Cử nhân công nghệ thông tin chế sản phẩm bịp
Tin về một “xưởng” sản xuất thiết bị đặc biệt trong một con ngõ của phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã được các trinh sát hình sự thuộc Phòng 9 (Cục C45, Bộ Công an) đặc biệt chú ý.
Sự xuất hiện bất thường và “bí ẩn” của nhiều người lạ mặt, đa phần là các đối tượng cờ bạc trong khu nhà có gắn biển hiệu công ty, khiến người dân trong khu vực, cũng như lực lượng chức năng không khỏi nghi ngờ, một hoạt động phi pháp đang diễn ra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát cục C45 xác định, doanh nghiệp trên là của hai anh em ruột Phạm Văn Hải (Sinh năm 1976) và Phạm Đình Hưng (SN 1980), đều trú tại quận Đống Đa.
Có vẻ dưới sự “điều hành” của cặp đôi này, “công ty” đang ăn lên làm ra với một lượng nhân công khá hùng hậu, làm việc từ sáng tới tối muộn.
Và hầu như họ rất “kín tiếng” với xung quanh. Sáng đến làm việc từ rất sớm, cho đến đêm họ mới về. Mỗi lần công ty này hoạt động thì cổng chính luôn được đóng kín. Khi nào có người ra vào thì đã có người bên trong mở rồi đóng cửa lại ngay. Mọi hoạt động của cơ sở “sản xuất” này hầu như khép kín.
Theo phân tích đánh giá, “công ty” của anh em Hưng thực chất là một xưởng chế tạo các thiết bị cờ bạc bịp thuộc diện có quy mô và hết sức tinh vi.
Phạm Đình Hưng, từng tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, khoa Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dù có tấm bằng cử nhân trong tay và Hưng đã đi làm việc ở một số nơi nhưng anh ta vẫn cảm thấy khoản tiền kiếm được không đủ để trang trải cho cuộc sống.
Trong lúc đang khốn khó, Hưng được anh trai rủ về làm cùng với công việc thiết kế một số thiết bị điện tử với thỏa thuận lời lãi chia đôi.
Hưng vui vẻ nhận lời “hợp tác”. Hai anh em Hải, Hưng chính thức thành lập xưởng sản xuất, lắp đặt, cung cấp các công cụ, phương tiện điện tử phục vụ cho dân chơi bạc bịp.
Những thiết bị điện tử bí mật này, được Hải và Hưng phân phối cho các đại lý trên nhiều tỉnh, thành trong phạm vi cả nước. Mỗi chuyến hàng của hai anh em thường lên đến hàng chục bao tải. Trong mỗi bao, Hưng phân chia các hạng mục để bán, chủ yếu cho các con bạc “khát nước” sát phạt nhau.
Được đào tạo khá bài bản về công nghệ, Hưng mang những kiến thức này ứng biến thành công trong chế tạo các loại công nghệ cờ bạc bịp.
Hải và Hưng, mua các loại bài lá, tú lơ khơ... tại các cửa hàng bán lẻ về, sau đó sẽ thiết kế, gia công đưa hóa chất phản quang vào các con bài này và bán kèm với kính áp tròng, kính đeo mắt. Chỉ cần đèo kính vào, người chơi có thể nhìn thấy mặt sau của quân bài là quân gì.
Riêng với công cụ như: bát, đĩa (dùng đánh bạc dưới dạng xóc đĩa)... hai anh em Hải thiết kế để lắp thiết bị điện tử (camera) trong lòng bát và đi kèm với một thiết bị phát sóng ở bên ngoài để nhìn thấy các quân bài trong lòng bát.
Ngoài ra, còn có thiết bị điện tử khác được chôn dưới nền nhà, con bạc có thể điều khiển theo ý định của mình.
Đặc biệt, hai anh em Hải còn thiết kế ra máy đánh bạc rung bằng bộ phận rung của máy điện thoại. Để chế tạo ra các loại thiết bị tinh vi này, anh em Hưng ra thị trường mua những máy điện thoại cũ, hỏng về tháo rời bộ phận này ra, thiết kế máy báo bài (chẵn hay lẻ).
Ngoài ra, trong xưởng và kho của Hải, Hưng có đủ loại các phương tiện, công cụ đánh bạc bịp như áo tráo bài, ví tráo bài, quân kẹp nam châm, rung thường...
Mỗi loại lại có giá tiền khác nhau như áp tròng L1 bán lẻ có giá 3 triệu đồng, giá bán buôn là 2,5 triệu đồng; áp tròng L2 bán lẻ với giá 3 triệu đồng, bán buôn là 2 triệu đồng.
Tùy từng thiết bị, công cụ càng hiện đại thì giá tiền càng cao. Chỉ cần sử dụng thành công các loại thiết bị này, các con bạc bị lừa đảo, móc túi trắng trợn mà không hề hay biết.
Trong suốt quá trình theo dõi đối tượng, một trinh sát trong chuyên án cho biết, việc sản xuất, mua bán thiết bị cờ bạc “bịp” của các đối tượng trên kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, nhiều gia đình bị khuynh gia bại sản, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ trọng án, đòi nợ, khủng bố chất bẩn cũng xuất phát từ cờ bạc.
Khi một số con bạc sử dụng các phương tiện, công cụ cờ bạc “bịp” này thì sẽ trở thành người quyết định sự thắng thua trong mỗi ván bài. Các “đối thủ” chỉ có thua chứ không có thắng. Nhiều đối tượng khi thua bạc càng “cay cú”, càng muốn “gỡ gạc” thì càng thua nặng.
Thậm chí, khi biết mình bị lừa, bị đối thủ gian lận, dùng thiết bị “bịp”, nhưng vì việc đánh bạc là vi phạm pháp luật, nên các con bạc bị lừa không dám đến cơ quan Công an tố cáo, do đó chịu phần thiệt.
Đột kích khu “xưởng” bí ẩn núp bóng công ty
Sau nhiều tháng âm thầm theo dõi, xác minh, đến chiều ngày 6/2/2015, khi mọi điều kiện đã đến thời cơ “chín muồi”, lực lượng của Cục Cảnh sát Hình sự đồng loạt ra quân, đột kích nơi làm việc, chỗ ở của Phạm Văn Hải và Phạm Đình Hưng.
Hàng chục cán bộ, chiến sỹ của Phòng 9 (C45) bủa vây, áp sát ngôi nhà tại địa chỉ 104 và 106 (ngõ 72 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), nhằm tránh đối tượng có thể tẩu tán tang vật.
Bị tấn công bất ngờ, một số nhân viên của Hưng không kịp thu dọn hiện trường, xung quanh vẫn ngổn ngang bài vị, bát đĩa có gắn chíp... đang trong quá trình làm “thủ thuật”.
Tại đây, lực lượng công an đã lập biên bản, thu giữ 2 cây CPU; 16 thùng carton đựng nhiều bát đĩa, bài lá, thiết bị điện tử đã thành phẩm để phục vụ việc đánh bạc “bịp”; 2 thùng carton đựng bát đĩa, công cụ phục vụ đánh bạc “bịp” đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cử nhân Phạm Đình Hưng tại Cơ quan điều tra.
Ngay sau đó, nơi ở của Hưng ở số 19, ngách 2 (ngõ 814 đường Láng, phường Láng Thượng, Đống Đa) được khám xét. Lực lượng phá án tiếp tục thu giữ 8.700 USD và 41 triệu đồng; 200 thùng carton đựng khoảng hơn 30.000 bộ bài tú lơ khơ, bài chắn đã được các đối tượng “xử lý” và đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ theo đơn đặt hàng.
Cùng ngày, một tổ công tác khác của Phòng 9 (Cục C45) khám xét khẩn cấp “xưởng” sản xuất và “kho” chứa “hàng” của Phạm Văn Hải tại địa chỉ số 6 (ngõ 157, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng).
Tại đây, cơ quan công an thu giữ 35 thùng carton đựng tang vật gồm các bộ bài tú lơ khơ, bát, đĩa, quân vị, điện thoại di động, bộ trò chơi tôm cua cá, màn hình điện tử, thiết bị thu phát sóng, ổ cứng máy tính... cùng với một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép của đối tượng trên.
Một điều bất ngờ là hầu như người dân xung quanh khu “xưởng” này tọa lạc, hầu như không một người dân nào biết gì về hoạt động phi pháp của các đối tượng.
Chỉ đến khi lực lượng công an đến khám xét xưởng của Hưng và Hải thì họ mới biết ngôi nhà chuyên sản xuất thứ máy đánh bạc “bịp” này.
Quan sát bên ngoài thì khu nhà được xây một tầng nhưng sâu vào phía trong, cửa chính được lắp đặt rất kiên cố, bên phải ghi biển công ty nghe nhìn và điện tử TEKCAS.
Cuối giờ chiều cùng ngày, sau khi hoàn tất các thủ tục khám xét, Phạm Văn Hải và em trai là Phạm Đình Hưng cùng với nhiều tang vật liên quan được đưa về trụ sở cục Cảnh sát Hình sự để làm rõ.
Một cán bộ điều tra cho biết, các đối tượng này đã sản xuất loại thiết bị cờ bạc “bịp” đã từ lâu nhưng rất tinh vi nên không ai phát hiện được.
Cơ sở sản xuất của Hưng vận chuyển “hàng hóa” chủ yếu là vào sáng sớm và lúc ban đêm tới các điểm đánh bạc nhỏ lẻ trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh trên địa bàn cả nước để tiêu thụ.