Bí mật kho vàng của phát xít Đức

Bí mật kho vàng của phát xít Đức

(GD&TĐ) - Những tin đồn hư hư thực thực về các kho vàng bạc châu báu do phát xít Đức chôn giấu trước khi đầu hàng vẫn lan truyền đâu đó trong dân gian. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng cũng đánh thức sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, và khơi gợi lòng tham của nhiều người muốn “ngủ dậy trở thành triệu phú”.

Sau ngày giải phóng, đi săn tìm kho vàng do phát xít Đức chôn giấu sau khi đầu hàng là công việc cấp bách của các đoàn quân giải phóng. Họ không tiếc công, tiếc của, thậm chí tiếc cả sinh mệnh của chiến sĩ để tìm cho kỳ ra nơi cất giấu tài sản mà quân phát xít đã ăn cướp của nhân dân, vì đó là máu, là nước mắt, mồ hôi của bao người vô tội, và thiết thực nhất đó là phần thưởng của người chiến thắng dùng để kiến thiết lại đất nước bị tàn phá nặng nề, xem như nén hương tưởng niệm những ai đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phát xít Đức.

…Merkers, ngày 4 tháng 4 năm 1945 - những ngày đầu sau khi phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Màn đêm đã bao phủ lên thành phố nhỏ ở vùng Thuring (Đức). Trên những con đường vắng vẻ, có phần ảm đạm, vừa buồn vừa lạnh lẽo, một nhóm các sĩ quan Mỹ gặp hai phụ nữ. Một bà kể lại trong thứ tiếng Anh bập bõm: “Cách đây mấy ngày có nhiều đoàn xe của Đức đến cùng với những sĩ quan SS và một số người mặc thường phục. Thái độ của họ có vẻ khác thường như làm một việc gì giấu diếm, bí mật, không muốn ai thấy, ai biết, cứ lấm la lấm lét. Mà ai cũng sợ, không dám đến gần hoặc đi ngang qua đó. Nhiều tù binh chiến tranh có lẽ giúp họ khiêng các bị, các thùng đem đi giấu ở một nơi nào đó không xa thành phố”. Họ giấu cái gì, ở đâu, các bà cũng cũng không biết. Nhóm sĩ quan Mỹ, sau khi biếu các bà mấy cái bánh mỳ và xúc xích, nói lời cảm ơn rồi bỏ đi.

Một kho báu của phát xít Đức được người Mỹ phát hiện hồi năm 1945
Một kho báu của phát xít Đức được người Mỹ phát hiện hồi năm 1945

Hai hôm sau, một số tù binh cũ hướng dẫn người Mỹ đến một mỏ muối cũ. Ngày 6 tháng 4, họ tiến vào một cái hang của “Ali Baba” sau khi đã đục một cái lỗ ở bức tường. Một cảnh tượng bày ra trước mắt làm họ sững sờ như từ trên cung trăng rơi xuống, không biết thực hay hư. Mọi người đứng ngây ra : trước mắt họ là một đống vàng (sau này biết là khoảng 220 tấn), 800 thoi đựng trong 207 thùng và túi, lại còn những thùng và vali chứa đồ trang sức, đồng hồ v.v… Ngoài ra, còn hàng trăm kg răng vàng hay bịt vàng. Một người thuật lại sau này: “Chưa có người nào thấy một cảnh tương tự như vậy. Ngày 12 tháng 4, đại tướng Tổng tư lệnh Dwight Eisenhower đến thị sát kho vàng, ông chỉ còn biết kêu lên: Lạy Chúa!”. Những tuần sau đó, Đồng minh cũng tìm thấy thêm những chỗ giấu kho báu của bọn SS nữa, nhưng không có nơi nào nhiều và quan trọng như chỗ này. Ba mươi năm sau chiến tranh, một sĩ quan Mỹ còn đi quan sát một hành lang cũ của mỏ muối trong núi Tyrol, vì nghi rằng vẫn còn có những kho báu của phát xít giấu trong đó, nhưng trần của mỏ bị hư hại nhiều, không ai dám mạo hiểm chui vào, sợ trần sập bị chôn sống..

Bắt đầu từ năm 1936, khi Hitle cấp tốc quân sự hóa tối đa, và nhất là vào năm 1940 khi đồng tiền Mark không chuyển đổi được nữa, bọn quốc xã phải dùng vàng và bạc để chi cho việc mua nguyên liệu phục vụ công nghệ chiến tranh như các kim loại hiếm wolfram, tungsten,uranium. Trước hết, những luật phân biệt chủng tộc của Nuremberg cho phép bọn quốc xã chiếm hết của cải của các nhà tư sản Do Thái. Sau 1940, bọn quốc xã tự cho mình quyền lột hết của cải của người Do Thái, cho đến tận cái răng vàng của những người chết trong các trại tập trung. Chúng tịch thu hết tiền, vàng để trong các ngân hàng Trung ương của các nước mà chúng chiếm đóng. Một hệ thống lắt léo gian trá cho phép biến đổi vàng đó thành france Thụy Sĩ trong các ngân hàng của Liên bang Thụy Sĩ (nước trung lập, không tham gia bất cứ cuộc chiến tranh nào). Khi bọn phát xít chiếm miền Nam nước Pháp, chúng chuyển kim loại quý sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Năm 2000, Michel Guérin, một giáo viên gần Oloron ở Béarn có bằng chứng để nói rằng chính mắt mình trông thấy bọn SS chuyên chở kim loại quý và đồng hồ qua Tây Ban Nha bằng 44 công-voa xe tải. Bây giờ số của cải đó nằm ở đâu, trong tay ai?

TT Mỹ thị sát kho vàng
TT Mỹ thị sát kho vàng

Từ sau vụ phát hiện kho vàng ở Merkers năm 1945, không có tin tức nào đáng tin cậy về các kho vàng bạc châu báu được cất giấu, và cũng không có những hoạt động nào đáng kể của những người tìm kho báu. Hàng mấy chục năm nay, người ta tìm một cách vô ích của cải trong “căn phòng Ambre của các Nga hoàng” ở Konigsberg do bọn phát xít Đức chôn giấu. Người ta còn lặn xuống hồ Toplitz, tuy lấy lên được nhiều thùng, nhưng toàn là thùng bia từ thời phát xít Đức. Mọi sự chú ý dồn về hồ Styrie, hồ Altausce, nơi không xa chỗ ở của bọn chỉ huy an ninh quốc xã, nơi mà người Áo Ernst Kaltenbrunner kế vị Heydrich lập dinh cơ. Ở đó có một “cánh rừng thu nhỏ”, là nơi mà ông ta đã ẩn náu với nữ bá tước von Westarp. Sau khi ông ta bị hành quyết vào năm 1946, người ta tìm thấy trong vườn có chôn 76 kg vàng. Rồi sau đó còn đào lên được 2 tấn vàng đựng trong 50 thùng, một bộ sưu tập tem trị giá 5 triệu mác-vàng. Một người thợ lặn đã tìm được trong hồ ở Altausee vào năm 2001 một ấn tín cá nhân của Kaltenbrunner. Có thể để khỏi rắc rối về sau, ấn tín này đã bị ném xuống hồ cho phi tang.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã trôi qua từ lâu, nhưng việc tìm kiếm và phát hiện những kho vàng bạc châu báu do phát xít Đức chôn giấu trước khi đầu hàng vẫn còn âm ỉ, thỉnh thoảng lại bùng lên. Không biết đến bao giờ việc này mới bị chôn hẳn trong quá khứ?

Phan Thanh Quang

(Theo Le Point)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.