“Bị quên” ống dẫn lưu trong niệu quản 4 năm, cụ ông 75 tuổi vẫn sống khỏe

Thấy vùng bụng đau tức dữ dội, đi tiểu có cảm giác đau buốt, cụ ông Nguyễn Văn Đông đã được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám.

“Bị quên” ống dẫn lưu trong niệu quản 4 năm, cụ ông 75 tuổi vẫn sống khỏe
Quá trình siêu âm, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện trong niệu quản của bệnh nhân có chứa vật thể lạ. Sau khi kiểm tra kỹ, dị vật được xác định là ống thông dẫn lưu mà cách đây 4 năm đã đặt vào người ông Đông nhằm tránh tình trạng tắc nghẽn niệu quản sau mổ. Chỉ vì chủ quan cho rằng vật này không ảnh hưởng tới sức khỏe, ông Đông đã để nó tồn tại trong cơ thể cho đến bây giờ.

Phát hiện gây sốc

“Tại Việt Nam hiện nay, ống thông JJ là công cụ không thể thiếu đối với phẫu thuật tiết niệu. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan của bệnh nhân là nguyên nhân dẫn đến việc bỏ quên ống JJ. 

Vì vậy, cần phải có chương trình quản lý và giáo dục bệnh nhân tốt để giảm thiểu tình trạng bỏ quên thông JJ. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh thường ít khi xem lại giấy xuất viện. 

Mặc dù bác sĩ có ghi phải tái khám để rút ống thông trong giấy xuất viện nhưng họ thường không để ý. Hoặc, trước khi xuất viện bác sĩ có dặn nhưng bệnh nhân quên mất. 

Cũng có trường hợp bác sĩ trong giao tiếp dùng quá nhiều từ chuyên môn, bệnh nhân không hiểu cũng không dám hỏi lại. Và cũng có trường hợp bác sĩ ở vùng miền này bệnh nhân người miền kia, cùng nói tiếng Việt nhưng không ai hiểu ai” - Bác sỹ Giang thuộc Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết. 

Vì vậy, việc trao đổi thông tin rõ ràng giữa bác sĩ và bệnh nhân là hết sức cần thiết. Nhiều khi bác sĩ cũng nên hỏi cặn kẽ xem bệnh nhân đã tiếp thu được chưa. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân và người nhà cũng nên chủ động hỏi lại nếu chưa nắm được thông tin hoặc nhờ các nhân viên y tế túc trực tại bệnh viện hướng dẫn thêm cho rõ.

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Đông (75 tuổi, ngụ xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) trong tình trạng vùng bụng dưới liên tục có những cơn đau quặn thắt, đi tiểu có cảm giác đau buốt. 

Tình trạng này đã từng xảy ra nhưng với mức độ nhẹ hơn và người nhà cũng không hiểu nguyên nhân do đâu. “Trước đây, bố tôi cũng thường hay đau bụng nhưng cơn đau không đáng kể. Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng, do bố ăn uống phải gì lạ nên mua thuốc về cho ông uống và thoa dầu. 

Song phương pháp đó không mang lại tác dụng, những cơn đau cũng chỉ bộc phát một thời gian ngắn rồi dịu đi. Ông cũng bảo rằng đi tiểu thấy khó chịu nhưng chúng tôi chỉ nghĩ đó là bệnh của tuổi già nên không mấy để ý. 

Nhưng đến hôm vừa rồi thấy bố đau nặng, anh em chúng tôi quyết định đưa ông đến bệnh viện thăm khám” - Chị Nguyễn Thị Thoa (con gái ông Đông) cho biết.

Sau khi làm xong các thủ tục, bệnh nhân Đông được đưa vào phòng siêu âm và chụp phim để xác định nguyên nhân của triệu chứng đang mắc phải. Kết quả cho thấy, bên trong niệu quản của bệnh nhân có dị vật hình sợi dây dài chừng 36 - 38 cm. 

Kiểm tra lại một lần nữa để xác định chính xác, các bác sĩ vô cùng bất ngờ khi nhận thấy dị vật bên trong cơ thể bệnh nhân là một ông dẫn lưu loại JJ, thường dùng đặt vào niệu quản để tránh tắc nghẽn sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, phim chụp cũng cho thấy thận của bệnh nhân sưng to, có dấu hiệu phù nề, ứ dịch.

Ống thông JJ được làm bằng nhựa dẻo, thường được đặt vào trong niệu quản khi phẫu thuật hay nội soi. Sau một thời gian, bệnh nhân phải tái khám để bác sĩ rút ống ra. 

“Khi mổ sỏi thận, bệnh nhân thường được đặt vào trong niệu quản một ống thông nhỏ (ống J hay ống JJ) để tránh tình trạng tắc nghẽn niệu quản sau mổ. 

Thời gian lưu ống thông tùy thuộc vào tình hình hồi phục sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường vật liệu này đặt trong quản bệnh nhân từ hai tuần đến một tháng, không để lâu quá 3 tháng. 

Trường hợp để lâu quá 3 tháng thì phải dùng chất liệu ống bằng silicone và bệnh nhân phải liên lạc thường xuyên với bác sĩ để được theo dõi tình trạng sức khỏe. 

Sở dĩ thận của bệnh nhân Đông bị như vậy là do tác động của ống dẫn lưu này khi để trong cơ thể quá lâu dẫn đến biến chứng. Các cơn đau bụng và chứng khó tiểu bệnh nhân gặp phải cũng xuất phát từ điều này mà ra” - Bác sỹ Giang thuộc Khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, người điều trị cho bệnh nhân Đông cho biết.

“Bị quên” ống dẫn lưu trong niệu quản 4 năm, cụ ông 75 tuổi vẫn sống khỏe ảnh 1

Tấm X-quang chụp ống thông hơi trong bụng cụ Đông.

Chỉ vì chủ quan

Sự việc bất thường này ngay sau đó được thông báo cho người nhà bệnh nhân. Nhưng ban đầu, chính các con, cháu cũng không hiểu vì sao trong người ông Đông lại tồn tại một ống dẫn lưu suốt thời gian lâu như vậy. 

“Lúc nghe bác sĩ thông báo, người nhà chúng tôi đều tròn mắt nhìn nhau, không biết vì sao trong người bố lại có loại ống đó. Phải mất một thời gian suy nghĩ, chúng tôi mới nhớ ra, cách đây 4 năm bố tôi đi mổ sỏi thận và bác sĩ có đặt một ống thông dẫn lưu vào trong cơ thể. 

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ hẹn với bố tôi là một tháng sau đến tái khám và rút ống. Vậy nhưng do chủ quan, thấy không đau đớn gì cộng thêm hoàn cảnh khó khăn nên ông không đi khám lại. 

Sau ngày mổ sỏi thận, bố tôi trở lại khỏe bình thường, không đau ốm gì nên dần dần cũng quên luôn chuyện trong người mình có một ống thông. Tới khi đau tức bụng quá, ông bảo con cháu đưa đi khám thì mới biết nguyên nhân là do ống thông này” - Chị Thoa cho biết.

Cũng theo các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Đông thì ống dẫn lưu này có tác dụng rất hiệu quả trong quá trình lấy sỏi thận. Nó giúp nước tiểu lưu thông từ thận đến bàng quang, thận không bị tổn thương do tắc nghẽn. 

Từ đó giúp bệnh nhân tránh được những cơn đau dữ dội khi thận không hoạt động bình thường. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng cũng được giảm thiểu đáng kể. 

Trong một vài trường hợp, ống dẫn lưu được đặt giúp niệu quản bị hẹp có thể rộng ra trong một khoảng thời gian. Điều này khá quan trọng khi cần đưa các dụng cụ vào niệu quản hoặc để lấy sỏi. 

Bởi niệu quản quá hẹp thì việc lấy sỏi trong niệu quản sẽ gặp thất bại. Tuy nhiên việc đặt ống thông cũng chỉ giới hạn trong khoảng thời gian nhất định. 

Thông thường từ 2 tuần đến 1 tháng, cao nhất là 3 tháng. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân phải thường xuyên liên lạc hoặc đến bệnh viện để các bác sĩ có thể theo dõi, tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

“Nếu để ống dẫn lưu này quá lâu trong cơ thể sẽ dẫn tới việc ống thông có thể bị vôi hóa và hình thành một lớp vỏ bọc bên ngoài tương tự như sỏi. 

Hoặc ống thông có thể bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Khi những việc này xảy ra, ống thường di chuyển xuống bàng quang và gây ra những triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, cảm thấy khó chịu ở vùng bàng quang và có thể xuất hiện máu trong nước tiểu. 

Trường hợp của ông Đông là khá hy hữu khi ống dẫn lưu này đã tồn tại 4 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu bị vôi hóa. Bên cạnh đó, vị trí của nó không lệch nhiều so với ban đầu nên cơ thể vẫn cảm thấy như đang bình thường dẫn đến sự chủ quan. 

Đặc biệt, bệnh nhân Đông tuổi đã cao, sức khỏe yếu hơn nhiều so với người bình thường nên một khi rơi vào các trường hợp nói trên là rất nguy hiểm” - Bác sĩ Giang cho biết thêm.

Ngay sau đó, các bác sĩ quyết định rút ngay ống dẫn lưu ra khỏi cơ thể ông Đông để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên để làm được điều này, kíp bác sĩ thực hiện phải kiểm tra lại một lần nữa xem, nếu rút ống thông ra có tác động đến các bộ phận khác trong cơ thể hay không. 

Vì nó đã tồn tại một thời gian dài trong cơ thể nên rất dễ vướng vào các bộ phận xung quanh. Một sơ suất nhỏ có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sau đó, bệnh nhân được gây mê toàn thân rồi đưa một ống nội soi mềm vào niệu đạo để lấy ống thông ra ngoài.

“Sức khỏe của bệnh nhân Đông hiện nay đã tiến triển tốt, một thời gian ngắn nữa sẽ được xuất viện. Qua sự việc này, chúng tôi muốn nhắc nhở người bệnh rằng: 

Đối với những trường hợp mổ sỏi thận phải dùng tới ống dẫn lưu như ông Đông thì cần tuân thủ việc tái khám theo đúng chỉ định của thầy thuốc để rút hoặc thay ống thông, tránh để quên dẫn tới những biến chứng đáng tiếc. 

Bỏ quên ống thông JJ là bệnh cảnh phức tạp, hiếm gặp, thống kê trên y văn chiếm tỉ lệ thấp” - Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Đông nói thêm.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ