Bí mật cung điện Potala ở Tây Tạng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cung điện Potala là một dạng tu viện kiên cố của Tây Tạng, còn được gọi là 'pháo đài theo kiến trúc Dzong'.

Cung điện Potala ẩn chứa nhiều bí ẩn.
Cung điện Potala ẩn chứa nhiều bí ẩn.

Cung điện Potala - một kỳ quan kiến trúc ở Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) - có lịch sử phong phú với nhiều truyền thuyết về tôn giáo và văn hóa.

Được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1994, công trình này hiện thu hút rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan và tìm hiểu về những bí ẩn của nó.

Công trình kỳ vĩ

Cung điện Potala là một dạng tu viện kiên cố của Tây Tạng, còn được gọi là “pháo đài theo kiến trúc Dzong”. Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1645 và từng là cung điện mùa Đông của các vị Đạt Lai Lạt Ma từ năm 1649 - 1959. Sau đó, nó trở thành một bảo tàng.

Cung điện được đặt theo tên núi Potalaka, tương truyền là quê hương của Bồ tát Quán Thế Âm, vị Phật quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Việc xây dựng công trình được tiến hành sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được cố vấn tinh thần của ngài cho biết địa điểm này sẽ trở thành một trụ sở lý tưởng của chính quyền.

Cung điện cực kỳ ấn tượng và thực sự đồ sộ, đo được 400m theo chiều Đông - Tây và 350m chiều Bắc - Nam, với những bức tường đá dốc, dày trung bình chừng 3m và 5m tại nền móng giúp chống chịu lại những trận động đất.

Mười ba tầng của cung điện có hơn 1.000 phòng, 10.000 điện thờ và ít nhất 200.000 bức tượng. Các hành lang và lối đi uốn lượn vào trong núi, ẩn chứa nhiều bí mật trong chiều sâu của nó.

Potala gồm hai cung điện Đỏ và Trắng riêng lẻ có chức năng riêng biệt. Cung điện Trắng là nơi ở mùa Đông của mười vị Đạt Lai Lạt Ma liên tiếp, cũng là nơi đặt các văn phòng cũ của chính quyền Tây Tạng.

Cung điện Đỏ nằm ở trung tâm của quần thể Potala, được xây dựng bổ sung sau này vào năm 1690 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 6, chủ yếu làm nơi cầu nguyện và dành riêng cho việc nghiên cứu Phật giáo.

Bao quanh cung điện là những mái bằng đồng mạ vàng của 8 bảo tháp linh thiêng, chứa thi hài của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Xây dựng từ gỗ, các bảo tháp được trang trí bằng vàng và đồ trang sức quý giá.

Nổi bật trong số này là bảo tháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, có chiều cao 15m, được bao bọc bằng vàng và tô điểm hơn 15.000 viên ngọc bao gồm kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo.

Kho tàng hiện vật lịch sử và tôn giáo

Bên trong cung điện là cả một kho tàng hiện vật lịch sử, văn hóa.

Bên trong cung điện là cả một kho tàng hiện vật lịch sử, văn hóa.

Cung điện Potala được xem là một kho tàng hiện vật lịch sử và tôn giáo. Các bức tường bên trong có hơn 2.500 mét vuông bích họa, mô tả các nhân vật, câu chuyện lịch sử, kinh Phật, thần thoại, phong tục dân gian và hầu hết mọi khía cạnh của văn hóa Tây Tạng. Bức tranh tường nổi tiếng nhất của cung điện mô tả cảnh đám cưới của Công chúa Văn Thành và vua Tây Tạng, Songsten Gampo.

Các tác phẩm nghệ thuật khác bao gồm Thangkas, một loại tranh cuộn được vẽ trên lụa, vải hoặc giấy thường, mô tả hóa thân của Đức Phật, Bồ tát và các đại sư của Tây Tạng, cũng như những phong tục tôn giáo. Có 10.000 kiệt tác như vậy được lưu giữ trong cung điện.

Ngoài ra, cung điện cũng lưu giữ một số lượng lớn tác phẩm điêu khắc và tượng bằng đá, gỗ, đất sét, có niên đại từ thế kỷ thứ 7. Ấn tượng nhất trong số này có lẽ là tượng Phật bằng gang cao hơn 10m.

Tuy nhiên, những vật quý giá nhất được lưu giữ trong Cung điện Potala có lẽ là 40.000 tập văn bản cổ. Những văn bản này được viết bằng tiếng Quan thoại, tiếng Tây Tạng, tiếng Mãn Châu, tiếng Mông Cổ và tiếng Phạn, chủ yếu tập trung vào kinh điển Phật giáo.

Hiếm nhất và quý giá nhất trong số đó là Kagyur của Tam Tạng kinh, được viết bằng loại mực làm từ vàng, bạc, san hô, sắt, kim cương xanh, đồng đỏ, vỏ ốc xa cừ trắng và bột ngọc trai.

Truyền thuyết và huyền thoại

Cung điện Potala không chỉ là một kỳ quan kiến trúc tráng lệ, mà còn là biểu tượng di sản văn hóa tinh thần phong phú của Tây Tạng. Đó là nơi truyền thuyết và lịch sử đan xen với những câu chuyện huyền bí, kho báu ẩn giấu, đường hầm bí mật...

Theo truyền thuyết, Cung điện Potala được xây dựng trên một hang động linh thiêng, nơi Bồ tát Quán Thế Âm từng thiền định. Ngài đã ban cho vùng đất và cung điện những quyền năng đặc biệt.

Có nhiều lời đồn rằng, cung điện có nhiều đường hầm và phòng bí mật kết nối với các tòa nhà quan trọng khác trong vùng, như Cung điện mùa Hè Norbulingka. Chúng được sử dụng để che giấu báu vật nhiều không kể xiết. Một trong số này là “Trụ cột duy trì sự sống”, bảo vệ cung điện khỏi những trận động đất trong nhiều thế kỷ.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi Cung điện Potala còn chứa đựng những câu chuyện huyền bí. Đáng kể nhất là tin đồn nơi này bị ám bởi linh hồn của một cựu tu sĩ đã bị giết trong một cuộc nổi dậy chống lại triều đại nhà Thanh vào thế kỷ 18. Nhiều người tuyên bố đã nhìn thấy linh hồn của ông lang thang trong các sảnh của cung điện vào ban đêm.

Một số người thì tin Cung điện Đỏ là nơi mà linh hồn của các vị Đạt Lai Lạt Ma trong quá khứ thường lai vãng. Họ khẳng định đã nghe tiếng tụng kinh kỳ lạ và đã nhìn thấy ánh đèn nhấp nháy phát ra vào ban đêm.

Bất chấp những thách thức mà nó phải đối mặt trong nhiều thế kỷ, Cung điện Potala vẫn là biểu tượng minh chứng cho sự kiên cường, tính sáng tạo của người dân Tây Tạng.

Công trình này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như các học giả, và chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục thu hút, truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau.

Theo Historicmysteries

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.