Bí quyết chinh phục học sinh “cá biệt”

GD&TĐ - Đầu vào là những học sinh có điểm chuẩn thấp, học lực yếu, nhiều em chưa chăm ngoan, ý thức chưa tốt, nhưng bằng tâm huyết của mình, các thầy cô giáo đã chọn được “hướng đi” thích hợp để dạy dỗ các em nên người.

Cô Vũ Thị Ngọc Tình - Giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng. Ảnh: Việt Cường
Cô Vũ Thị Ngọc Tình - Giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng. Ảnh: Việt Cường

Tìm ra hướng đi

Cô Vũ Thị Ngọc Tình - giáo viên Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: Ở nông thôn, đời sống người dân còn khó khăn, việc học của học sinh còn hạn chế nên điểm chuẩn vào lớp 10 của Trường THPT Lưu Hoàng luôn thấp nhất thành phố (năm nay lấy 21 điểm, trung bình 3.5 điểm mỗi môn). Đi liền với học lực yếu, nhiều em chưa chăm ngoan, ý thức chưa tốt.

Trong điều kiện như vậy, nhà trường chọn “hướng đi” thích hợp với phương châm “Nền nếp, kỷ cương nghiêm, nâng dần chất lượng”.

Ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình, từ năm 2017, cô Tình  đề xuất với ban giám hiệu thành lập nhóm giáo viên tình nguyện phụ đạo học sinh yếu kém lớp 12. Khi nhà trường phát động, nhiều thầy cô tham gia nhiệt tình, ở tất cả bộ môn.

Nhờ sự tận tình của thầy cô, học sinh dần tiến bộ. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường đạt 98,8%, cao hơn rất nhiều so với những năm học trước. Bên cạnh đó, cô Tình còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và đoạt giải cấp thành phố môn Toán.

Đỗ Thị Hồng Lê, Dương Hoàng Nam, Phạm Ngọc Dung... là những gương mặt nổi bật của nhà trường đã vươn lên trong học tập nhờ sự dìu dắt của cô.

Với đặc điểm chất lượng học sinh đầu vào lớp 10 thấp cả kiến thức và ý thức, cô Tình xác định bên cạnh dạy kiến thức, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, cô đã tự tìm hiểu, xây dựng các chủ đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và đưa vào các giờ sinh hoạt lớp. Các chủ đề như an toàn giao thông, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử học đường... được đồng nghiệp tích cực trao đổi, góp ý, học sinh hưởng ứng.

Thầy Nguyễn Khắc Thuật - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng chia sẻ: Các lớp do cô Tình chủ nhiệm đều được đánh giá có tiến bộ rõ rệt. Theo dõi giúp đỡ học sinh chưa ngoan, ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực học đường đã mang lại hiệu quả rõ nét trong giáo dục học sinh ở Trường THPT Lưu Hoàng, giúp các em tiến bộ hơn trong học tập.

Cô Đinh Thị Hồng Như - giáo viên Trường THPT Minh Quang cùng học sinh. Ảnh: Lan Anh
Cô Đinh Thị Hồng Như - giáo viên Trường THPT Minh Quang cùng học sinh. Ảnh: Lan Anh

Giúp học sinh dân tộc tự tin hơn

Gắn bó từ khi nhà trường mới thành lập, cô Đinh Thị Hồng Như - giáo viên Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) nguyện đem tất cả nhiệt huyết truyền lửa cho các thế hệ học trò.

Cô Như cho biết: Trường THPT Minh Quang được thành lập năm 2014, là trường xa xôi, khó khăn nhất thành phố Hà Nội. Học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mường và Dao của 3 xã miền núi (Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì), đời sống nhân dân khó khăn về mọi mặt.

Với học sinh miền núi, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học tập còn thiếu thốn, bản thân các em lại rụt rè, nhút nhát, chưa tự tin. Vì vậy, trong quá trình dạy học, cô giáo đã tạo ra những sân chơi trí tuệ trong những buổi học ngoại khóa. Qua đó các em có thể “học mà chơi, chơi mà học”, mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

Riêng với học sinh khối 12, để hệ thống kiến thức một cách sinh động và dễ hiểu, cô Như  xây dựng và tổ chức buổi ngoại khóa: “Chinh phục Kỳ thi THPT môn Lịch sử qua phim tư liệu”... Chủ đề này được học sinh hưởng ứng nhiệt tình, những kiến thức lịch sử vốn khô khan, khó nhớ trở nên thú vị và sinh động hơn nhiều.

Trong quá trình giảng dạy, cô Như tích cực đổi mới và đưa ra nhiều phương pháp như: Dạy học nêu vấn đề, dạy học dự án, dạy học trải nghiệm, hướng dẫn các em sân khấu hóa một số nội dung trong bài học, tìm hiểu lịch sử qua các câu truyện, đưa học trò đi tham quan học tập tại các khu di tích lịch sử của quê hương.

Để giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Như chủ động dạy phụ đạo miễn phí một số buổi cho những học sinh học yếu môn Lịch sử. Cô xây dựng chương trình riêng, giảm bớt những kiến thức nâng cao để học sinh dễ tiếp thu. Kết quả là điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử của nhiều em trong số đó từ mức yếu, kém đã vươn lên mức điểm trung bình và khá.

Cùng với đó, để tạo môi trường học tập thân thiện, cô Như biến lớp học thành một “Mái nhà chung”, ở đó học sinh như trong một gia đình, đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Là người con của dân tộc Mường, cô rất hiểu phong tục tập quán của đồng bào, thường xuyên đến nhà học sinh để trao đổi và phối hợp với gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh động viên các em học tập. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc - phụ huynh học sinh Trường THPT Minh Quang cho hay: Nhờ sự dạy dỗ tận tình của cô Đinh Thị Hồng Như, học sinh lớp 12A1 đã tiến bộ từng ngày. Dù điểm đầu vào thấp nhưng trong 3 năm học tập, các cháu đều tiếp thu bài học tốt, nhiều cháu đã đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Bên cạnh đó, các cháu còn được tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Qua 3 năm học, tất cả học sinh đều đã trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.