Bí quyết đạt điểm cao môn Năng khiếu thể thao: Kinh nghiệm rèn kỹ thuật, sức mạnh và tốc độ

GD&TĐ - Thí sinh đăng ký dự thi vào trường ĐH đào tạo các ngành thể dục thể thao (TDTT) ngoài việc xét kết quả những môn văn hóa theo quy định còn phải dự thi môn năng khiếu.

Thí sinh thi năng khiếu nội dung Chạy 100m tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh năm 2020. Ảnh: NTCC
Thí sinh thi năng khiếu nội dung Chạy 100m tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh năm 2020. Ảnh: NTCC

Chuẩn bị kỹ lưỡng bài vận động thể lực để “sẵn sàng” bước vào các nội dụng thi năng khiếu của trường thể thao là cần thiết.

Những lỗi thường gặp

TS Vũ Quỳnh Như - Phó trưởng Khoa Kiến thức và Kỹ năng cơ sở ngành - Trường ĐH TDTT Bắc Ninh cho biết: Thí sinh thi năng khiếu vào trường theo nội dung: Năng khiếu 1 (Bật xa + chạy 100m); Năng khiếu 2 (Bật xa); Năng khiếu 3 (Chạy 100m).

Thí sinh có thể đăng kí xét tuyển theo một hoặc nhiều tổ hợp theo phương án tuyển sinh của trường. Vận động viên cấp 1 hoặc tương đương được 9 điểm môn năng khiếu. Vận động viên kiện tướng hoặc tương đương được 10 điểm môn năng khiếu.

Để đạt được kết quả cao nhất ở nội dung thi Bật xa tại chỗ, thí sinh thực hiện 4 bước cơ bản:

Bước 1: Tư thế chuẩn bị. Người thi đứng hai chân rộng bằng vai, tay xuôi theo thân người.

Bước 2: Hai tay lên cao đồng thời kiễng trên nửa bàn chân trên.

Bước 3: Chùng đầu gối đồng thời hai tay hạ từ trên xuống dưới, từ trước ra sau.

Bước 4: Thực hiện bật, phối hợp tay chân bật về phía trước đưa cơ thể đi xa.

Bí quyết đạt điểm cao môn Năng khiếu thể thao: Kinh nghiệm rèn kỹ thuật, sức mạnh và tốc độ ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Mỗi thí sinh sẽ thực hiện 2 lần, lấy thành tích cao nhất. Thí sinh thực hiện đứng tại chỗ bằng 2 chân (không vượt qua mép trên của vạch qui định), bật về phía trước và rơi xuống bằng 2 chân, xác định thành tích từ điểm rơi gần nhất cho tới mép trên của vạch qui định. Những trường hợp phạm quy như tạo đà bật nổi 2 chân lên, đứng quá vạch giới hạn và bật xong quay ngược lại vị trí xuất phát không được tính thành tích.

Theo TS Vũ Quỳnh Như, những lỗi cơ bản khi thi năng khiếu với nội dung Bật xa tại chỗ là thí sinh bật nhảy 1 chân, tạo đà khi bật nhảy, chân chạm vạch giới hạn, bật xong đi ngược lại phía sau.

Với nội dung thi Chạy 100m, thí sinh bị coi lỗi khi xuất phát khi chưa có hiệu lệnh, chạy cản trở thí sinh khác (chạy sang ô khác), giảm tốc độ khi chạy về đích, động tác nhảy về đích.

Để đạt kết quả cao, thí sinh cần rèn luyện kỹ năng vận động. Với Bật xa tại chỗ, thí sinh tập hai chân rộng bằng vai, khi tạo đà hai tay vươn lên cao, thân người ưỡn căng. Tiếp theo hai gối hơi chùng xuống, kiễng 2 gót chân đồng thời bật nhanh về trước; uốn căng thân và khi tiếp đất, gối sát bụng, hai chân vươn xa về trước.

Với nội dung thi Chạy 100m, thí sinh rèn luyện kỹ năng tập trung nghe hiệu lệnh xuất phát. Thực hiện tốt giai đoạn chạy lao từ 25 - 30m, thân người hơi đổ về trước, tần số đổi bước nhanh, 2 tay phải đánh với biên độ lớn. Hết chạy lao, thí sinh phải duy trì tốc độ nhanh đều cho đến hết cự ly.

Thí sinh thi năng khiếu nội dung bật xa tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh năm 2020. Ảnh: NTCC
Thí sinh thi năng khiếu nội dung bật xa tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh năm 2020. Ảnh: NTCC

Cần thể lực tốt

Theo đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), năm 2021, nhà trường tổ chức thi năng khiếu thể thao ở 3 nội dung: Bật xa tại chỗ, bóp lực kế, chạy 30m xuất phát cao.

Theo ThS Nguyễn Văn Bắc - Trưởng khoa Khoa học thể thao, (TDTU), ở nội dung chạy 30m xuất phát cao, thí sinh chuẩn bị tư thế xuất phát cao, thực hiện hai lần chạy, tính thành tích lần chạy cao nhất (thành tích cao nhất là thời gian thấp nhất).

Còn với nội dung thi Lực bóp tay, thí sinh đứng hai chân rộng bằng vai, tay thuận cầm lực kế hướng vào lòng bàn tay. Không được bóp giật cục và có các động tác trợ giúp khác. Thực hiện hai lần, nghỉ 60 giây giữa hai lần thực hiện và tính kết quả của lần tốt nhất.

Để thực hiện tốt các nội dung thi năng khiếu thể dục thể thao, ThS Nguyễn Văn Bắc lưu ý thí sính cần tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, đồng thời uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động quá sức ở những ngày gần thi để cơ thể hồi phục ở trạng thái tốt nhất.

Ngoài ra, thí sinh cũng không nên ăn quá no hay để bụng đói khi đi thi. Tốt nhất nên ăn sáng trước khi thi 60 - 90 phút hoặc ăn nhẹ trước giờ thi 30 phút. Thí sinh lưu ý:

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Đối với nội dung Chạy 30m xuất phát cao:

Bước 1: Tư thế chuẩn bị, thân trên hơi ngả về phía trước, đầu và thân người giữ thẳng.

Bước 2: Dùng lực đạp sau đẩy cơ thể về trước để thực hiện động tác chạy.

Bước 3: Ở giai đoạn về đích, thí sinh luôn chạy với tốc độ cao nhất.

Để đạt thành tích tốt nội dung thi Chạy 30m xuất phát cao, thí sinh có thể tập các bài tập bổ trợ như: chạy cự ly ngắn 50m, 100m, chạy biến tốc 30m… Đây là những bài tập rèn luyện sức mạnh tốc độ giúp thí sinh đạt kết quả cao cho nội dung thi

Đối với nội dung Bóp lực tay:

Bước1: Tư thế chuẩn bị, hai chân rộng bằng vai đứng thẳng người, tay thuận cầm lực kế đưa sang ngang tạo góc 30 - 45 độ so với thân người.

Bước 2: Dùng sức mạnh tối đa của tay bóp và giữ lực kế trong 2 - 4 giây.

“Để đạt thành tích tốt, thí sinh có thể tập các bài tập bổ trợ như chống đẩy, dụng cụ kìm bóp tay… Đây là những bài tập rèn luyện sức mạnh giúp thí sinh đạt kết quả cao cho nội dung thi”, ThS Bắc cho biết.

Còn TS Vũ Quỳnh Như lưu ý: Để thi năng khiếu được điểm cao, thí sinh phải có sự chuẩn bị thể lực tốt về các năng lực sức mạnh, sức mạnh tuyệt đối và sức bật tuyệt đối. Trên cơ sở đó thí sinh sẽ có được tâm lý thoải mái và chuẩn bị tốt cho kỳ thi đạt kết quả cao.

Các bài tập bổ trợ phát triển thể lực gồm: Bài tập bật nhảy tại chỗ (bật cao thu gối trên cát, ngồi tư thế 1/2 bật vươn lên cao), bật xa vào hố cát, bật ếch, các bài tập bật phối hợp đổi chân, các bài tập lò cò 1 chân, lò cò đổi chân; Bài tập chạy lặp lại các đoạn ngắn với tốc độ nhanh, thời gian nghỉ đủ; Chạy tăng tốc độ đoạn ngắn, sau đó tăng dần chiều dài cự ly; Chạy biến tốc; Chạy hỗn hợp 30m + 60m + 80m + 120m và ngược lại…

Ở các trường ĐH TDTT, trước khi bước vào môn thi năng khiếu, thí sinh phải qua kiểm tra thể hình. Nếu có chiều cao thấp, thiếu cân nặng hoặc có dị tật, dị hình... thí sinh sẽ bị trừ điểm môn năng khiếu thể thao. Quy định về thể hình khi dự thi vào các trường như sau: Có thể hình cân đối, sức khoẻ và thể lực tốt, không bị dị tật, dị hình, bảo đảm học tập và công tác TDTT lâu dài. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ