Cô giáo Đà Nẵng chia sẻ bí quyết "ẵm" trọn điểm phần bài tập di truyền phả hệ

GD&TĐ - Dạng dạng bài tập phả hệ trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Snh học ở mức vận dụng cao nên yêu cầu HS phải có khả năng phân tích, tổng hợp các dự kiện để trả lời yêu cầu của đề bài.

Học sinh Đà Nẵng trong giờ học trải nghiệm
Học sinh Đà Nẵng trong giờ học trải nghiệm

Cô giáo Nguyễn Thị Diễm Mi (Tổ phó chuyên môn, Tổ Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP Đà Nẵng) nhận xét: Có thể nói, Sinh học là một môn học rất thú vị, đòi hỏi sự tập trung cao độ để có thể nắm chắc được kiến thức của bài học. Nhưng bù lại, nếu chúng ta đã có thể hiểu rõ những kiến thức cơ bản thì có thể dễ dàng từng bước, từng bước đặt thêm những “viên gạch kiến thức” để tiến tới xây dựng “ngôi nhà khoa học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Diễm Mi (Tổ phó chuyên môn, Tổ Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP Đà Nẵng)
Cô giáo Nguyễn Thị Diễm Mi (Tổ phó chuyên môn, Tổ Sinh học, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP Đà Nẵng)

Ở giai đoạn này, các sĩ tử chắc chắn đang dốc tâm sức vào việc ôn tập chuẩn bị cho kì thi mang tính chất quyết định 12 năm học của mình. Bất kì học sinh nào cũng mong muốn được điểm cao trong kỳ thi, như vậy nếu giáo viên bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học tốt, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cô Diễm Mi lưu ý: "Lý thuyết sinh học chiếm tới 60% trong bài thi TN THPT. Để nắm chắc lí thuyết học sinh phải chú trọng các kiến thức cơ bản, trọng tâm theo từng chuyên đề, sơ đồ tư duy sẽ giúp em thực hiện được điều đó! Nhìn chung, đề thi TN THPT bám rất sát chương trình sách giáo khoa, do đó, sơ đồ tư duy sẽ giúp các em hệ thống hóa kiến thức và không mông lung, rối lên vì nhiều kiến thức, đặc biệt là ở phần di truyền hay tiến hóa".

Cô giáo Đà Nẵng chia sẻ bí quyết "ẵm" trọn điểm phần bài tập di truyền phả hệ ảnh 2
Click vào ảnh để xem chi tiết

Đối với phần bài tập, muốn giải nhanh và chính xác, ngoài việc thuộc một số công thức giải nhanh, các em còn phải nắm vững lý thuyết để biết được bản chất của công thức đó nhằm vận dụng một cách tối ưu nhất.

Cách tốt nhất và duy nhất đó là các em cần đầu tư thời gian để giải thật nhiều bài tập ở các dạng với các mức độ khác nhau. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với dạng bài tập phả hệ. Đây là các dạng bài tập di truyền khó, ở mức vận dụng cao, mức độ cao nhất trong 4 mức độ của đề thi, nên yêu cầu HS phải có khả năng phân tích, tổng hợp các dự kiện để trả lời yêu cầu của đề bài.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Theo như phân tích của cô Diễm Mi thì "Điều tạo nên sự khó khăn khi làm bài tập di truyền phả hệ không nằm ở tính toán mà là sự gây nhầm lẫn. Bài tập di truyền phả hệ trong đề thi có thể cho dưới 2 hình thức: lời văn hoặc sơ đồ phả hệ cho sẵn. Nếu như là lời văn, cách tốt nhất là các em nên vẽ lại nó thành sơ đồ phả hệ một cách cẩn thận vào nháp, nếu vẽ sai thì sẽ không giải được bài toán còn không vẽ ra sẽ rất rối bởi các thông tin về mối quan hệ họ hàng giữa các cá thể trong phả hệ".

Phương pháp chung giải bài tập di truyền phả hệ:

- Bước 1: Xác định gen gây bệnh là gen trội hay gen lặn. Để thực hiện bước này, các em có thể dựa vào các dấu hiệu như:

+ Nếu bố mẹ đều mắc bệnh, có con bình thường → bệnh do gen trội quy định.

+ Nếu bố mẹ cùng bình thường, có con mắc bệnh → bệnh do gen lặn quy định.

- Bước 2: Xác định gen gây bệnh do nằm trên NST thường hay giới tính.

Kết thúc bước này các em đã hoàn thành dạng bài thứ nhất. Như vậy, nếu đề bài chỉ yêu cầu tìm kiểu gen các cá thể trong phả hệ thì hoàn toàn không có gì khó khăn, đúng không?

– Bước 3: Tính xác suất xuất hiện kiểu gen hoặc kiểu hình nào đó ở đời con (nếu đề bài yêu cầu).

Đây là phần dễ gây nhầm lẫn nhất, các em dễ tính toán sai. Trong phả hệ luôn có những cá thể biết chắc chắn kiểu gen, và những cá thể chưa biết rõ kiểu gen mà mới chỉ biết kiểu hình nên chúng ta cần xác định rõ đó là những cá thể nào, tỉ lệ về kiểu gen là bao nhiêu. 

Sau đây là một ví dụ giải bài tập phả hệ trong đề minh họa TN THPT năm 2021:

Cho sơ đồ phả hệ sau:

Cô giáo Đà Nẵng chia sẻ bí quyết "ẵm" trọn điểm phần bài tập di truyền phả hệ ảnh 4

Cho biết bệnh M do 1 trong 2 alen của 1 gen nằm trên NST thường quy định; bệnh N do 1 trong 2 alen của 1 gen nằm ở vùng không tương đồng trên NST giới tính X quy định; Người 11 có bố và mẹ không bị bệnh M nhưng có em gái bị bệnh M. Theo lí thuyết, xác suất sinh con trai đầu lòng không bị bệnh M và bị bệnh N của cặp 10 - 11 là

  1. A 1/36.                     B. 7/144.                         C. 1/18.                      D. 1/144.

Giải:

- Bước 1: Xác định gen gây bệnh là gen trội hay gen lặn

+ Bệnh M: Người số 9 bị bệnh M nhưng bố mẹ (người số 5 và số 6) không bị bệnh à gen gây bệnh là gen lặn.

+ Bệnh N: Người số 7 bị bệnh N, nếu alen gây bệnh là alen trội thì mẹ (người số 4) cũng sẽ bị bệnh do gen gây bệnh nằm trên vùng không tương đồng của NST giới tính X. Do đó, bệnh N do gen lặn nằm trên NST giới tính X quy định.

- Bước 2: Xác định gen gây bệnh do nằm trên NST thường hay giới tính (Bỏ qua bước này vì đề đã cho).

– Bước 3: Tính xác suất xuất hiện kiểu gen hoặc kiểu hình nào đó ở đời con

+ Xét người số 10:

  • Bệnh M: Người số 9 bị bệnh M có kiểu gen mm → bố mẹ (số 5 và số 6) đều có kiểu gen dị hợp Mm.

Suy ra: Kiểu gen về bệnh M của người số 10 là: (1/3 MM : 2/3 Mm). (1)

  • Bệnh N: Người số 7 bị bệnh N → người số 4 và số 2 đều có kiểu gen XNXn

                       Người số 1 có kiểu gen: XNY

                       Do đó, người số 5 có kiểu gen: (1/2 XNXN : 1/2 XNXn)

        Suy ra: Kiểu gen về bệnh N của người số 10 là: (3/4 XNXN : 1/4 XNXn). (2)

Từ (1) và (2) suy ra: Kiểu gen của người số 10 là:

                (1/3 MM : 2/3 Mm) . (3/4 XNXN : 1/4 XNXn).

Người này sẽ cho các loại giao tử với tỉ lệ: (2/3 M : 1/3 m) . (7/8 XN : 1/8 Xn).

+ Xét người số 11:

  • Bệnh M: Người 11 có bố và mẹ không bị bệnh M nhưng có em gái bị bệnh M nên bố mẹ của người số 11 có kiểu gen Mm.

Suy ra: kiểu gen về bệnh M của người 11 là: (1/3 MM : 2/3 Mm). (3)

  • Bệnh N: Người 11 không bị bệnh N → kiểu gen: XN (4)

Từ (3) và (4) suy ra: kiểu gen của người số 11 là: (1/3 MM : 2/3 Mm) . XNY

Người này sẽ cho các loại giao tử với tỉ lệ: (2/3 M : 1/3 m) . (1/2XN : 1/2Y)

Xác suất sinh con trai đầu lòng không bị bệnh M và bị bệnh N của cặp 10 – 11 là:

(1 – 1/3 × 1/3) × (1/8 × 1/2) = 1/18

      Vậy đáp án ta cần chọn là C.

Trên đây là một số lưu ý khi giải bài tập phả hệ, một dạng bài tập khó trong đề thi TN THPT. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các em dễ dàng chinh phục những bài tập phả hệ hóc búa. Nắm chắc lí thuyết, rèn luyện giải các dạng bài tập khác nhau theo từng mức độ và chú ý đến các kĩ năng khi làm bài thi trắc nghiệm, đó chính là các bí quyết để các em hoàn thành đề thi một các nhẹ nhàng nhất. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ