếu nhất đối với Nhật Bản. Trên thực tế, Nhật Bản vẫn phát triển hầu hết các ngành công nghiệp, kể cả những ngành mà trên đất nước không có tài nguyên là nhờ vào chính sách mở cửa nhập khẩu các loại tài nguyên.

Bước 5: Giáo viên tổng kết, nhận xét, đánh giá, nảy sinh tình huống mới

Kết luận: Để khắc phục tình trạng thiếu tài nguyên, Nhật Bản đã đồng thời thực hiện hiệu quả ba chính sách này. Tuy nhiên để lựa chọn phương án tối ưu thì thực hiện chính sách mở cửa, nhập nguyên liệu từ nước ngoài là quan trọng nhất.

Nảy sinh tình huống mới: Ý nghĩa của xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa đối với Nhật Bản?

Môn Địa lí vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Địa lí tự nhiên), vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Địa lí kinh tế - xã hội), có nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.

Do đó, việc xây dựng tình huống có vấn đề để hình thành năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh nếu được tổ chức một cách thường xuyên và phù hợp với nội dung đối tượng, sẽ hình thành kiến thức, kỹ năng Địa lí để giúp học sinh giải quyết một số vấn đề thực tiễn và ứng xử phù hợp với môi trường sống, góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm, nhân cách, gây hứng thú học tập, phát triển tư duy, sáng tạo và phát triển năng lực cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ