Vì sao ái phi triều Thanh bị đẩy xuống giếng trong Tử cấm thành?

Khác Thuận hoàng quý phi (1876-1900) Tha Tha Lạp thị, thường được gọi là Trân phi là phi tử được hoàng đế Quang Tự yêu quý nhất nhưng lại phải chết oan uổng khi mới 25 tuổi.

Hoàng đế Quang Tự và Trân phi (Ảnh: kanzhongguo.com).
Hoàng đế Quang Tự và Trân phi (Ảnh: kanzhongguo.com).

Tha Tha Lạp thị là người Mãn Châu, xuất thân trong một gia đình danh giá, từ nhỏ đã hiểu biết lịch sử. Năm 1888, bà và chị gái cùng được tuyển vào cung, chị được phong là Cấn tần, sau được đổi thành Cấn phi, còn Tha Tha Lạp Thị được phong là Trân tần, sau được đổi thành Trân phi.

Hai chị em Trân phi là do Tây thái hậu (Từ Hy thái hậu) tuyển chọn, lúc mới vào cung, Tây thái hậu đối đãi với hai chị em không tệ. Biết Trân phi thích vẽ tranh, Tây thái hậu còn mời thầy trong cung dạy thư pháp và quốc họa cho Trân phi, vì vậy khả năng hội họa của bà được phát triển hơn.

Quan hệ giữa hoàng đế Quang Tự và hoàng hậu không tốt trong khi Trân phi lại có tư tưởng và sở thích giống Hoàng đế nên hai người ngày càng gắn bó với nhau.

Trân phi nhanh chóng được hoàng đế Quang Tự ân sủng. Trân phi ở cung Cảnh Nhân nhưng thường xuyên tới điện Dưỡng Tâm của hoàng thượng, điều đó đã khiến Hoàng hậu Diệp Hách Ná Lạp thị Thanh Phân (cháu họ của Tây thái hậu) ghen tức.

Tây thái hậu cảm thấy quá phù phiếm khi Trân phi vừa thích chụp ảnh, vừa thích cải trang thành nam giới, Hoàng hậu cũng nhân dịp đó vu khống cho Trân phi.

Có một lần, Hoàng hậu đã nhờ thái giám vứt giày của một người đàn ông vào trong cung Cảnh Nhân nhằm vu khống Trân phi tội ngoại tình, Trân phi có một bộ quần áo thường xuyên mặc để diễn kịch cho mọi người trong cung xem, Hoàng hậu cũng đổ tội là Trân phi thích “đình trượng”.

Vì những lời nói thị phi của Hoàng hậu mà quan hệ giữa Tây thái hậu với Trân phi ngày càng xấu đi.

Năm 1894, chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Anh em họ của Trân phi là Trí Nhuệ và Văn Đình Thức buộc tội Lý Hồng Chương thỏa hiệp và đầu hàng địch, hai người đã nhờ Trân phi chuyển bản tấu tới Hoàng đế Quang Tự, thúc giục Hoàng đế đứng ra lãnh đọa cuộc chiến.

Không ngờ, Lý Hồng Chương lại vu khống Văn Đình Thức và Trân phi có mưu đồ cướp ngôi Hoàng hậu, phản đối Tây thái hậu can thiệp triều chính, giúp đỡ Hoàng đế làm chủ triều đình.

Quả nhiên, chị em Trân phi bị kết tội tạo phản và bị giáng xuống làm quý nhân, một năm sau mới được phục chức phi.

Năm 1898, Trân phi ủng hộ phái duy tân, nhằm thúc đẩy vua Quang Tự cải cách chính trị. Tây thái hậu càng ghét bà hơn, sau đó Tây thái hậu đã phát động chính biến, một lần nữa buông rèm nhiếp chính, bắt giết duy tân đảng, giam cầm vua Quang Tự và nhốt Trân phi vào lãnh cung.

Năm 1900, Liên minh 8 nước đánh vào Bắc Kinh, trong lúc Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế chuẩn bị chạy trốn về phía tây đã hỏi Trân phi có đi cùng không nhưng Trân phi đã từ chối và nói rằng: “Quốc nạn đương đầu, thần không đi, hoàng thượng cũng không nên rời khỏi Bắc Kinh”.

Nghe vậy, Tây thái hậu tỏ ra vô cùng tức giận đáp: “Nhà người chết đến nơi rồi mà còn nói những lời lẽ đó”. Nói xong, Tây thái hậu ra lệnh cho thái giám Lý Liên Anh đẩy Trân phi xuống giếng mặc cho Quang Tự hoàng đế có quỳ xuống van xin thế nào đi chăng nữa.

Năm 1902, Tây thái hậu và hoàng đế Quang Tự trở về Bắc Kinh, để xóa tội giết chết Trân phi, Tây thái hậu nói rằng Trân phi vì không muốn bị người nước ngoài làm nhục nên đã nhảy xuống giếng tự vẫn, sau đó phục danh cho Trân phi làm Hoàng quý phí và sai người an táng bà tại cổng Tây Trực, thôn Ngoại Điền.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ