Trong lịch sử nhân loại, có những khám phá vĩ đại khởi nguồn từ một dịp may. Và việc phát hiện “Titanic của thế giới cổ đại” đích thực là một dịp may hiếm có trong hơn 100 năm trở lại đây.
Cách đây hơn 2.000 năm, một con tàu La Mã chất đầy đồ cổ quý giá và thiết bị hiện đại nhất thời đó, bao gồm "cỗ máy Antikythera" - cái mà các chuyên gia gọi là máy tính đầu tiên trên thế giới - đã kết thúc hải trình dưới lòng biển sâu ngoài khơi đảo Antikythera của Hy Lạp.
Trong suốt 2 thiên niên kỷ, con tàu xấu số chìm vào quên lãng và lâm vào tình trạng mục nát dưới đáy đại dương, cho đến khi một thợ lặn trong lúc tìm bọt biển đã tình cờ làm sống lại huyền thoại. Đó là một ngày mùa xuân năm 1900, thuyền trưởng Dimitrios Kontos thả neo tàu tại một địa điểm ngoài khơi Antikythera, chờ bão đến để thủy thủ vớt bọt biển.
Tuy nhiên, thay vì thứ mà họ đang tìm kiếm, một thợ lặn tên Ilias Stadiatis lại mò được cánh tay của một bức tượng bằng đồng, kèm theo thông tin rằng còn lắm thứ dưới đáy biển.
Giờ đây, hơn 1 thế kỷ đã trôi qua với vô số phát hiện quan trọng, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm tại mồ chôn xác tàu trên với hy vọng mở rộng cánh cửa vào thế giới bí ẩn của quá khứ. Tuy nhiên, trong nhiều năm, trình độ công nghệ vẫn chưa thể nào chạm đến xác tàu đang nằm ở độ sâu hơn 55 m. Giờ đây mọi chuyện đã thay đổi.
Nếu các nhóm khảo cổ học trước đó phải trang bị những bộ đồ và mặt nạ nặng nề, các nhà khoa học ngày nay sử dụng “Exosuit” - loại thiết bị giống bộ giáp trong loạt phim Người sắt.
Do một công ty Canada chế tạo, Exosuit giúp mở rộng khả năng của người mặc, theo AFP dẫn lời nhà khảo cổ học Hy Lạp Theotokis Theodoulou.
Với trang bị mới và những thiết bị công nghệ cao khác, các nhà khoa học thuộc Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp đã vẽ bản đồ của thềm biển này trong vòng 3 tuần, kèm theo thu hoạch hết sức khả quan.
Trong số đó, nhóm chuyên gia tìm được một ngọn giáo bằng đồng, đồ gốm sứ và dụng cụ kim loại dùng để cố định con tàu.
Những phát hiện trên cho thấy xác tàu vẫn còn nắm giữ rất nhiều bí mật chờ được khám phá. Chẳng hạn, ngọn giáo mới tìm được có thể thuộc về một bức tượng bằng đồng kích cỡ lớn vẫn chưa được tìm thấy.
Giám đốc Cục Cổ vật dưới nước của Hy Lạp Angeliki Simossi đánh giá xác tàu trên đích thực là một viện bảo tàng nổi, mang theo những tác phẩm thuộc nhiều thời đại khác nhau.
Họ đã tìm được một pho tượng bằng đồng niên đại 340 trước Công nguyên, một tượng khác có niên đại 240 trước Công nguyên, trong khi cỗ máy Antikythera được chế tạo sau đó.
Tờ The Washington Post dẫn lời nhà khảo cổ kỳ cựu Brendan Foley (Viện Đại dương học Woods Hole ở Massachusetts, Mỹ) cho biết đến nay các chuyên gia mới phát hiện con tàu thực sự lớn hơn so với tưởng tượng trước đó.
Dựa trên những mảnh vỡ rải rác khắp 300 m thềm biển cùng kích thước khổng lồ của các mỏ neo, con tàu này có thể dài đến 50 m, xứng đáng với biệt danh "Titanic cổ đại", theo Phys.Org. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể dùng để chở các kho báu từ Hy Lạp dưới thời cai trị của La Mã để cung phụng cho giới quyền quý ở Rome.
Vận mệnh xấu số của nó đã để lại kho báu dồi dào các cổ vật, mà sự tồn tại của chúng đã khiến những nhà khoa học ngày nay lâm vào tình trạng bối rối, trước sự hiện đại quá mức của những vật phẩm này vào thời đó.