Được biết, 80 giếng nước lớn, nhỏ được phân bố khắp nơi trong nội cung. Nhiều giếng nước được đào để đề phòng hỏa hoạn chứ không được sử dụng để dùng cho sinh hoạt.
Tuy nhiên, tương truyền nhiều giếng nước trong veo bị nghiêm cấm không được dùng cho vua ăn uống.
Có truyền thuyết cho rằng, giếng nước là nơi để hạ độc. Cụ thể, sự qua đời bí ẩn của mẹ đẻ vua Minh Hiếu Tông - Kỳ Thục phi được đồn đại là do Vạn Quý phi dùng kịch độc thả vào giếng nước. Kể từ đó, giếng nước trở thành nỗi ám ảnh với những con người sống trong cố cung.
Nước để Hoàng đế sử dụng được lấy từ "Ngọc Tuyền viên" (con suối nằm ngoài cung). Dòng nước này mát lành, đảm bảo cho ăn uống và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các giếng nước trong Tử Cấm Thành còn được gọi là "nấm mồ nước" tạo nên nỗi khiếp đảm trong nội cung. Tương truyền, các phi tần, cung nữ, thái giám bị ám hại sẽ bị đẩy xuống giếng để che giấu.
Bởi các tin đồn dưới giếng toàn xác chết oan uổng nên không ai dám động vào. Và đương nhiên nước trong giếng cũng không bao giờ được sử dụng để ăn uống.
Chuyện Trần Phi - người phụ nữ được Hoàng đế Quang Tự sủng ái nhất bị Từ Hi Thái hậu đẩy xuống giếng từng là nỗi ám ảnh trong nội cung. Theo tương truyền, Từ Hy thái hậu vì không vừa mắt người con dâu này nên đã dùng cách này để loại trừ. Giếng trong Tử Cấm Thành không chỉ bị đồn đại là nơi chôn xác người mà còn được đồn là nơi chứa rất nhiều châu báu.
Hoạn quan, cung nữ được cho là đã ăn trộm đồ vật trong cung mang ra ngoài bán lấy tiền. Nếu không tuồn được ra ngoài thì phi tang bằng cách ném xuống giếng. Vua chúa, phi tần trong cung có nhiều vàng bạc, châu báu. Nếu họ thích họ sẽ giữ lại. Nếu không thích sẽ sai người ném xuống giếng giống như đồ vật vô dụng.
Tử Cấm Thành - nơi có vào mà không có ra
Trong những cuộc tranh đấu đầy mưu mô và tàn nhẫn từ cổ chí kim, miệng giếng hoàng thành không biết tự lúc nào đã trở thành một trong những công cụ trả thù hiệu quả.
Trước vô số những sự vụ lớn bé có đủ liên quan tới nước giếng trong hoàng cung, các vị Hoàng đế nhiều lần đã hạ lệnh điều tra. Suy cho cùng, dù điều tra tới đâu cũng chỉ bắt được những kẻ nhận tội thay, những nô tài, nô tỳ thấp hèn bao che cho chủ.
Hậu cung vốn là nơi “Trường Giang sóng sau xô sóng trước”, người cũ ra đi người mới lại đến. Ai cũng có thể biến chất vì sức hấp dẫn từ quyền lực và tiền bạc ở chốn xa hoa bậc nhất phương Đông này. Những chiếc giếng trong Tử Cấm Thành cũng vì vậy mà trở thành công cụ đấu tranh, trừ khử lẫn nhau từ đời này qua đời khác.