Bằng cách dạy con về sự tôn trọng cũng như cách tránh những hành vi không đúng mực, trẻ sẽ có mối quan hệ tốt hơn với cha mẹ và anh chị em.
1. Tôn trọng con
Những đứa trẻ được cha mẹ tôn trọng thường có xu hướng biết đáp lại điều đó với gia đình. Mặc dù đôi khi, quá trình học cách tôn trọng ở từng trẻ sẽ khác nhau. Song, phụ huynh cần biết rõ khi nào mình đang thiếu tôn trọng con.
Ngược lại, trẻ cũng cần biết điều đó. Việc này không có nghĩa là cha mẹ ngang hàng với con. Thực tế, ngay cả cấp trên cũng có thể đối xử tôn trọng với nhân viên. Nếu cha mẹ thường xuyên mỉa mai và chê con, chắc chắn trẻ sẽ sớm có hành vi đó với người khác.
Cha mẹ có thể dạy con biết tôn trọng người thân bằng cách trở thành những tấm gương tốt. Ví dụ: Phụ huynh nên nói “Làm ơn” và “Cảm ơn” với người khác, mở cửa cho những người trong cửa hàng và xưng hô lễ phép với người lớn tuổi. Khi quan sát những hành động đó của cha mẹ, trẻ sẽ dần hiểu thế nào là hành vi tôn trọng.
2. Tôn trọng vợ/chồng
Những ông bố bà mẹ được khuyến khích luôn thể hiện sự tôn trọng với vợ hoặc chồng của mình, đặc biệt là trước mặt con. Mối quan hệ tốt giữa cha mẹ tạo nên sự gắn kết lớn trong gia đình.
Khi trẻ em thấy cha mẹ đối xử với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng, con sẽ biết đâu là mục tiêu mình cần hướng tới.
3. Dạy con tình yêu hơn là các quy tắc
Những đứa trẻ được dạy về mối liên hệ giữa tình yêu thương và kỷ luật có xu hướng dễ dàng chấp nhận hậu quả hơn những đứa trẻ bị “bủa vây” bởi hàng loạt quy tắc.
Không ít trẻ sống trong “kỷ luật thép” khi cha mẹ thường xuyên yêu cầu, thay vì thể hiện tình yêu với con. Một số câu như: “Hãy làm điều đó vì mẹ đã nói vậy” có thể khiến trẻ dần xa cách gia đình và không nhận ra giá trị của tôn trọng.
4. Xây dựng phẩm chất
Trẻ em là những người quan sát thành thạo. Trẻ có thể chứng kiến tất cả, từ cách cư xử của cha mẹ, tới những hành động nhỏ như thanh toán hóa đơn, chia sẻ, hay giúp đỡ người khác.
Thậm chí, những hành động của cha mẹ như tôn trọng người lao động hoặc nói tích cực về người khác sau lưng… cũng sẽ khiến trẻ biết tôn trọng. Những hành động đó giúp phụ huynh xây dựng và duy trì phẩm chất biết tôn trọng cha mẹ và người xung quanh ở con.
5. Cân bằng giữa quy tắc và nhượng bộ
Mặc dù việc luôn yêu cầu con thực hiện theo quy tắc có thể phản tác dụng, song, trẻ cũng sẽ không thể học cách tôn trọng cha mẹ nếu được tự do làm điều mình thích.
Một số phụ huynh dễ dàng nhượng bộ và để con thường xuyên có những hành động thiếu tôn trọng cha mẹ như cãi lời, nghịch ngợm… Đó cũng là một trong những lý do khiến trẻ dần không biết cách tôn trọng cha mẹ.
6. Không nóng giận
Trẻ em sẽ luôn là trẻ em. Chắc chắn, cha mẹ sẽ không tránh khỏi những lúc con than vãn, nổi cơn thịnh nộ, bĩu môi. Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, cha mẹ không thể nóng giận lại với con. Bởi, hành động đó có thể sẽ khiến trẻ không tôn trọng cha mẹ. Điều quan trọng là phụ huynh cần giữ bình tĩnh. Thay vì la hét rằng: “Đừng nói chuyện với mẹ như thế!”, hãy bình tĩnh đáp lại hành vi sai trái của con.
Phụ huynh có thể nói: “Con biết đấy, chúng ta không nói chuyện với nhau như vậy trong gia đình mình. Chúng ta đối xử với nhau bằng sự tôn trọng. Hãy về phòng và suy nghĩ về những gì con đã nói”.
7. Mở lớp học tôn trọng
Cha mẹ hãy thiết lập một lớp học về cách cư xử trong gia đình. Biến một trong những căn phòng ở nhà thành một lớp học giả. Sau đó, giảng cho con một bài học về cách cư xử và lịch sự. Phụ huynh nên dạy con về tầm quan trọng của việc nói “Làm ơn”, “Cảm ơn” và cách yêu cầu mọi thứ một cách lịch sự.
Ví dụ, cha mẹ có thể cho con thực hiện một bài kiểm tra và hỏi: “Làm thế nào để con nói với anh chị em rằng, mình muốn mượn một món đồ chơi? Con có lấy món đồ chơi đó không? Hay, con sẽ yêu cầu một cách lịch sự bằng việc nói “Làm ơn”?”. Sau đó, hãy để con dành thời gian trả lời. Ngoài ra, một ý tưởng khác để “vận hành” lớp học cư xử giả là thực hiện các hoạt động đóng vai. Nhờ đó, giúp trẻ biết phân biệt thế nào là hành vi tôn trọng và không tôn trọng.
8. Hậu quả của việc không tôn trọng
Cha mẹ cần dạy con biết hậu quả của việc không tôn trọng cha mẹ và anh chị em. Phụ huynh có thể thiết lập một quy tắc nhất quán mỗi khi con thể hiện sự thiếu tôn trọng với các thành viên trong gia đình.
Mỗi người sẽ có một phong cách nuôi dạy con khác nhau. Vì vậy, hãy tìm ra quy tắc phù hợp nhất với bản thân và con. Ví dụ, cha mẹ có thể yêu cầu con dành thời gian cất đồ chơi hoặc viết thư xin lỗi vì hành vi thiếu tôn trọng.
9. Giúp con kiềm chế cơn giận
Nếu nhận thấy con không tôn trọng mọi người trong gia đình, phụ huynh hãy giúp trẻ bớt nóng giận hoặc thất vọng. Cha mẹ có thể để con thực hiện các bài tập thở sâu, viết nhật ký về lý do tại sao con tức giận, thất vọng. Theo thời gian, con sẽ học cách quản lý những hành vi thiếu tôn trọng một cách bộc phát đó.
Điều quan trọng là phụ huynh không nên phản ứng thái quá khi con có hành vi thiếu tôn trọng. Cha mẹ cần xử lý tình huống một cách bình tĩnh, nhưng nghiêm khắc. Nếu phản ứng thái quá, con có thể tiếp tục có những hành động thiếu tôn trọng.