Trong buổi toạ đàm “Cùng con bước vào thế giới nghề nghiệp” tại Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam BUV, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (Hồ Phụng Hoàng Phoenix), Trường ĐH Rmit đã đưa ra những “bí kíp” giúp cha mẹ và các em học sinh vững vàng tâm thế “tự chủ” bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngành “hot” sẽ thay đổi theo thời gian
Theo chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho, cách đây 20 năm, mọi người thường có quan niệm tìm một công việc có tính chất lâu dài, làm đến lúc về hưu thì thôi. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây thì đó là một điều không tưởng. Tức là mỗi người trong đời có thể thay đổi nghề nghiệp khoảng vài ba lần, con người cũng đa năng hơn khi làm được nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Xu thế hiện nay là vậy nên có tác động rất lớn đến việc chọn lựa ngành học, ngành hot sẽ thay đổi theo thời gian (tùy thuộc vào nhu cầu thị trường lao động). Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin đã rộ lên những năm đầu 2000, sau đó lại bão hòa, rồi lại rộ lên thời gian gần đây. Hay ngành Tài chính ngân hàng đóng băng trong tuyển dụng khi kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và chậm đi những năm 2008 - 2010, để rồi sau đó vài năm lại khởi sắc.
Vì vậy, theo chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho, cha mẹ thay vì đặt câu hỏi “Nên cho con chọn ngành học nào để sau này ra trường không bị thất nghiệp?” mà hãy đặt câu hỏi: "Con tôi nên có những kỹ năng thiết yếu nào để sau này ra trường có vị trí trong thị trường lao động?".
Theo bảng báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2014, kỹ năng thiết yếu bao gồm kỹ năng chuyên môn (chuyên ngành) và các kỹ năng khác (thường được gọi là kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và độc lập...) Cũng theo bảng báo cáo này, thị trường lao động Việt Nam thiếu nhân lực có kỹ năng chứ không phải là không tuyển.
Do đó, để chuẩn bị cho việc tìm được vị trí nghề nghiệp phù hợp và tốt trong tương lai, các em nên tìm hiểu bản thân để hiểu thế mạnh tự nhiên của mình, sau đó tìm hiểu ngành đào tạo để xem ngành nào hợp với mình, và cuối cùng trong thời gian tham gia chương trình đào tạo thì xây dựng những kỹ năng thiết yếu để chuẩn bị cho tương lai.
Hướng nghiệp là một phần của giáo dục
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Hồ Phụng Hoàng Phoenix |
Trong nhiều gia đình hiện nay, cha mẹ đều mong muốn con theo nghề của gia đình, nhưng con lại thích theo đuổi ngành học khác, nên định hướng cho con thế nào, làm sao để biết con mình thích hợp với nghề nào là trăn trở của hầu hết phụ huynh có con bước vào ngưỡng cửa đại học.
Theo cô Phoenix Ho, kinh nghiệm sau 9 năm làm việc tại Việt Nam thì quyết định nghề nghiệp tốt nhất cho một bạn trẻ phải là một quyết định hài hòa cho cả gia đình. Các bậc phụ huynh cần nhìn nhận và chỉ ra cho các em sự khác biệt giữa môi trường làm việc và môi trường học tập. Để các em thấy được sự chuyển đổi giữa những kiến thức học trong nhà trường sang môi trường làm việc.
Chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho nhận ra một thực tế rằng: Những quyết định liên quan đến nghề nghiệp của người trẻ Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều đến sự ủng hộ của gia đình. Có rất nhiều bạn trẻ tìm đúng được công việc phù hợp với nguyện vọng và sở thích của bản thân nhưng nếu không nhận được sự ủng hộ của gia đình thì lựa chọn đó lại khiến em không được vui vẻ và hạnh phúc.
Gia đình trong văn hóa của người Á Đông luôn đóng một vai trò thiêng liêng nhất định. Hiểu được điều này thì chúng ta có thể tìm được cách giúp hóa giải những khó khăn.
Hướng nghiệp nên bắt đầu càng sớm càng tốt, từ gia đình, nhà trường. Nó là một phần của giáo dục, cần lồng ghép trong mọi hoạt động và cần được coi là mục tiêu khi xây dựng chương trình giáo dục. Nó sẽ bắt đầu từ việc giúp học sinh nhận thức mình là ai, điểm mạnh, sở thích như thế nào rồi sau đó nhìn ra những chọn lựa nghề nghiệp khác nhau trên thị trường.
Chọn công việc phù hợp với năng lực
Theo chuyên gia Phoenix Ho, việc các bạn trẻ ngày nay chưa có sự kiên trì, kiên nhẫn trong các công việc hàng ngày (trừ việc học), làm gì cũng nhanh chán, là lời than mà cha mẹ thời nay thường có. Thật ra thì cha mẹ của thế hệ nào mà không than phiền con cái họ về một điều gì đó. Lời than phiền sẽ khác đi ở mỗi thế hệ tùy theo sự thay đổi của thời đại, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia ấy mà thôi.
Để giúp con định hướng nghề nghiệp, chuyên gia Phoenix Ho đề nghị cha mẹ tìm hiểu gốc rễ của quyết định hướng nghiệp tốt, đó là hướng con theo sở thích và khả năng tự nhiên, không chọn ngành học sai (ngược lại với sở thích và khả năng tự nhiên), và chấp nhận rằng con sẽ có một cuộc hành trình dài trước khi tìm ra công việc thật sự phù hợp. Hướng nghiệp không là chuyện một sớm một chiều, và sau khi đã làm hết các bước mà cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con, thì cha mẹ phải bước sang một bên và để cho con tự bước trên đôi chân của các em ấy.
Hướng nghiệp là con đường quan trọng nhất để cha mẹ có thể giúp con lựa chọn một công việc phù hợp với năng lực, đam mê bản thân và thành công trên bước đường sự nghiệp.