ThS Trần Quốc Toản - giáo viên Mỹ thuật- Giám đốc Công ty Tran Quoc Toan Education cho biết Khối H là khối thi năng khiếu dùng để xét tuyển vào các ngành thiên về Hội họa, Mỹ thuật.
Khối thi này phù hợp với những thí sinh có năng khiếu về mỹ thuật và yêu thích các ngành học đòi hỏi sự sáng tạo.
Khối H gồm các môn cơ bản là Ngữ văn, Vẽ năng khiếu 1 và Vẽ năng khiếu 2. Trong đó, môn Vẽ năng khiếu 1 là vẽ hình họa người hoặc tượng và Vẽ năng khiếu 2 là vẽ trang trí màu. Môn năng khiếu sẽ được tổ chức riêng với đề thi và thời gian do từng trường quy định.
Bên cạnh đó, điểm các môn văn hóa sẽ được xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc một số trường xét theo điểm tổng kết ghi trong học bạ THPT.
Hiện nay, khối H được chia thành nhiều tổ hợp môn khác nhau, đó là: H00: Ngữ văn, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ Nghệ thuật 2; H01: Ngữ văn, Toán, Vẽ; H02: Toán, Vẽ trang trí màu, Vẽ hình họa mỹ thuật; H03: Toán, Khoa học tự nhiên, Vẽ năng khiếu; H04: Tiếng Anh, Toán, Vẽ năng khiếu; H05: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Vẽ năng khiếu; H06: Ngữ văn, Tiếng Anh,Vẽ mỹ thuật; H07: Toán, Trang trí, Hình họa; H08: Ngữ văn, Lịch sử, Vẽ mỹ thuật
Chọn dự thi khối H, thí sinh thường chọn những ngành học sau đây: Thiết kế đồ họa; Thiết kế nội thất; Thiết kế thời trang; Thiết kế công nghiệp; Kiến trúc; Hội họa; Điêu khắc; Gốm; Sư phạm Mỹ thuật; Công nghệ điện ảnh – truyền hình; Quản lý văn hóa…
Thí sinh cần chuẩn bị những gì ?
ThS Trần Quốc Toản chia sẻ: Trong khối H, môn năng khiếu rất quan trọng và sẽ quyết định việc thí sinh có đỗ vào trường đã đăng ký nguyện vọng hay không. Vì vậy, để đạt số điểm cao trong môn thi này, ngoài tài năng thì cần có sự nỗ lực từ chính thí sinh.
Thí sinh hãy bổ sung kiến thức mỹ thuật cơ bản và rèn luyện cách vẽ đúng kỹ thuật trước khi bước vào kỳ thi.
Một "bí kíp" để thí sinh có thể thi môn vẽ thật tốt đó là chuẩn bị sẵn các họa tiết trang trí phù hợp với các hình tròn, hình vuông và góc cạnh để áp dụng vào bài thi vẽ.
Bên cạnh đó, các môn thi năng khiếu sẽ được trường tổ chức thi riêng, do đó thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ về thời gian nộp hồ sơ dự tuyển, lịch thi, hình thức thi, nội dung đề thi… Những thông tin này sẽ được thông báo cụ thể trên website chính thức của trường.
Trước ngày thi, các sĩ tử cần phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như bút chì, bút màu, tẩy, giấy vẽ, bảng vẽ, thước đo, compa, dao rọc giấy và keo giấy… để làm bài thi. Tùy vào nội dung từng môn thi năng khiếu mà hãy chuẩn bị các dụng cụ phù hợp.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần phải lưu ý không được mang vào phòng thi các vật dụng như tài liệu, giấy than, bút xóa hay các thiết bị truyền tin để gian lận; hoặc các vũ khí, chất gây cháy nổ, đồ uống có cồn…
Quy định thời gian thi môn năng khiếu là 4 tiếng, không tính thời gian phát đề và chỉnh mẫu vẽ. Do đó, thí sinh hãy phân bổ thời gian làm bài thi một cách hợp lý.
Những lưu ý khi tham gia kỳ thi năng khiếu
Theo ThS Trần Quốc Toản, kỳ thi năng khiếu khối H gồm môn thi Mỹ thuật 1- Vẽ chì và Mỹ thuật 2 - Bố cục màu.
Mỹ thuật 1 - Vẽ chì : Ở môn này thí sinh trước lúc chuẩn bị vào thi nên chọn vị trí đẹp, làm sao cho góc nhìn cân đối thị giác, thường thì các bạn hay chọn góc 3/4 ,chính diện… tùy vào góc tủ của từng người. Nếu giám thị xếp vị trí, các bạn có thể tìm vị trí đẹp trong phạm vi của mình.
Vị trí ngồi không nên ngồi quá gần so với mẫu vẽ, khoảng cách 2,5m đến 3,5m là đẹp nhất, vì nếu ngồi gần thì mình sẽ rất dễ bị sai và không nhìn đúng hình mẫu
Không nên ngồi quá thấp hoặc quá cao so với mẫu… Thí sinh ngồi ngang tầm mắt hoặc thấp hơn một chút là đẹp nhất
Cần dựng hình tổng thể đến chi tiết, bố cục sắp xếp cân đối hài hòa (khâu dựng hình này quan trọng nhất ). Nếu như thí sinh vẽ sai hình thì đánh bóng bao nhiêu cũng sẽ không đạt kết quả tốt.
Sau khi dựng hình cần ngắm kỹ và chỉnh sửa hoàn chỉnh sau đó đem về phân mảng đánh bóng tổng thể. Khi lên bóng đều nên để xa, nhìn xem chỗ nào cần nhấn đậm và nhạt, xa gần cho hợp lý, nên nhớ hình là chính nền là phụ.
Vẽ mỹ thuật 2 ( bố cục màu) môn thi năng khiếu: Bố cục màu có thời gian thi 240 phút. Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm). Chất liệu thể hiện: bột màu
Bố cục màu là môn học cơ bản trong nghệ thuật trang trí, giúp thí sinh có cái nhìn sự vật một cách khái quát, cô đọng, hỗ trợ nhiều đến khả năng cách điệu họa tiết, sắp xếp bố cục và phối màu trong các ngành học thiết kế như: Thiết kế đồ họa, Thời trang và Nội thất...
Khả năng bố cục màu tốt sẽ giúp năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.
Họa tiết cách điệu là yêu cầu đầu tiên cho môn bố cục màu, trước hết ta phải hiểu rõ được khái niệm về ngôn ngữ cách điệu: Tính khái quát, cô đọng và lược giản là cần thiết cho một họa tiết cách điệu.
Sắp xếp bố cục cũng đóng vai trò quan trọng trong bài bố cục màu, đòi hỏi thí sinh phải bố cục chặt chẽ, các yếu tố chính - phụ phải rõ ràng.
Các thành phần chính phải rõ ràng và hài hòa với các thành phần phụ. Màu sắc đẹp, diễn tả được không gian của màu sắc, giàu chất biểu cảm có tính thẩm mỹ cao.